Chiều 17-12, Quận ủy, UBND Q.Thủ Đức đã có cuộc họp để xem xét, giải quyết vụ bạo hành trẻ mầm non xảy ra tại Cơ sởmầm non tư thục Phương Anh.
Chiều 17-12, Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM) đã tổ chức họp báo công bố lệnh khởi tố, bắt tạm giam hai “cô giáo” có hành vi hành hạ trẻ em.
Hai “cô giáo” bị khởi tố về hành vi “hành hạ người khác” là Lê Thị Đông Phương (31 tuổi, quản lý cơ sở mầm non tư thục Phương Anh) và Nguyễn Lê Thiên Lý (19 tuổi, quê Kiên Giang). Công an Q.Thủ Đức cũng đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý về hành vi “kinh doanh trái phép” đối với bà Lê Thị Đông Phương.
Hoạt động không phép
Cùng ngày, thượng tá Đoàn Văn Phê - Phó trưởng Công an Q.Thủ Đức - cho biết từ thông tin người dân và báo chí cung cấp, Công an quận đã điều tra lấy lời khai và kết quả cả hai “cô giáo” đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình.
Theo thượng tá Phê, xác định đây là sự việc gây bức xúc trong xã hội nên quá trình điều tra Công an quận đã dùng các biện pháp nghiệp vụ đưa các đương sự gồm Phương, Lý và một cấp dưỡng lên cơ quan điều tra, làm rõ. Đồng thời đưa các bé bị hành hạ đi giám định thương tích.
Quá trình điều tra, Công an Q.Thủ Đức đã xác định được trong thời gian dài nhóm “cô giáo” tại cơ sở Phương Anh thường xuyên có dấu hiệu dùng tay, chân đánh đập gây hoang mang tinh thần các cháu bé.
Theo thượng tá Phê, qua xác minh, cơ sở mầm non tư thục Phương Anh do Phương quản lý hoạt động trái phép trong một thời gian dài, từ tháng 10-2012 đến khi bị phát hiện, phanh phui.
Trong thời gian này, UBND P.Hiệp Bình Phước đã nhiều lần kiểm tra, lập biên bản, xử phạt hành chính, đồng thời đình chỉ hoạt động nhưng trường vẫn cố tình hoạt động lén lút!
Trong khi đó, bà Trần Thị Minh Nguyệt - Phó Chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Phước - cho biết bà Phương có trình độ ĐH chuyên ngành mầm non. Bà cũng đã học qua lớp sơ cứu căn bản, đã qua lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, lớp quản lý chủ trường, lớp cấp dưỡng... và đã có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ ở Trường Mầm non Hoa Lư (Q.1).
Lúc đầu khi mở cơ sở, bà Phương nuôi dạy ba trẻ do một mình bà quản lý. Qua nhiều lần kiểm tra phát hiện sai phạm, chính quyền phường đã lập biên bản, xử lý và yêu cầu bà Phương tháo bảng hiệu nhưng bà Phương vẫn không chấp hành.
Riêng Nguyễn Lê Thiên Lý đang theo học lớp cấp dưỡng, được bà Phương nhận vào làm hợp đồng thử việc ngày 29-8-2013, chuyên đảm nhiệm nghiệp vụ cấp dưỡng nhưng chưa qua lớp tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm, tập huấn chuyên môn.
Xử lý thật nghiêm
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức - cho biết quan điểm của UBND Q.Thủ Đức là chỉ đạo cho cơ quan công an phối hợp với Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân quận khẩn trương củng cố hồ sơ và xử lý nghiêm hành vi hành hạ người khác của các đương sự Lê Thị Đông Phương, Nguyễn Lê Thiên Lý.
Đặc biệt là trường hợp Lê Thị Đông Phương có trình độ ĐH chuyên ngành giáo dục mầm non và đã có kinh nghiệm nuôi dạy trẻ nhưng lại có hành vi kém đạo đức, nhằm mục đích để giáo dục, răn đe.
Đồng thời cũng đã chỉ đạo UBND phường Hiệp Bình Phước xử lý đóng cửa cơ sở nuôi dạy trẻ Phương Anh. Quận sẽ vận động phụ huynh đưa các cháu vào các trường mầm non, mẫu giáo công lập, tư thục có phép để gửi trẻ tốt hơn.
Ông Trương Văn Thống - Bí thư Quận ủy Thủ Đức - cho biết: “Quan điểm của tôi là phải xử lý dứt khoát và thật nghiêm. Còn về trách nhiệm quản lý địa bàn, phường, khu phố... của ai tới đâu, tại sao đơn vị này chưa có phép vẫn huy động trẻ... thì tôi đang chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm với địa bàn dân cư”.
Theo ông Thống, sẽ cho xét xử lưu động vụ hành hạ trẻ em và dự kiến sẽ tổ chức tại Trung tâm Nhà thiếu nhi Q.Thủ Đức. Buổi xét xử sẽ mời hết các nhóm trẻ gia đình có phép tham dự để răn đe, giáo dục.
Cương quyết xóa các nhóm trẻ không an toàn
Chiều cùng ngày, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, đã có buổi làm việc với UBND Q.Thủ Đức xung quanh vấn đề bảo mẫu tại nhóm trẻ không phép bạo hành trẻ.
Tại buổi làm việc, Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị làm rõ và xử lý nghiêm khắc trường hợp các cô nuôi dạy trẻ đánh đập, đe dọa trẻ như trong clip “Đày đọa trẻ mầm non” đã phản ánh trên tuoitre.vn.
Mặt khác, sở cũng đề nghị UBND Q.Thủ Đức rà soát toàn bộ các nhóm trẻ không phép, cương quyết xóa các nhóm trẻ không an toàn, tính toán phương án chuyển trẻ sang các nhóm lớp có phép hoặc trường mầm non.
Sở cũng vừa tham mưu và có tờ trình UBND TP.HCM đề nghị ban hành chỉ thị về “Chấn chỉnh và nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ ở các trường mầm non và cơ sở giáo dục mầm non” thay cho chỉ thị cũ để phù hợp với tình hình mới. Đối với các nhóm trẻ có phép đang thuộc quản lý của sở (gần 1.300 nhóm trẻ), việc rà soát, kiểm tra các nhóm trẻ này đã hoàn thành cuối tháng 11-2013, hiện nay đang tiến hành khâu hậu kiểm.
HOÀNG LỘC - ĐỨC PHÚ - L.TRANG (Tuổi trẻ)