Càng đến gần Quốc khánh 2-9, không khí lao động trên các công trường xây dựng lớn của Hải Dương càng sôi động...
Thi công cầu qua sông Thái Bình trên đường ô-tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Tại công trình xây dựng cầu Chanh thuộc dự án nâng cấp 24 km quốc lộ 37 đoạn Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng) - Gia Lộc (Hải Dương), anh Nguyễn Ngọc Trung, Giám đốc điều hành dự án thuộc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 18.6 cho biết: "Đây là thời điểm căng nhất trong thực hiện tiến độ công trình. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 18.6 và Công ty 942 đã tập trung 6 mũi thi công, gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Trong đó, 3 mũi đang thi công cọc khoan nhồi, thi công các trụ T1, T2, mố M1 và đúc dầm Super T cho bờ Vĩnh Bảo, 2 mũi thi công 2 trụ dưới sông T7, T8 và lan can cầu, 1 mũi thi công đúc dầm Super T bờ phía Ninh Giang. Cây cầu đang thành hình. Các mố, trụ phía bờ Hải Dương đã hoàn thành. Trong tháng 7 vừa qua, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 18.6 đã lao 30 phiến dầm Super T cho 3 nhịp phía Hải Dương và 3 nhịp phía Hải Phòng. Đến nay, công trình cầu Chanh đã thi công được gần 80% khối lượng, giá trị thực hiện đạt 126 tỷ đồng trong tổng số giá trị toàn bộ công trình là 189 tỷ đồng. Gần 100 cán bộ, kỹ sư và công nhân lành nghề của hai công ty đang lao động liên tục suốt ngày đêm, phấn đấu để đến ngày 31-12 tới có thể thông xe kỹ thuật.
Công trình nút giao lập thể Ba Hàng giữa quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và đường tỉnh 390 cũng đang vào thời điểm căng thẳng để bảo đảm tiến độ của công trình đặc biệt (khởi công theo lệnh khẩn cấp của Chính phủ). Ông Bùi Xuân Hải, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án giao thông (Sở Giao thông vận tải), đơn vị được Bộ Giao thông vận tải ủy quyền làm chủ đầu tư cho biết: "Toàn bộ công trình đang hình thành 11 mũi thi công. Các mũi thi công mở rộng bên trái quốc lộ 5, làm đường gom bên phải quốc lộ 5, thi công các mố, trụ vượt đường 5 và đường sắt là đường găng tiến độ của công trình. Tổng công ty Xây dựng 789 và Công ty CP Đầu tư xây dựng Quang Trung đã tổ chức công trường thành các mũi thi công. Đã khai thông mặt bằng Công ty Vinamit, Công ty Châu Á - Thái Bình Dương, Công ty Vận tải và Thương mại Thành Đạt để tập trung cho mũi thi công đường gom bên phải quốc lộ 5, tường chắn sau mố M1 và mũi thi công cầu chính vượt quốc lộ 5. Các nhà thầu của dự án đã tập trung đủ trang thiết bị, gần 600 nhân lực thi công các phần cầu và đường, phấn đấu bảo đảm tiến độ Chính phủ giao.
Trên đại công trình xây dựng đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tiến độ thi công được đẩy lên rõ rệt trong 2 tháng gần đây. Toàn tuyến qua tỉnh ta dài gần 40 km đồng loạt thi công phần nền đường, xử lý nền đất yếu, đắp lề đường, làm các công trình cầu vượt. Gói thầu EX6 có chiều dài 8,7 km, giáp với Hải Phòng, do nhà thầu GS Hàn Quốc thi công. Đây là gói thầu thuận lợi nhất trong vận chuyển vật liệu nên đã thi công đạt hơn 14% khối lượng. Nhà thầu đã thi công xong 4 trụ trên bờ của cầu Thái Bình, đang thi công tiếp các phần mố, trụ trên bờ của cây cầu vượt qua sông Thái Bình. Tại gói thầu EX5 có chiều dài 15,3 km do nhà thầu là liên danh Công ty TNHH Đường cao tốc Trường Đại Quảng Đông và Công ty Hợp tác kỹ thuật và kinh tế quốc tế Quảng Châu (Trung Quốc) thi công, mọi việc đang diễn ra hết sức khẩn trương. Ông Lý Ngạn Quân, Giám đốc Dự án cho biết: Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành xử lý nền đất yếu, đóng cọc cát, giếng cát và đang triển khai thi công một số hạng mục 6 cây cầu nhỏ của gói thầu như chặn dòng, kè bê-tông, đúc dầm cầu, khoan nhồi cọc... Để bảo đảm tiến độ, nhà thầu đã tập kết toàn bộ máy móc, nguyên vật liệu, trong đó có nhiều loại máy chuyên dùng phải đưa từ Trung Quốc sang. Hiện tại đang là mùa mưa nên công tác thi công gặp một số khó khăn nhất định. Tuy nhiên, trên 400 kỹ sư và công nhân người Việt Nam và Trung Quốc đều cố gắng khắc phục khó khăn, hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đề ra.
Trong những ngày chuẩn bị vào năm học 2012-2013, ký túc xá (KTX) sinh viên nam Lộ Cương (TP Hải Dương) đã hoàn thiện xong 4 khối nhà 5 tầng, tổng mức đầu tư công trình khoảng 327 tỷ đồng, trong đó khoảng 289 tỷ đồng vay từ nguồn trái phiếu Chính phủ, còn lại là vốn từ ngân sách tỉnh. Dự kiến khi hoàn thành toàn bộ công trình có 220 phòng, đáp ứng chỗ ở cho hơn 1.700 sinh viên. Mỗi phòng khoảng 40 m² dành cho 8 sinh viên được xây dựng khép kín với nhà tắm, nhà vệ sinh, khu phơi đồ. Mỗi tầng có 1 khu sinh hoạt chung rộng 56 m2... Theo kỹ sư Nguyễn Trung Dũng, tổ trưởng tổ quản lý dự án, mô hình quản lý dự án nhà ở sinh viên và đơn giá cho thuê đang được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Các phương án quản lý khai thác, vận hành, bảo trì nhà ở sinh viên đang được lựa chọn. Bên cạnh đó, Ban Quản lý dự án đang trình UBND tỉnh các phương án huy động vốn đầu tư một số hạng mục như nhà ăn sinh viên, khu để xe, khu thể thao - văn hóa... theo phương châm xã hội hóa. Mặc dù đang là mùa mưa, nhưng các nhà thầu vẫn tập trung lực lượng, phương tiện, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm sẵn sàng đón sinh viên đến ở từ đầu năm học 2012 - 2013.
LONG TUẤN THỦY