Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê thuần nông của huyện An Lão, Hải Phòng người đàn bà có cái tên trìu mến Nguyễn Thu Thảo, sinh 1976, ít khi ra khỏi luỹ tre làng.
Rồi 25 tuổi, Thảo đem lòng yêu thương anh chàng bên phố rồi nên duyên vợ chồng. Ngỡ tưởng lấy chồng phố, cuộc đời chị từ đây sẽ sang trang mới, nào ngờ bi kịch đổ ập xuống khi chị nhận ra chồng mình là kẻ nghiện ngập. Đắng cay hơn, chồng qua đời được thời gian ngắn, chị cũng nhận “án tử” do lây nhiễm HIV từ chồng…
Lấy nhầm chồng nghiện
Tôi còn nhớ mãi dáng vẻ lặng lẽ đượm buồn của chị khi bước vào căn nhà nhỏ. Căn nhà tồi tàn ấy chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi đã cũ, là nơi che mưa, che nắng của 3 mẹ con chị. Do cuộc sống cơ cực nơi quê nghèo nên chị trông già trước tuổi. Rồi chị kể về cuộc đời đầy sóng gió và bất hạnh của mình với giọng trầm buồn.
Chị sinh ra trong gia đình thuần nông, lại đông con, cái đói cái nghèo cứ đeo đẳng nên cha mẹ chỉ cho học hết cấp 2 rồi phải bỏ học để kiếm kế mưu sinh. Cuộc sống lam lũ bám lấy mấy sào ruộng cũng chẳng đủ ăn nên chị cũng ngại giao tiếp với bạn bè và hàng xóm láng giềng. Nhìn bạn bè cùng trang lứa được học hành, chị đành ngậm ngùi.
Rồi đến năm 25 tuổi, mọi người ở quê đã liệt chị vào “hàng tồn kho”, thì chị gặp và quen một thanh niên ngoài phố, khi anh về quê chơi. Anh giới thiệu tên là Minh, nhà ở quận Lê Chân, bố mẹ đều là công chức là nước...
Từ dạo đó, mỗi lần về quê, anh lại sang trò chuyện cùng chị. Rồi anh ngỏ lời muốn cưới chị làm vợ và ý định của anh sau khi cưới nhau, hai người sẽ xây căn nhỏ nơi quê nghèo, rồi sinh con đẻ cái, tiện cho chị chăm sóc cha mẹ lúc tuổi già. Thấy sự nhiệt tình của anh, chị đã nhận lời yêu anh bằng tất cả tình yêu chân thành và mộc mạc. Mấy tháng sau, một đám cưới rình rang của anh chị diễn ra có sự chứng kiến của đông đủ họ hàng, bạn bè gần xa.
Sau ngày cưới, chị Thảo mang thai đứa con gái con đầu lòng. Anh chăm chỉ giúp chị mọi việc để chị có thời gian nghỉ ngơi. Và khi chị sinh con gái đầu lòng, cũng là lúc chị nhận ra một sự thật phũ phàng, một lần chị đi chợ về đã tận mắt bắt gặp anh và người bạn sử dụng chung bơm kim tiêm để tiêm chích ma tuý ngay trong phòng ngủ của hai vợ chồng. Chị khóc nức nở và gặng hỏi anh cho rõ chuyện nhưng anh nói chỉ chơi cho biết chứ không hề nghiện ngập gì.
Tìm hiểu qua bạn bè của anh, chị nhận ra sự thật đau đớn, bởi anh là con nghiện ma tuý lâu năm, bị cha mẹ đưa về quê để tránh xa đám bạn xấu, mong anh rũ bỏ ma tuý để làm lại cuộc đời. Chị cũng hy vọng tình yêu, lòng vị tha của chị cảm hoá được anh, giúp anh tỉnh ngộ để đoạn tuyệt ma tuý. Nhiều đêm chị tâm sự với anh đến tận sáng, khuyên anh cai nghiện. Anh cũng nghe chị đi cai nghiện, nhưng cai rồi tái nghiện, tái lại cai đến 3 - 4 lần, anh vẫn chứng nào tật nấy và cuối cùng chị đành buông xuôi cho số phận.
Đến khi mọi tài sản gia đình đã khánh kiệt thì anh đổ bệnh trọng. Một lần chị đi làm đồng về đến nhà, anh kêu tức ngực, khó thở và phải nhập viện. Từ BV Kiến An, anh phải chuyển sang BV lao và bệnh phổi để điều trị với kết quả xét nghiệm lao - HIV giai đoạn cuối. Nhập viện được thời gian ngắn thì anh qua đời, bỏ lại chị và đứa con gái nhỏ lạc lõng trong căn nhà trống trải...
Anh mất được 3 năm, lúc đó chị Thảo cũng chủ quan không đi làm xét nghiện, cũng bởi vì cuộc sống khó khăn, một phần chị không có kiến thức về căn bệnh thế kỷ. Thời gian sau, được bạn bè giới thiệu việc làm, chị gửi đứa con nhỏ cho cha mẹ chăm sóc, ra huyện Cát Hải làm thuê, có khi vài tháng mới về thăm con một lần. Nơi đất khách quê người, cuộc sống cô đơn, chị đã gá nghĩa với người đàn ông đã bỏ vợ rồi mang thai đứa con gái thứ 2. Chị hy vọng rằng, người đàn ông thứ hai này sẽ làm điểm tựa vững chắc cho hai mẹ con chị đến hết cuộc đời…
Lúc chị chuyển dạ, phải nhập viện để sinh con, cũng là lúc nhận được kết quả xét nghiệm máu dương tính với HIV, đã chuyển giai đoạn AIDS. Đất trời như sụp đổ dưới chân, chị không có thiết sống nữa. Người chồng hờ cầm tờ giấy xét nghiệm của chị trên tay thì quá bàng hoàng lo sợ. Rồi anh ta nhanh chóng vào bệnh viện xét nghiệm nhưng may mắn nhận kết quả âm tính với HIV. Cái ngày mẹ con chị ra viện, cũng là ngày người chồng hờ bỏ đi. Đã nhiều năm nay, người đó không một lần đến gặp mặt đứa con gái tội nghiệp của chị…
Dồn hết tình yêu thương cho con
Cầm tờ giấy xét nghiệm dương tính với HIV, chị đau đớn đến tột cùng. Chị trách mình quá chủ quan với bệnh tật nên mới thế. Rồi chị khóc cạn nước mắt vì thương con, thương cho hoàn cảnh éo le của mình. Càng tuyệt vọng hơn khi con gái nhỏ mới sinh cũng nhận được kết quả dương tính với căn bệnh chết người ấy do bị lây truyền HIV từ mẹ sang con. Chị thấy mình có tội với con. Nhiều lần chị muốn tìm đến cái chết để chấm hết mọi chuyện. Song được sự đồng viên của gia đình, họ hàng và bạn bè, chị được tiếp thêm nghị lực sống.
Ảnh minh họa |
Biết được hoàn cảnh khó khăn của chị Thảo, thành viên trong CLB phòng chống AIDS “Trường Sơn xanh” của huyện An Lão đã đến tận nhà tư vấn cho chị những kiến thức cơ bản về căn bệnh HIV/AIDS và động viên chị tham gia sinh hoạt tại CLB để được chia sẻ với cũng người cùng hoàn cảnh với mình. Chị mạnh dạn tham gia CLB để tích lũy những kiến thức về căn bệnh AIDS, phòng lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng xã hội.Nơi quê nghèo lạc hậu, chị lại phải đối mặt với sự kỳ thị của những người nhà quê. Có người bảo cho rằng chị là người đàn bà hư hỏng nên mới bị nhiễm HIV như thế. Có người cảm thương chị không may lấy phải chồng nghiện ngập nên mới bị nhiễm HIV từ chồng. Rồi chị tự nhủ lòng mình rằng, càng bi quan, bệnh càng nặng và thời gian được bên các con của chị sẽ ngắn lại.
Tại ngôi nhà chung ấy, chị như được hồi sinh bởi được giao lưu, gặp gỡ những người phụ nữ có H. do lây nhiễm HIV từ chồng. Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi đau và một số phận khác nhau nhưng tất cả đều đang đấu tranh, giành giật từng ngày được sống vì tương lai con cái mình…
Đã gần 10 năm mang trong mình căn bệnh thế kỷ, tuy được điều trị thuốc kháng vi rút ARV nhưng do cuộc sống khó khăn, sức khỏe của chị giờ đã suy giảm rất nhiều. Hàng ngày, chị phải lăn lộn để kiếm sống, lo cái ăn, cái mặc cho 3 mẹ con và tiền học cho các con hàng tháng. Khi thì chị lấy cất tôm, cá ở những phiên chợ quê, rồi ra nội thành bán, lúc thì buôn vài mớ rau để kiếm sống qua ngày. Lao động vất vả từ sáng đến tận tối mịt chị mới về nhà nhưng thu nhập của chị cũng chỉ được 60- 70 nghìn đồng/ngày. Số tiền đó, chị phải tằn tiện lắm để 3 mẹ con không phải chịu cảnh đói ăn đứt bữa…
Chị Thảo buồn bã kể, mấy tháng trước đi xét nghiệm tại bệnh viện, bác sỹ bảo chỉ số CD4 (là chỉ số biết được mức độ HIV đã phá huỷ nhiễm dịch của người có H.) của chị đã xuống rất thấp, đồng nghĩa với việc chị sẽ bị nhiễm khuẩn bất cứ lúc nào. Rồi chị lại ngậm ngùi, lo lắng sau này chị qua đời, con của chị sẽ sống ra sao khi vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Chị bảo, đã lâu lắm rồi, chị không dám mua cho mình bộ quần áo mới, hay mua sắm các đồ dùng sinh hoạt gia đình, chị dồn hết nghị lực lo cho con cái, mong cho con ăn học thành người…
Con gái thứ 2 do lây truyền HIV, mặc dù cháu vẫn duy trì điều trị ARV nhưng sức khỏe rất yếu. Rồi chị lại lo lắng cho con gái lớn của chị đang học cuối cấp 2, sợ con phải bỏ học giữa chừng vì nhà quá nghèo, mẹ và em lại mặc căn bệnh hiểm nghèo. Những lúc rảnh, chị Thảo thường tâm sự với con, chị nói về tình trạng bệnh của chị để con chuẩn bị tư tưởng và có nghị lực vượt qua mọi khó khăn.
Chia tay khi màn đêm đã trùm xuống căn nhà của chị, tôi và chị đều hy vọng rằng cái ngày định mệnh đó đừng đến với chị quá sớm, để chị còn có cơ hội được sống, để hai đứa con của chị không phải chịu cảnh mồ côi mẹ, khi chúng đang ở độ tuổi đến trường.
* Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi
Theo An ninh Hải Phòng