Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 499.720 ca mắc mới, trong đó Mỹ, Nga, Anh, Đức vẫn là những nước có tỷ lệ mắc cao nhất.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của hãng Moderna cho người dân tại New York, Mỹ, ngày 10.1.2021
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h45 ngày 6.11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 249.820.962 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.053.245 người không qua khỏi.
Số bệnh nhân bình phục là 226.170.721 người trong khi vẫn còn 18.596.996 bệnh nhân đang phải điều trị.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 47.274.614 ca nhiễm, trong đó có 774.519 ca tử vong.
Đứng thứ hai là Ấn Độ với 34.344.087 ca mắc và 460.268 ca tử vong, tiếp đến là Brazil, nước ghi nhận tổng cộng 21.862.458 ca mắc, trong đó có 609.112 ca tử vong.
Số ca mắc mới trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu giảm khi có thêm 499.720 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua, trong số này Mỹ, Nga, Anh, Đức vẫn là những chiếm nhiều nhất.
Cụ thể, Mỹ ghi nhận 80.385 ca, tiếp đó là Nga với 40.735 ca, Đức 35.806 ca và Anh là 34.029 ca.
Trong bối cảnh số ca mắc mới ở mức cao, Hội nghị Bộ trưởng Y tế liên bang và các bang của Đức ngày 5/11 đã nhất trí sẽ tiến hành tiêm mũi tăng cường cho tất cả người dân.
Bên cạnh đó, giới chức y tế Đức cũng yêu cầu tiến hành xét nghiệm bắt buộc tại các cơ sở dưỡng lão và chăm sóc người cao tuổi, đồng thời thắt chặt kiểm soát các biện pháp phòng dịch.
Việc tiêm mũi tăng cường cho mọi người đã tiêm mũi thứ hai ít nhất 6 tháng, không chỉ nhóm người trên 70 tuổi và nhân viên làm việc trong lĩnh vực y tế như khuyến nghị.
Bộ trưởng Spahn nhấn mạnh Đức cần tăng tốc với mũi tiêm tăng cường nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay khi tốc độ lây nhiễm đang nhanh chóng gia tăng.
Bên cạnh đó, các nhà chức trách Đức nhất trí tăng cường kiểm soát các quy định 3-G (gồm đã tiêm đủ, đã khỏi bệnh và đã làm xét nghiệm với kết quả âm tính) tại tất cả các vùng miền, trong khi những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch phải áp dụng quy định 2-G (không tính các trường hợp làm xét nghiệm).
Với những quy định này, chỉ những đối tượng đáp ứng các tiêu chí 3-G và 2-G mới được tham gia các sự kiện, vào nhà hàng, làm tóc...
Cho tới nay, Đức đã có trên 4,7 triệu ca mắc COVID-19 và 96.346 ca tử vong.
Thực tế con số lây nhiễm còn cao hơn nhiều, bởi có nhiều người mắc bệnh song không có có triệu chứng. Ba bang có số ca mới tăng mạnh là Thüringen (chỉ số lây nhiễm lên tới 386,7), Sachsen (385,7) và Bayern (256,8).
Điểm nóng dịch bệnh tại bang Sachsen là huyện Sächsische Schweiz-Osterzgebirge khi chỉ số lây nhiễm lên tới trên 683, trong khi tại huyện Miesbach thuộc bang Bayern có chỉ số vượt 700.
Romania là một trong số những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 khi có số ca tử vong do COVID-19 đã vượt mốc 50.087 ca, với thêm 483 ca trong ngày 5.11.
Quốc gia gồm 19 triệu dân này cũng ghi nhận thêm 8.268 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên mức 1.693.532 ca.
Đáng chú ý, có tới 9.020 ca đã tái lây nhiễm trong hơn 180 ngày sau khi mắc bệnh lần đầu.
Kể từ cuối tháng Chín, Romania đã chứng kiến số ca mắc mới và ca tử vong tăng mạnh và lên đến mức cao kỷ lục 18.863 ca mắc và 574 ca tử vong vào trung tuần tháng 10.
Theo các chuyên gia dịch tễ, việc tỷ lệ tiêm chủng tại Romania chưa tới 40% trong khi người dân không tuân thủ các quy định phòng chống dịch đã khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.
Theo TTXVN