Với nhiều ưu điểm vượt trội so với chợ dân sinh, việc các siêu thị, cửa hàng tiện ích phát triển ở khu vực nông thôn giúp người dân có nhiều sự lựa chọn, thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng tích cực.
Người dân nông thôn mua sắm tại Siêu thị Mạnh Phát ở thôn Bình Long, xã Lương Điền (Cẩm Giàng)
Không chỉ phát triển ở thành thị, hiện nay nhiều siêu thị, cửa hàng tiện ích đã xuất hiện ở khu vực nông thôn, mang lại sự thuận tiện, đáp ứng nhu cầu mua sắm và từng bước góp phần thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân nông thôn.
Tiện lợi
Siêu thị Điện máy xanh ở thôn Phú Lộc, xã Cẩm Vũ (Cẩm Giàng) có nhiều mặt hàng cho khách hàng lựa chọn từ đồ gia dụng đến đồ điện lạnh, điện thoại và phụ kiện… Không chỉ đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, chủng loại, các mặt hàng ở đây cũng có nhiều phân khúc khác nhau để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Siêu thị này đang triển khai nhiều chương trình khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng như giảm giá từ 35-50% đối với một số sản phẩm, kèm theo quà tặng khi mua một số mặt hàng.
Tranh thủ ngày cuối tuần, anh Trần Văn Đua ở thôn Hoàng Gia, xã Cẩm Vũ tới đây để mua sắm một số đồ gia dụng. “Trước đây, tôi từng phải đến TP Hải Dương để mua điều hòa nhiệt độ do nơi tôi sinh sống không có nhiều sự lựa chọn. Giờ đây, siêu thị ở cách nhà chưa đầy 1 km, hàng hóa rất đa dạng, phong phú, giá cả được niêm yết công khai nên tôi thấy rất thuận tiện”, anh Đua vui vẻ cho biết.
Hơn 2 năm trước, nhận thấy trên địa bàn xã có nhiều công nhân, lao động, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng lớn nên chị Nguyễn Thị Mai ở thôn Bình Long, xã Lương Điền (Cẩm Giàng) đã quyết định mở siêu thị. Siêu thị Mạnh Phát của gia đình chị hoạt động dưới dạng siêu thị mini với nhiều loại hàng hóa. Các mặt hàng được phân loại, chia thành từng dãy gồm: đồ khô, bánh kẹo, bia-rượu-nước ngọt, sữa để khách hàng dễ lựa chọn. Việc bố trí, sắp xếp, phân loại các mặt hàng thành từng nhóm không chỉ tạo ra sự tiện lợi cho khách hàng mà cũng giúp chị dễ dàng kiểm soát lượng hàng đang có trên kệ, trong kho. Đặc biệt, chị không cần phải ghi nhớ giá cả của từng loại hàng hóa, làm các phép tính thu chi một cách thủ công như khi mở cửa hàng tạp hóa truyền thống do sử dụng các phần mềm bán hàng.
Người dân có thể mua sắm tại siêu thị ngay khu vực mình sinh sống
Thay đổi thói quen tiêu dùng
Khi đời sống nâng cao, người dân nông thôn không chỉ quan tâm tới giá cả hàng hóa như trước mà còn chú ý đến chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích tại nông thôn dần trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa hoặc các cửa hàng truyền thống. Cửa hàng Winmart+ ở khu vực cầu Ràm, xã Tân Hương (Ninh Giang) dần trở thành điểm mua sắm quen thuộc của người dân trong xã. Anh Nguyễn Văn Tân làm việc ở xã Tân Hương (Ninh Giang) cho biết: “Khi hết giờ làm việc, tôi có thể ghé cửa hàng này mua thực phẩm. Tại đây, các loại hàng hóa đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng từ nhập khẩu cho đến trong nước. Trong đó có nhiều loại rau củ quả tươi và thực phẩm tươi sống như thịt gà, lợn. Cửa hàng mở đến tối muộn để phục vụ khách hàng. Điều này rất tiện đối với những công nhân hoặc người lao động phải tăng ca, dù muộn nhưng vẫn có thể mua thực phẩm tươi sống, bảo đảm chất lượng. Trong khi nhiều chợ dân sinh chỉ họp buổi sáng, nhiều cửa hàng tạp hóa truyền thống đóng cửa sớm hơn". Trước kia, nếu muốn đi siêu thị anh Tân phải di chuyển hơn 20 km, mất khá nhiều thời gian thì nay khoảng cách đã rất gần, hàng hóa ở đây cũng đa dạng, phong phú như ở khu vực thành thị.
Hiện nay gần 70 cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị Winmart đã có mặt ở tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có nhiều cửa hàng ở khu vực nông thôn. Không chỉ các siêu thị tổng hợp như Winmart mà một số siêu thị điện máy như MediaMart, Điện máy xanh cũng đã bao phủ khắp các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh, trong đó nhiều cửa hàng ở các thôn làng. Thị trường nông thôn đã trở thành một "miếng bánh" mới với nhiều tiềm năng khai thác, hấp dẫn các nhà đầu tư, bán lẻ hiện đại.
Các siêu thị, cửa hàng tiện ích đã triển khai nhiều biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt như quẹt thẻ, chuyển khoản, thanh toán bằng mã QR... dần làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong quá trình thanh toán của người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn.
Theo đánh giá của Sở Công thương, mạng lưới siêu thị, cửa hàng tiện ích xuất hiện ngày càng nhiều và phát triển ở khu vực nông thôn đã tạo điều kiện cho người dân ở đây có thêm nhiều sự lựa chọn trong quá trình mua sắm. Điểm mạnh của các siêu thị, cửa hàng tiện ích này là hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, niêm yết giá công khai. Không gian mua sắm lịch sự, đội ngũ nhân viên phục vụ chuyên nghiệp, nhiệt tình. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích có nhiều chính sách ưu đãi như tích điểm, giảm giá cho những khách hàng là thành viên, mở các đợt khuyến mãi nhằm kích cầu tiêu dùng. Những ưu điểm này vượt trội so với chợ dân sinh, cửa hàng truyền thống nên các siêu thị, cửa hàng tiện ích ngày càng thu hút nhiều khách hàng.
HUYỀN TRANG