Cuộc sống sinh viên xa gia đình vốn đã nhiều khó khăn, nay càng thêm khó khăn vì giá cả tăng. Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình trong thời buổi "bão giá", nhiều sinh viên đã tìm cách đi làm thêm để tăng thu nhập...
Giá xăng, điện liên tiếp tăng trong thời gian vừa qua ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người dân, nhất là đối với sinh viên. Để đối phó với giá thực phẩm hằng ngày và giá phòng trọ tăng, nhiều sinh viên đã đi làm thêm để tăng thu nhập.
Gia sư là công việc được khá nhiều bạn lựa chọn vì phù hợp với năng lực cũng như điều kiện về sức khỏe, thời gian của sinh viên. Nguyễn Thị Thảnh, sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Hải Dương đã làm quen với công việc gia sư khoảng 1 tháng nay. Em kể: “Thời gian gần đây mọi thứ đều tăng giá, trong khi tiền bố mẹ cho vẫn như cũ nên em đi làm thêm để chi tiêu “dễ thở” hơn. Hiện em đang dạy 2 lớp, mỗi tuần đi dạy 4 buổi, cũng có thêm 600 nghìn đồng/tháng”. Theo Thảnh, so với nhiều công việc khác, gia sư đỡ vất vả hơn, nhưng thường phải dạy vào buổi tối, đi lại lúc đêm vắng cũng khá nguy hiểm.
Nguyễn Thị Hương, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên có một thời gian dài gắn bó với nghề “chạy bàn” ở các quán kem, cà phê. Công việc khá vất vả, phải làm từ 19 đến 23 giờ nên ảnh hưởng tới sức khỏe, nếu sắp xếp thời gian không khoa học còn ảnh hưởng tới việc học tập. Hương tâm sự: “Em đang học năm thứ 3 nên muốn dành nhiều thời gian hơn cho việc học. Tuy nhiên gần đây, giá cả các thứ đều tăng, nếu không đi làm thêm, chi tiêu sẽ rất khó. Hơn 1 tháng nay em quyết định chuyển từ chạy bàn sang công việc gia sư”.
May mắn hơn nhiều bạn, Nguyễn Như Duy, sinh viên Trường Cao đẳng Hải Dương có việc làm thêm khá ổn định. Đang là sinh viên năm thứ 3 nhưng Duy đã đi làm được hơn 2 năm với nhiều nghề khác nhau. Khoảng 4 tháng nay, Duy được nhận vào làm nhân viên phát triển nghiên cứu thị trường của Viettel Hải Dương. Với mức lương trung bình khoảng 2 triệu đồng/tháng như hiện nay, Duy không còn phải xin tiền bố mẹ như trước. Không chỉ những sinh viên xa gia đình mới đi làm thêm mà nhiều bạn nhà ở ngay trong thành phố cũng kiếm việc làm. Ngoài giờ học buổi chiều, mỗi ngày Thảo, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hải Dương làm thêm 8 tiếng tại cửa hàng quần áo trên phố Trần Hưng Đạo để đỡ đần bố mẹ.
Do mặt bằng giá có sự biến động đáng kể, nên sinh viên cũng phải chi tiêu dè sẻn. Nhiều sinh viên đã nghĩ ra nhiều “chiêu” tiết kiệm như: tự nấu ăn, tăng rau, giảm thức ăn mặn; mang gạo, rau xanh, thức ăn của nhà đi; chuyển sang dùng sim điện thoại dành cho sinh viên, mỗi tháng được khuyến mãi 25 nghìn đồng, đăng ký tận dụng những gói cước khuyến mãi… Nhiều sinh viên trọ gần trường, trước đây đi xe đạp, nay chuyển sang đi bộ, vừa tiết kiệm tiền gửi xe, lại là cơ hội để… tập thể dục.
Thời gian gần đây, giá cả đều tăng nên nhiều sinh viên có nhu cầu đi làm thêm hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện và may mắn tìm được một công việc phù hợp. Tâm, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hải Dương cho biết: “Trước em từng đi bưng bê tại quán ăn. Do công việc vất vả nên làm được 2 ngày, em đã phải bỏ cuộc. Giờ giá cả tăng quá, chi tiêu gì cũng tốn kém nên em vừa phải nộp đơn xin đi bán hàng qua trung tâm giới thiệu việc làm của nhà trường”. Theo nhiều bạn sinh viên, không khó để kiếm được những công việc như gia sư, phục vụ tại các quán ăn, làm thêm tại các cửa hàng giày dép, quần áo…, nhưng để tìm được một công việc phù hợp với ngành học lại không hề đơn giản. Hầu hết những công việc mà sinh viên đang làm khá vất vả, thời gian làm nhiều, thu nhập không cao.
Cuộc sống sinh viên xa gia đình vốn đã nhiều khó khăn, nay càng thêm khó khăn vì giá cả tăng. Tuy nhiên, bạn trẻ vẫn vượt qua khó khăn, năng động tìm kiếm việc làm thêm, tiết kiệm chi tiêu để phụ giúp gia đình và bảo đảm việc học tập.
HỒNG HẠNH