Sinh viên kiếm tiền từ tài lẻ

20/03/2017 09:30

Bằng những tài lẻ khác nhau, nhiều bạn sinh viên đã tìm được việc làm thêm phù hợp, có thêm nguồn thu nhập không nhỏ.



Sinh viên Phạm Thị Huyền cùng nhóm nhạc S5 Band biểu diễn tại quán Time Coffee


Xuất phát từ đam mê

Gần 1 năm nay, bạn Trần Đình Đức, sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Hải Dương đã trở thành ca sĩ phòng trà. Đức cho biết: “Em gia nhập S5 Band sau một lần hát giao lưu với nhóm nhạc và khán giả tại quán cafe Muối. Khi đó S5 Band chỉ có 3 thành viên gồm một người chơi đàn ghi ta, một người chơi trống và một bạn nữ hát chính. Nhóm chưa có giọng hát nam, vì vậy em được mời gia nhập". Từ khi tham gia nhóm, Đức thường xuyên được thể hiện khả năng ca hát và được giao lưu với nhiều bạn trẻ cùng sở thích nên rất vui.

Cũng như Đức, bạn Phạm Thị Huyền, sinh viên năm thứ 2 Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên (cơ sở 3 tại TP Hải Dương) cũng được mời vào nhóm nhạc Play Music sau một lần hát giao lưu. Sau khi gia nhập nhóm, Huyền thường đi diễn tại các quán cafe hoặc các chương trình, sự kiện, cưới hỏi… “Lịch diễn cứng của nhóm hiện là 5 buổi/tuần tại TP Hải Dương và các huyện khác. Dù thường xuyên phải luyện tập và đi đến các huyện, có khi sang cả các tỉnh khác để diễn nhưng em không thấy mệt mà còn thấy rất vui vì được đắm chìm trong không gian âm nhạc”, Huyền cho biết.

"Dù thường xuyên phải luyện tập và đi đến các huyện, có khi sang cả các tỉnh khác để diễn nhưng em không thấy mệt mà còn thấy rất vui vì được đắm chìm trong không gian âm nhạc."


Không có giọng hát trời phú như bạn Đức và Huyền, nhưng bù lại bạn Trần Đức Hưng, sinh viên năm thứ 3 Khoa Vật lý trị liệu/Phục hồi chức năng, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương lại là một tay trống của nhóm nhạc Black Bird. Từ lâu Hưng đã ấn tượng với hình ảnh các tay trống ngồi lên chiếc trống cajon và đập tay lên trống để phát ra những âm thanh mộc mạc, gần gũi. Đây là một nhạc cụ không thể thiếu bên cạnh những chiếc đàn ghi ta trong những buổi hội họp của các bạn trẻ. Thêm nữa, trống cajon có giá khá rẻ so với nhiều loại nhạc cụ khác, phù hợp với túi tiền của học sinh, sinh viên. Vì vậy ngay từ năm học đầu tiên Hưng đã mua trống cajon và tự tập cách sử dụng. Sau khoảng một năm rưỡi luyện tập, Hưng đã "giắt túi" một chút vốn liếng chơi trống kha khá để tham gia Black Bird và bắt đầu đi diễn cùng nhóm.

Trân trọng giá trị của lao động

Dù có được việc làm thêm phù hợp với sở thích nhưng nhiều bạn sinh viên vẫn phải vượt qua không ít khó khăn để bám trụ với công việc. Hưng cho biết, nhóm biểu diễn em chỉ ngồi cách chiếc loa thùng gần nhất khoảng 1 gang tay, mỗi buổi biểu diễn từ 1,5-2 tiếng. Mất hàng tháng trời em mới quen được với cường độ âm thanh đó và cảm thấy đỡ mệt. Do theo học ngành y nên không chỉ học ở trường ban ngày, nhiều đêm Hưng phải trực ở bệnh viện. Hiện nhóm đang diễn 3 buổi/tuần tại các quán cafe ở Hải Dương, nếu có lịch diễn ngoại tỉnh thì có khi phải đi vào ngày cuối tuần. Vì thế nên Hưng luôn cố gắng sắp xếp thời gian hợp lý cho cả việc học, trực bệnh viện và đi làm thêm.

Đi diễn ở nhiều nơi nên việc ăn uống, nghỉ ngơi của nhiều sinh viên không theo một giờ giấc cố định nào. Bạn Bùi Phương Nam ở thị trấn Ninh Giang, sinh viên năm thứ 3 một trường trung cấp tại TP Hải Dương thường đánh trống hoặc thổi sáo cho các sự kiện khi được mời. Có lần đi Bắc Giang diễn, Nam phải xuất phát từ 5 giờ sáng nhưng 1 giờ chiều mới đến giờ diễn, chờ đợi vật vờ rất mệt. Nhiều lần đi diễn ở tỉnh khác cũng gặp tình trạng như vậy. Có khi đi từ sáng sớm, đến tối mới được diễn, nếu kịp ăn uống thì đỡ mệt, không kịp thì cứ bụng đói mà lên diễn. Sau mỗi đêm diễn, do phải thổi sáo liên tục từ 3-4 tiếng nên cả buổi sáng hôm sau Nam chỉ ngủ, không làm được việc gì vì quá mệt.

Để phục vụ cho đam mê, nhiều sinh viên phải đầu tư số tiền không nhỏ để mua nhạc cụ. Hiện Nam đang sử dụng bộ trống có giá 4 triệu đồng, bộ sáo hơn 15 triệu đồng. Còn bạn Trần Đại Phú ở xã Ngọc Sơn (Tứ Kỳ), học sinh một trường trung cấp tại Hải Dương cho biết mình đang sử dụng chiếc đàn organ có giá hơn 40 triệu đồng.

Dù phải đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền mua nhạc cụ, trang phục diễn, nhưng được cái nghề tay trái không chỉ giúp các bạn sinh viên được thỏa đam mê âm nhạc mà còn đem lại thu nhập ổn định. Bạn Hưng tiết lộ, theo lịch diễn hiện nay của nhóm thì Hưng được trả công khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Còn với Phú trung bình được trả hơn 5 triệu đồng/tháng. Mức cát-xê này tuy chưa nhiều nhưng cũng giúp gia đình các em giảm gánh nặng chi phí cho việc học hành và quan trọng hơn, các em ngày càng trưởng thành hơn, biết trân trọng giá trị của lao động.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sinh viên kiếm tiền từ tài lẻ