Nhiều cán bộ, người dân ở các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) đang rất băn khoăn, lo lắng khi thực hiện tiêu chí hộ nghèo theo hướng dẫn mới.
Cụ thể, ngày 18-8-2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công văn số 6977/BNN-VPĐP hướng dẫn tạm thời xét công nhận xã đạt tiêu chí thu nhập và hộ nghèo năm 2016-2017. Theo hướng dẫn này, đối với vùng đồng bằng sông Hồng, một xã đạt chuẩn NTM phải có tỷ lệ hộ nghèo từ 2% trở xuống. Hộ nghèo ở đây là những hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều (chuẩn nghèo mới, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020). Như vậy, yêu cầu tiêu chí hộ nghèo ở xã chuẩn NTM theo hướng dẫn này đã giảm 1% so với yêu cầu của giai đoạn 2011-2015 (từ 3% trở xuống).
Nhiều người cho rằng yêu cầu trên quá cao, không khả thi. Hiện nay, việc xác định hộ nghèo dựa trên những tiêu chuẩn mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều. Hộ nghèo không chỉ có thu nhập thấp mà còn được đánh giá dựa trên sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản như nhà ở, y tế, nước sạch và vệ sinh, giáo dục, thông tin. Theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, số hộ nghèo của cả nước nói chung và Hải Dương nói riêng đã tăng lên nhiều. Năm 2015, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 17.885 hộ (chiếm 3,19%) nhưng theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều thì toàn tỉnh có 40.348 hộ nghèo (chiếm 7,19%). Vì thế, yêu cầu giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020 cũng khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn trước. Nếu giữ tiêu chuẩn xã NTM có tỷ lệ hộ nghèo bằng giai đoạn 2011-2015 (từ 3% trở xuống) cũng đã là một thách thức lớn. Hiện nay yêu cầu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức từ 2% trở xuống thì có phần duy ý chí, không phù hợp thực tiễn.
Công văn 6977 ban hành quá muộn nên đa số các địa phương không đủ thời gian để thực hiện giảm nghèo trong năm 2016 theo yêu cầu. Đây là cách ban hành chính sách theo kiểu "giật cục", chính sách "trên trời".
Nếu phải thực hiện yêu cầu này, nhiều hộ nghèo lo rằng họ sẽ bị "ép" để thoát nghèo bằng những biện pháp không phù hợp. Thời gian qua, ở một số xã đã đạt chuẩn NTM có một số hộ đã thoát nghèo song chưa thực sự "tâm phục, khẩu phục". Họ cho rằng điều kiện sống, thu nhập khi được xếp thuộc diện hộ nghèo và khi đã thoát nghèo vẫn như nhau song chưa rõ vì sao lại thuộc diện thoát nghèo khi xã đó sắp đạt chuẩn NTM. Như vậy, không loại trừ có một số trường hợp vì thành tích mà địa phương đó đưa hộ nghèo trở thành hộ cận nghèo để thực hiện tiêu chí giảm nghèo một cách cơ học mà không căn cứ vào tình hình thực tế. Họ tìm nhiều cách để tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống cho đạt yêu cầu của một xã NTM, mặc dù những cách đó không phải là những biện pháp giảm nghèo bền vững.
Nếu bắt buộc phải thực hiện yêu cầu tỷ lệ hộ nghèo ở xã NTM từ 2% trở xuống, nguy cơ một số địa phương ép dân thoát nghèo mà không dựa trên thực tế là hộ đó đã thực sự thoát nghèo rất dễ xảy ra. Bởi hiện nay nhiều xã phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2016 đã hoàn thành 19 tiêu chí và đã gửi hồ sơ để tỉnh thẩm định, làm thủ tục công nhận xã chuẩn.
Để tháo gỡ khó khăn này, ngày 30-9 vừa qua, tại cuộc họp trực tuyến triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh đã đề nghị Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Trung ương điều chỉnh tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo cho hợp lý. Rõ ràng, tiêu chí này cần sớm được Trung ương điều chỉnh tăng lên ở mức phù hợp theo hướng không quá dễ thực hiện song cũng không để ở mức thiếu tính khả thi.
Việc nhiều xã chạy theo thành tích để đạt chuẩn NTM nhưng để lại những món nợ xây dựng cơ bản lên đến hàng chục tỷ đồng chính là một bài học đắt giá đã từng xảy ra. Bài học đó cần được rút kinh nghiệm, đừng để tái diễn khi thực hiện tiêu chí hộ nghèo.
TUẤN NGUYÊN (Ninh Giang)