Sinh viên đứt gánh nửa đường

09/10/2017 10:04

Bước vào trường đại học đã khó nhưng vì nhiều lý do nên có những sinh viên đành bỏ dở việc học tập của mình.


Cho rằng học cao đẳng, đại học rất thoải mái, nhiều sinh viên thường xuyên xem phim, “cày” game online... bỏ bê việc học hành


Nợ môn

Hồi còn là sinh viên Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương, ít khi chủ nhà hay các bạn cùng xóm trọ thấy M.T.N.A. đi học. Nhập học từ năm2013 nhưng do nghỉ học quá nhiều, nợ môn không trả được nên A. không tốt nghiệp được mà bị hạ xuống học tại hệ trung cấp của trường. Hiện A. vẫn đang chờ thi lại. Một người bạn của A. cho biết: “Tôi thường xuyên thấy A. ở phòng trọ, thỉnh thoảng có đi làm thêm nhưng chỉ một thời gian ngắn lại bỏ". Việc học kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của A. Chưa ra trường nên A. vẫn phải xin bố mẹ chu cấp hằng tháng trong khi hoàn cảnh gia đình A. không mấy khá giả. Thỉnh thoảng người yêu của A. lại gửi thêm tiền cho A. để sinh hoạt.

N. từng là sinh viên Khoa Dược, cùng trường với A. Do mải chơi, nghỉ học nhiều, không đi thi lại nên N. đã bị nhà trường nhắc nhở nhiều lần. Nhà trường đã liên hệ với gia đình N. để phối hợp nhắc nhở nhằm giúp N. nâng cao ý thức học tập. Sau đó, do vẫn mải chơi nên N. đã bị nhà trường buộc thôi học.
Dù đã nợ rất nhiều môn, nhiều sinh viên vẫn không có ý thức để cải thiện điểm số, trả nợ môn. Nếu cứ tiếp tục như vậy thì việc họ bị "đứt gánh" giữa đường khó tránh khỏi. Bạn G.V.Q. học tại Khoa Kỹ thuật hình ảnh hệ cao đẳng, Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương là một trường hợp như vậy. Một sinh viên cùng lớp Q. cho biết khóa của Q. và các bạn nhập học năm 2013. Bước sang năm thứ hai, Q. bắt đầu nghỉ học triền miên. “Hầu hết các môn học của năm thứ 2, thứ 3 đều là môn chuyên ngành, vì vậy sinh viên phải tập trung học mới qua được kỳ thi hết môn. Theo em thấy thì bạn Q. không đi học cũng như thi lại các môn bị trượt. Cứ như thế này thì chắc chắn bạn sẽ bị đuổi học”, sinh viên này nói. Ngành học của Q. yêu cầu sinh viên phải học và trả nợ đủ 115 tín chỉ, nhưng sau 4 năm học, Q. vẫn đang nợ 57 tín chỉ.

Ý thức kém

Nhà trường đã liên hệ với gia đình N. để phối hợp nhắc nhở nhằm giúp N. nâng cao ý thức học tập. Sau đó, do vẫn mải chơi nên N. đã bị nhà trường buộc thôi học.


Một số sinh viên dang dở việc học là thực trạng đáng buồn tại các trường cao đẳng, đại học hiện nay. Vào ngưỡng cửa đại học, cao đẳng là lúc các bạn bước vào một giai đoạn mới của cuộc đời với môi trường học hành, nghiên cứu mới. Anh Vũ Đình Chinh, Bí thư Đoàn một trường cao đẳng tại Hải Dương cho biết học tại trường đại học, cao đẳng chủ yếu là tự học, tự nghiên cứu chứ không kiểm soát khắt khe về thời gian như các bậc học trước. Do đó, nhiều bạn rất thoải mái, thời gian chơi nhiều hơn thời gian học. Với tâm lý này, nhiều sinh viên thường xuyên xem phim, “cày” game online, yêu đương, làm thêm... khiến việc học hành bị bỏ bê, nợ môn, nợ tín chỉ...

Đối với những sinh viên có dấu hiệu sa sút về ý thức và kết quả học tập, nhà trường luôn theo sát bằng cách phối hợp với gia đình để chỉnh đốn lại tinh thần học tập của các em. Cố vấn học tập và Đoàn Thanh niên, Phòng Đào tạo và Phòng Công tác học sinh - sinh viên cùng vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh gia đình để có biện pháp tốt nhất giúp đỡ những sinh viên yếu kém. Đồng thời, Ban Giám hiệu nhà trường cũng ra thông báo cảnh báo về kết quả học tập với sinh viên đó. Nhiều sinh viên sau khi nhận được cảnh báo và sự giúp đỡ của các phòng, ban nhà trường đã có kết quả học tập tốt hơn. Những sinh viên không cải thiện được ý thức, tinh thần, kết quả học tập sau 2 lần cảnh báo, nhà trường sẽ buộc thôi học. Trong trường hợp sinh viên nhận ra khuyết điểm nhưng kết quả học tập không thể cải thiện do quá nhiều môn điểm thấp, nhà trường sẽ cân nhắc để chuyển sinh viên xuống hệ đào tạo thấp hơn.

Từ kinh nghiệm của mình, anh Chinh nhận thấy nhiều sinh viên bị buộc thôi học có gia đình không hạnh phúc, bố mẹ ly hôn nên có tâm lý không tốt, nhưng không thể dùng lý do đó biện minh cho việc các bạn không có mục tiêu để cố gắng, phấn đấu lâu dài. "18 tuổi là độ tuổi các bạn trẻ bắt đầu phải tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình, vì vậy sinh viên bị đuổi học không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh mà chính do ý thức của các bạn này kém, không phấn đấu trong thời gian dài mới dẫn đến hậu quả như vậy”, anh Chinh nói.

Không phải cứ bước vào cổng trường cao đẳng, đại học là các bạn sinh viên có thể chắc chắn lấy được bằng tốt nghiệp. Nếu không muốn nửa đường "đứt gánh", các bạn sinh viên phải luôn cố gắng nỗ lực trong học tập. Phải đi đến đích cuối cùng của giảng đường thì các bạn trẻ mới có thể tự tay mở ra cánh cửa tương lai tốt đẹp hơn. 

BÌNH AN

(0) Bình luận
Sinh viên đứt gánh nửa đường