Các cơ quan chức năng cần đôn đốc 2 doanh nghiệp giao nhận rác sớm tìm được "tiếng nói chung", tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc như thời gian qua.
|
Thực hiện cân khối lượng rác thải (cân xe) để tiếp nhận, bàn giao rác giữa Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Dương và Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương
|
Từ nhiều tháng nay, việc tiếp nhận rác thải sinh hoạt của TP Hải Dương giữa Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hải Dương (viết tắt là Công ty Môi trường đô thị) và Công ty CP Môi trường APT-Seraphin Hải Dương (viết tắt là Công ty Môi trường APT) có nhiều vướng mắc. Những mâu thuẫn kéo dài, chưa được giải quyết kịp thời đã khiến việc tiếp nhận rác thải có lúc bị gián đoạn, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Từ chối nhận rácLãnh đạo Công ty Môi trường APT cho rằng Công ty Môi trường đô thị vi phạm hợp đồng kinh tế giữa hai bên. Cụ thể, hai doanh nghiệp chỉ thỏa thuận chuyển giao, xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt nhưng Công ty Môi trường đô thị lại thu gom, vận chuyển cả rác thải sinh hoạt (RTSH) của cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh chuyển cho Công ty Môi trường APT xử lý. Công ty Môi trường APT cho rằng RTSH từ cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà Công ty Môi trường đô thị đã thu gom không thuộc đối tượng được hưởng đơn giá xử lý ưu đãi tương đương với mức hỗ trợ xử lý RTSH là 244.000 đồng/tấn (theo Quyết định số 1397/QĐ-UBND ngày 15-6-2012 của UBND tỉnh). Công ty Môi trường APT đề nghị Công ty Môi trường đô thị phải bồi hoàn kinh phí xử lý thực (không tính theo đơn giá được hỗ trợ của tỉnh) đối với lượng rác thải trên và cung cấp danh sách các chủ nguồn thải để phối hợp làm rõ nguồn gốc phát thải khi cần thiết. Nếu Công ty Môi trường đô thị không giải quyết được vấn đề này thì Công ty Môi trường APT sẽ từ chối tiếp nhận rác thải của cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ mà Công ty Môi trường đô thị thu gom.
Phía Công ty Môi trường đô thị lại cho rằng công ty đang thực hiện hợp đồng với TP Hải Dương quét dọn, thu gom, vận chuyển RTSH trên địa bàn thành phố và thực hiện hợp đồng vận chuyển RTSH cho một số cơ quan, đơn vị. Công ty không ký hợp đồng vận chuyển rác thải công nghiệp (RTCN) với bất kỳ đơn vị nào và cũng không vận chuyển RTCN chuyển cho Công ty Môi trường APT xử lý. UBND tỉnh đã quy định mức giá hỗ trợ xử lý RTSH của Công ty Môi trường APT là 244.000 đồng/tấn.
Những bất đồng giữa 2 doanh nghiệp chưa được giải quyết đã dẫn tới sự việc ngày 13-10-2015, Công ty Môi trường APT từ chối tiếp nhận rác thải do Công ty Môi trường đô thị chuyển xuống. Do vậy, Công ty Môi trường đô thị đã buộc phải đổ một số xe rác trước cổng nhà máy xử lý rác của Công ty Môi trường APT ở khu xử lý rác xã Việt Hồng (Thanh Hà). Sau khi xảy ra sự việc, cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Phòng TN-MT TP Hải Dương đã xuống hiện trường, yêu cầu Công ty Môi trường APT tiếp tục tiếp nhận rác; Công ty Môi trường đô thị Hải Dương thống kê rác thải đã thu gom của các doanh nghiệp (từ ngày 1-4-2015 đến 30-9-2015) để cung cấp cho Công ty Môi trường APT vào ngày 30-10-2015. Sự việc tạm yên được 1 tuần thì tới ngày 21-10, Công ty Môi trường APT tiếp tục không tiếp nhận một xe chở rác thải của Công ty Môi trường đô thị vì cho rằng đây là RTCN. Sở TN-MT xác định đây là xe chở rác xây dựng với thành phần chất thải là mùn, vụn gỗ ép, các tấm xốp, nilon cách nhiệt, thải ra khi tháo dỡ, sửa chữa công trình nên là chất thải rắn xây dựng. Với loại rác này, lẽ ra các chủ nguồn thải phải tự chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển và thanh toán chi phí xử lý cho Xí nghiệp Giao thông vận tải TP Hải Dương (quản lý bãi rác xây dựng tại phường Tứ Minh). Do việc quản lý, giám sát bãi tập kết RTSH tạm thời chưa bảo đảm, còn để tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân đổ chất thải rắn xây dựng vào bãi tập kết nên Công ty Môi trường đô thị phải chịu trách nhiệm về chi phí xử lý lượng rác thải trên. Việc Công ty Môi trường APT không tiếp nhận xe chở rác này là có lý vì không phải là RTSH.
Tránh ùn ứ rácNgày 30-10 vừa qua, hai doanh nghiệp tiếp tục làm việc với nhau để giải quyết những vướng mắc. Tại buổi làm việc này, Công ty Môi trường đô thị đã cung cấp cho Công ty Môi trường APT danh sách 20 đơn vị mà doanh nghiệp đã thu gom, vận chuyển rác từ tháng 4-2015 đến tháng 9-2015. Hiện nay, hai bên tiếp tục đàm phán để giải quyết bất đồng.
Trước khúc mắc từ hai doanh nghiệp, ngày 2-11, Sở TN-MT đã có Công văn số 1139/TNMT-CCBVMT gửi UBND tỉnh để báo cáo sự việc. Theo sở này, Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 9-4-2007 và Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24-4-2015 của Chính phủ quy định chỉ đối tượng RTSH phát sinh từ các cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng mới được bù đắp chi phí thu gom, vận chuyển thông qua ngân sách địa phương. Đối với đối tượng chất thải khác (bao gồm cả RTSH phát sinh của các cơ quan, doanh nghiệp), chủ nguồn thải có trách nhiệm ký hợp đồng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý và thanh toán toàn bộ chi phí theo hợp đồng dịch vụ. Tuy nhiên, trong thực tế việc phân lập về khối lượng giữa RTSH phát sinh từ các cá nhân, hộ gia đình, nơi công cộng và RTSH phát sinh của các cơ quan, doanh nghiệp trong quá trình thu gom, vận chuyển rất khó thực hiện. Để tạo điều kiện cho việc thu gom, vận chuyển, xử lý RTSH cho các cơ quan, doanh nghiệp thuận tiện nên các địa phương vẫn thu gom chung 2 nguồn RTSH này và thu phí vệ sinh môi trường đối với từng đối tượng chủ nguồn thải theo quy định về phí, lệ phí. Tại tỉnh ta, UBND tỉnh đã quy định mức phí vệ sinh môi trường đối với các cơ quan, doanh nghiệp và quy định mức hỗ trợ kinh phí xử lý RTSH trên địa bàn tỉnh khi chuyển tới Công ty Môi trường APT để xử lý là 244.000 đồng/tấn. Do vậy, Công ty Môi trường APT vẫn phải áp dụng đơn giá xử lý trên (bao gồm cả RTSH hộ gia đình, công cộng và RTSH của cơ quan, doanh nghiệp) cho đến khi UBND tỉnh có quy định điều chỉnh. Trường hợp với đơn giá hỗ trợ 244.000 đồng/tấn không đủ duy trì xử lý bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, Công ty Môi trường APT cần lập, trình phương án giá để Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Trước đó, tại Công văn số 529/TNMT-CCBVMT ngày 2-6-2015, Sở TN-MT nhận định: "Nguồn thu phí vệ sinh chỉ được quyết toán hằng năm để bù đắp chi phí hoạt động thu gom, vận chuyển và không bù đắp chi phí hoạt động xử lý. Về mức đơn giá hỗ trợ xử lý RTSH không được điều chỉnh hằng năm theo đơn giá biến động thị trường; khoản thu phí vệ sinh môi trường không được quyết toán bù đắp một phần chi phí cho hoạt động xử lý rác thải làm cho doanh nghiệp thực hiện xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn về chi phí duy trì vận hành xử lý rác thải và đây cũng là một trong những nguyên nhân vướng mắc của doanh nghiệp".
Để giải quyết sự việc này, các cơ quan chức năng cần đôn đốc 2 doanh nghiệp sớm tìm được "tiếng nói chung", tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc như thời gian qua. Công ty Môi trường đô thị cần phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn của TP Hải Dương tăng cường giám sát các bãi tập kết RTSH, ngăn chặn tình trạng đổ trộm các thành phần rác thải xây dựng, công nghiệp có thể gây mâu thuẫn trong giao nhận rác.
NINH TUÂN