Tỉnh ta có thế mạnh về sản xuất rau, quả. Nhưng những ngày qua, mưa bão liên tiếp làm cho nhiều diện tích rau bị ngập úng và dập nát, dẫn đến nguồn cung giảm.
Chị Nguyễn Thị Xuân ở thôn Đỗ Thượng, xã Phạm Kha (Thanh Miện) vẫn xuống giống hành và rau mùi,
sau đó che phủ để bảo vệ. Ảnh: Ngọc Thủy
Thiếu nguồn cung Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ trên địa bàn TP Hải Dương ngày 10-8, bí xanh có giá 12 nghìn đồng/kg, các loại rau muống, cải, dền, rau ngót từ 8.000-10 nghìn đồng/mớ, đã giảm từ 3.000-4.000 đồng/mớ so với ngày 7-8 và tăng từ 5.000-6.000 đồng/mớ so với ngày thường. Giá các loại rau tăng mạnh là do từ đầu tháng 7 trở lại đây mưa liên tiếp, lại bị ảnh hưởng của cơn bão số 5 và 6 đã làm cho nhiều diện tích rau bị úng và dập nát.
Chị Nguyễn Thị Diễm ở thôn Phong Nội, xã Bình Dân (Kim Thành) cho biết: “Tôi có 1,5 sào ớt đang ra hoa, cây rất đẹp nhưng sau trận bão vừa qua, toàn bộ bị nghiêng, ảnh hưởng đến bộ rễ và sự phát triển của cây. Tôi đang phải kéo dây, cắm cọc buộc lại”. Chỉ tay ra các ruộng xung quanh, chị Diễm cho biết thêm: “Cách đây 1 tháng, các ruộng rau cải, rau cải dưa xung quanh nhà tôi lên xanh tốt, nhưng mấy hôm nay đã dập nát hết. Chắc phải đợi hết mưa thì họ mới ra gieo trồng lại”.
Nông dân các huyện Thanh Miện, Tứ Kỳ, Kinh Môn... cũng áp dụng nhiều biện pháp chống chọi với bão và những trận mưa liên tiếp để cứu rau màu, hoa quả. Tuy nhiên, thời tiết quá khắc nghiệt nên việc áp dụng các biện pháp cũng không mang lại nhiều hiệu quả.
Trong khi nhiều gia đình nản với tình trạng mưa kéo dài thì nhiều người lại nhân cơ hội này xuống giống để có nguồn rau đáp ứng cho nhu cầu đang rất lớn của thị trường. Đang nhanh tay múc từng thùng nước trong ruộng, chị Nguyễn Thị Xuân ở đội 1 thôn Đỗ Thượng, xã Phạm Kha (Thanh Miện) cho biết: “Nhà tôi có 4 sào ruộng chuyên trồng màu. Để có rau bán, ngày nào tôi cũng phải ra ruộng kiểm tra. Đối với những ruộng bị ngập, ngoài việc đặt máy để bơm nước, tôi còn chủ động dùng thùng múc nước ra ngoài. Với ruộng rau mùi và rau cải, những cây nào to tôi thu ngay để bán. Những cây dập nát tôi cũng nhổ bỏ để tránh các loại sâu bệnh phát sinh. Cách đây 5 ngày, tôi đã xuống giống 3 luống hành. Để tận dụng đất và thời gian khi hành còn nhỏ, tôi gieo thêm rau mùi. Dự kiến nửa tháng nữa tôi sẽ có rau mùi để bán, còn hành thì lâu hơn một chút. Để chủ động phòng, chống mưa, tôi đã che phủ rơm. Nếu thời tiết cứ mưa nữa tôi sẽ dùng ni-lông để che bên trên. Theo tôi, trong khoảng 15-20 ngày nữa giá các loại rau chắc chắn vẫn sẽ cao, bởi hiện nay nhiều ruộng vẫn bị ngập nước, người dân chưa xuống giống mới được”.
Vẫn bấp bênhVụ hè năm nay, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 7.500 ha rau màu, trong đó chủ yếu là rau cải, cải dưa, rau muống, ngô, bí xanh, dưa các loại. Do mưa từ tháng 7 nên nông dân trong tỉnh đã chủ động thu hoạch các loại dưa, ngô, bí các loại nên diện tích này còn lại không đáng kể. Hiện nay còn chủ yếu là rau cải, cải dưa, rau ngót... Để cứu rau màu, ngoài việc các cơ quan chức năng huy động toàn bộ hệ thống máy để bơm tiêu thoát nước thì việc người dân sử dụng các loại máy bơm nhỏ để gạn nước cũng diễn ra tích cực. Bà Vũ Thị Hà, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khuyến cáo nông dân nên đợi đến khi tạnh mưa, có nắng mới nên trồng lại rau màu. Bởi khi đó đất mới tơi, xốp, không còn vi- rút, vi khuẩn trong đất, người dân trồng mới có kết quả. Còn nếu nông dân trồng khi vẫn còn mưa thì phải có các biện pháp phòng, chống như lên luống cao, có ni-lông che chắn và phải tích cực kiểm tra phát hiện sâu bệnh, phun thuốc phòng trừ kịp thời. Như vậy, nếu nông dân trồng lại rau màu ngay thời điểm này thì chắc chắn cũng phải từ 25-30 ngày nữa mới có rau cung cấp cho thị trường.
NGỌC THỦY - MINH NGUYÊN