Kính gửi chị Seven Cullis Suzuki!
Một lần tình cờ, khi xem một chương trình nói về môi trường, em đã nhìn thấy chị. Em được biết năm 1992, trong hội nghị về môi trường và phát triển do Liên hợp quốc tổ chức tại Rio de Janeiro (Brazin), năm ấy, chị mới 12 tuổi mà đã có một bài phát biểu 6 phút về suy nghĩ trước môi trường trên thế giới. Bài phát biểu của chị đã được giới truyền thông nhận định: "Khiến cả thế giới phải im lặng trong 6 phút". Em thực sự rất ngưỡng mộ chị. Em với chị cách nhau nửa vòng trái đất. Nhưng hôm nay, tại đất nước Việt Nam yêu dấu, em mạnh dạn nhờ bưu chính gửi tới chị một bức thư để nói về vấn đề "tại sao nước là quý".
Nước - chỉ một từ đơn giản ấy thôi nhưng lại là thứ không thể thiếu trong cuộc sống. Có lẽ, chị và rất nhiều người đã biết, theo khoa học thì nước là một hợp chất đơn giản giữa hi-đrô và ô-xi. Nước, trong tự nhiên bao gồm các đại dương, ao hồ, sông suối, vịnh biển, nước ngầm... Nước ngọt chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ là 2 - 3%. Nước còn có trong cơ thể sống của sinh vật. Nguồn nước sạch một phần là do nhân tạo, một phần là được thiên nhiên ban tặng cho. Chị biết không? Trước đây, trong suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ, em chỉ nghĩ nước đơn thuần là để giúp ta giải khát, sinh hoạt và không bao giờ cạn kiệt được. Nhưng bây giờ, em mới hiểu được vai trò to lớn của nước. Nước có vai trò quan trọng với tất cả mọi sinh vật trên trái đất. Nước cần cho mọi hoạt động sống và chiếm trọng lượng lớn trong cơ thể sinh vật và con người. Nước cần cho sự tăng trưởng và duy trì cơ thể vì nó liên quan đến quá trình sinh hóa. Mọi cơ thể sống muốn tiến hóa, hấp thụ tốt nguồn thức ăn đều cần có nước. Cơ thể con người chỉ cần mất hơn 10% nước là đã nguy hiểm đến tính mạng, mất 20-22% nước là sẽ bị tử vong. Bởi thế, con người có thể nhịn ăn 5 tuần nhưng không thể nhịn uống quá 5 ngày. Trong y tế, người bệnh được truyền nước thì cơ thể mau chóng khỏe mạnh. Trong nông - lâm - ngư nghiệp, nước cũng giữ vai trò chủ đạo. Dân gian đã có câu: "Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" để nói lên tầm quan trọng ấy. Nước còn là một sợi dây vô hình, gắn hết các quốc gia lại với nhau mà không phân biệt màu da, sắc tộc, góp phần hòa giải những xung đột giữa các khu vực và an ninh thế giới. Nhưng chị Suzuki ơi! Sau khi đọc được những thông tin về tình trạng nước ngày nay, em thực sự bàng hoàng. Em biết rằng trên hành tinh này vẫn còn 900 nghìn người đang khao khát nguồn nước sạch và an toàn để sử dụng. Có tới 2,3 triệu người đang gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày khi họ không bao giờ biết đến nguồn nước sạch để sử dụng... Và để cải thiện điều kiện sống cho những cộng đồng đang thiếu nước, phải cần tới một nguồn kinh phí trên 1 tỷ USD. Thật đau lòng và đáng suy nghĩ trước hiện thực ấy...
Chị Suzuki kính mến!
Trong em hiện lên hình ảnh của những con sông với bao rác thải, sự cố tràn dầu, hình ảnh của những người dân sống trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt, nấu ăn khó khăn, nóng bức cũng không được tắm. Họ phải uống những dòng nước đục, mặc dù biết bên trong nó chứa rất nhiều chất độc hại. Những con tôm, con cá bổ dưỡng mà ta ăn hằng ngày, bây giờ chúng bị mắc bao nhiêu bệnh tật vì sống trong nước bẩn... Nước đâu phải là vô tận? Thế mà quanh đây vẫn có những người sử dụng lãng phí nước. Họ nghĩ rằng: sông, ngòi, hồ, biển chẳng là của ai nên sẵn sàng xả rác làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe. Nhiều xác động vật chết lại bị vứt ra sông... Chắc chị và mọi người đều biết, thời gian trước, thật đau lòng khi nhà máy sản xuất bột ngọt VEDAN đã thải nước thải ra môi trường, khiến dư luận phải lên án gay gắt. Như vậy, 90% là do hoạt động của con người làm cho trái đất nóng lên, khiến cho thiên nhiên phải nổi giận. Lẽ nào, chúng ta lại khoanh tay đứng nhìn thiên nhiên thu nạp lại món quà vô giá "nước" mà thiên nhiên đã ban tặng? Không! Chị Suzuki ơi! Chúng ta không thể để điều đó xảy ra!
Chị Suzuki kính mến!
Tuần trước, trong giờ sinh hoạt, cô chủ nhiệm đã cho chúng em xem bức thư của người tương lai gửi người hiện tại. Bản thân em không tránh khỏi sự bàng hoàng, lo sợ. Chị biết đấy, với tình trạng sử dụng nước bừa bãi như bây giờ thì chỉ 60 năm sau, nước sẽ cạn kiệt hẳn. Khi xem xong hình ảnh của những con người gầy còm, lở loét do không được tắm rửa, hình ảnh những cánh đồng nứt nẻ do thiếu nước và những trận mưa a-xít cứ ám ảnh em mãi. Và mỗi lần sử dụng nước, những hình ảnh ấy lại hiện lên, như nhắc nhở em phải sử dụng nước cho thật tiết kiệm. Em tự hỏi mình, liệu những thế hệ sau còn được sử dụng nước thoải mái như ngày hôm nay không? Câu trả lời ấy vẫn còn là một ẩn số. Nước quả thật là rất đáng quý!
Chị Suzuki kính mến! Trong thời đại khoa học - kỹ thuật phát triển, bưu chính viễn thông có một vai trò quan trọng. Em biết các hình thức truyền thông tin hiện đại như điện tử, di động, email... mang đến thông tin một cách nhanh chóng, hình ảnh của con tem nhỏ bé, lá thư đang dần dần bị xóa mờ. Nhưng đối với một đất nước còn gặp nhiều khó khăn như Việt Nam, em tin rằng lá thư viết tay này sẽ để lại thật nhiều cảm xúc và kỷ niệm cho cả em và chị.
Chị kính mến! Đã đến lúc chúng ta phải rung lên những tiếng chuông cảnh tỉnh. Vì hiện tại và tương lai, chúng ta hãy nắm chặt tay nhau để cùng tiết kiệm nguồn nước. Và em cũng hiểu rằng, chỉ mình chị và các nhà hoạt động khác thì không đủ. Em và mọi người sẽ tiếp thêm sức mạnh cho các chị - những người hoạt động không mệt mỏi vì môi trường và vì nguồn nước. Hy vọng rằng, trong tương lai sẽ không một cộng đồng nào phải sống trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Các chiến sĩ ngoài khơi xa sẽ có một nguồn nước ngọt đầy đủ để sử dụng. Tất cả mọi người hãy nhìn vào tương lai với một niềm tin chói sáng! Em chúc chị sẽ có thêm nhiều những hoạt động hơn nữa đối với thế giới và đến với cả đất nước Việt Nam xinh đẹp của chúng em nữa. Chúc cả thế giới sẽ có nước sạch để sử dụng!
Mai Thị Thúy Hường(Lớp 10A, Trường THPT Nhị Chiểu, Kinh Môn)--------------------
(*) Bài đoạt giải nhì cá nhân cuộc thi viết thư quốc tế UPU 42 cấp tỉnh. Đầu đề do Báo Hải Dương đặt.