Sẽ tiêm mũi vaccine ngừa Covid -19 thứ ba vào cuối năm nay

09/11/2021 05:22

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, số lượng vaccine hiện tại đã bảo đảm đủ liều vào cuối năm nay, và ngành cũng dự kiến triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba vào cuối 2021 và đầu năm 2022.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu

Làm rõ một số nội dung về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Phiên thảo luận trực tiếp tại Hội trường chiều 8.11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết các bộ, ngành chức năng đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về nước trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí.

Dự kiến tiêm mũi 3 vào cuối năm nay và đầu 2022

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đến nay Việt Nam đã có những thỏa thuận, đơn hàng, hợp đồng lên tới gần 200 triệu liều vaccine, hiện đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều.

Cùng với đó, các bộ, ngành chức năng cũng đang đẩy nhanh tốc độ đưa vaccine về nước trong cuối năm nay để phục vụ người dân miễn phí.

Tính đến ngày 7.11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều và hơn 40% số người 18 tuổi trở lên được tiêm đủ hai mũi.

“Số lượng vaccine hiện tại đã bảo đảm đủ liều vào cuối năm nay, đồng thời ngành cũng dự kiến triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba vào cuối năm nay và đầu năm 2022,”, Bộ trưởng cho hay.

Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và là một trong nhóm 3 nước có tốc độ tiêm nhanh nhất.

Ngoài ra, Việt Nam đã và đang thúc đẩy việc nghiên cứu, chuyển giao sản xuất vaccine trong nước với hai vaccine đang thử nghiệm giai đoạn ba, một vaccine đang thử nghiệm giai đoạn hai cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới để từng bước chủ động nguồn vaccine trong nước.

Thông tin về y tế cơ sở, y tế dự phòng, Người đứng đầu Bộ Y tế nhấn mạnh, Nghị quyết 20 của Trung ương đã xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng. Chính phủ đã ban hành Quyết định 2348 ngày 5.12.2016 về xây dựng y tế cơ sở trong tình hình mới.

Cùng đó, các Đề án 47, và 930 đã đầu tư cho tuyến huyện trước năm 2011 và hiện nay đã và đang huy động một số dự án ODA đầu tư cho trạm y tế tuyến xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng được năng lực phòng, chống dịch nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch trong thời gian qua.

“Trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới, cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Y tế đã nghiên cứu, tham khảo các kinh nghiệm trong nước và quốc tế, tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 và ban hành Quyết định 4800 để tổ chức triển khai thực hiện chủ trương thích ứng an toàn liên quan, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đối với COVID-19.

Việc triển khai này nhằm mục tiêu vừa bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng người dân, tạo điều kiện thuận lợi phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Đến nay, việc triển khai đã được thực hiện cơ bản, đồng bộ, các địa phương đã không còn tình trạng phong tỏa trên diện rộng, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân nhưng vẫn bảo đảm phòng, chống dịch hiệu quả. Bộ Y tế hiện cũng đang hoàn thiện Chiến lược tổng thể phòng, chống COVID-19 trong thời gian tới.

“Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm, đúc kết trong quá trình triển khai thực hiện, ngành y tế sẽ nỗ lực, quyết tâm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trước mắt tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19,” Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Liên tục điều chỉnh các chính sách cho phù hợp thực tiễn

Theo Bộ trưởng, đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, gây ra những tổn thất về sức khỏe, tính mạng và kinh tế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Làn sóng dịch hiện nay với biến chủng Delta đã làm đảo lộn kết quả phòng, chống dịch của các nước.

Tại Việt Nam, trong đợt dịch thứ tư, với biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh có khả năng tăng nặng bệnh, gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Song với các chủ trương, giải pháp, quyết sách để triển khai nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc được kiểm soát và cả nước đang từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đối với COVID-19.

Dù vậy, báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác phòng, chống dịch như: công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn; việc chỉ đạo, điều hành có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động; tổ chức thực hiện tại các địa phương thiếu nhất quán, nhất là việc đi lại của người dân.

Tính đến ngày 7.11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều và hơn 40% số người 18 tuổi trở lên được tiêm đủ hai mũi.

Để đối phó với đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia trên thế giới cũng như Việt Nam buộc phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm và liên tục điều chỉnh các chính sách, chiến lược cho phù hợp.

“Nhiều kinh nghiệm quý báu với các giải pháp chuyên môn về phòng, chống dịch chưa có trong tiền lệ đã được áp dụng như cách ly, điều trị F0 tại nhà, xét nghiệm thần tốc, phân tầng điều trị, thiết lập trạm y tế lưu động, trung tâm hồi sức tích cực. Chiến lược phòng, chống dịch luôn được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với thực tiễn theo từng hoàn cảnh, diễn biến của dịch”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sẽ tiêm mũi vaccine ngừa Covid -19 thứ ba vào cuối năm nay