Cộng đồng tình báo Mỹ được cho là không tin tưởng hoàn toàn Tổng thống Trump sẽ giúp các điệp viên được an toàn, do đó họ đã rút một nguồn tin quý giá được cài cắm bên trong Chính phủ Nga.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hồi tháng 5.2017 - Ảnh chụp màn hình Tass
Đài CNN (Mỹ) ngày 9.9 đưa tin độc quyền cho biết Mỹ đã rút về "một trong những nguồn tin mật cấp cao nhất của mình bên trong Chính phủ Nga" vào năm 2017, một phần vì sợ Tổng thống Mỹ Donald Trump vô tình làm lộ danh tính của điệp viên này và có thể đặt tính mạng của điệp viên vào vòng nguy hiểm.
Dẫn lại thông tin từ nhiều quan chức thông thạo vấn đề bên trong chính quyền ông Trump, CNN cho biết động thái trên được thực hiện vì thời điểm đó Tổng thống Trump cùng các quan chức của ông không đáng tin hoàn toàn với cộng đồng tình báo Mỹ.
Quyết định rút điệp viên được đưa ra ngay sau một cuộc gặp ở phòng Bầu dục hồi tháng 5.2017, trong đó ông Trump đã thảo luận những thông tin tình báo vô cùng nhạy cảm về nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và cựu Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak.
Báo cáo cũng cho biết các quan chức Mỹ đã được báo động về cuộc gặp riêng tư giữa ông Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Hamburg (Đức) vào tháng 7 cùng năm.
"Các quan chức một lần nữa lo ngại Tổng thống Trump có thể thảo luận những thông tin mật không thích hợp với phía Nga" - một nguồn tin thông thạo phản ứng của cộng đồng tình báo với cuộc gặp Trump - Putin cho hay.
Nguồn tin này nói rằng ông Trump và một bộ phận nhỏ các quan chức cấp cao đã được thông báo trước về việc rút điệp viên trên. "Các chi tiết về vụ rút điệp viên vẫn còn là bí mật", CNN viết.
Năm 2017, Nga đã bắt 2 quan chức an ninh mạng hàng đầu bên trong Tổng cục An ninh liên bang Nga (FSB) và buộc tội họ phản quốc vì có liên quan tới Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Chia sẻ về thông tin của Đài CNN, John Sipher, một cựu thành viên CIA, viết trên Twitter: "Việc tuyển mộ một nguồn tin sở hữu ‘khóa truy cập’ là khá khó. Một nguồn tin ở một vị trí chủ chốt có thể chỉ đến một lần trong cả 1 thế hệ. Việc giữ anh ta/cô ta an toàn là công việc khó khăn. Đó là một sự đánh đổi lớn khi mất đi những loại nguồn tin như vậy".
Đáp lại thông tin của Đài CNN, ngày 9.9, thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham nói rằng thông tin của CNN "không chỉ không chính xác, mà còn có khả năng đặt nhiều mạng sống vào vòng nguy hiểm". Trong khi đó, Tổng thống Trump tiếp tục nói rằng CNN "nôn ra thông tin xấu xa và tin giả".
Theo Tuổi trẻ