Đó là phát biểu của ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại cuộc họp báo thường kỳ của bộ ngày 30.9.
Ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết bộ sẽ có hướng dẫn về việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học - Ảnh: MAI THƯƠNG
Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông nhiều cấp học mới ban hành nêu việc cấm học sinh sử dụng điện thoại và thiết bị điện tử trong lớp nếu không phục vụ mục đích học tập và không được giáo viên cho phép. Điều đó có nghĩa nếu "phục vụ mục đích học tập và được giáo viên cho phép thì học sinh có thể sử dụng". Việc này gây ồn ào dư luận, trong đó có nhiều ý kiến phản đối.
Thông tin tại cuộc họp báo, ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), cho biết sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc học sinh sử dụng điện thoại trong lớp. Bên cạnh đó Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với các đơn vị liên quan về công nghệ thông tin để có giải pháp cho việc này, tránh những phát sinh tiêu cực như dư luận lo ngại.
Giáo viên không được đưa nội dung sách tham khảo vào bài giảng để gợi ý học sinh mua sách
Trao đổi về những vấn đề phát sinh đầu năm học mới, trong đó có chuyện thiếu sách giáo khoa (SGK) và lạm dụng cung cấp sách tham khảo trong các nhà trường, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết Bộ GD-ĐT đã có văn bản tăng cường quản lý việc trang bị sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ (GD-ĐT), khẳng định giáo viên không được đưa vào nội dung giờ dạy những kiến thức vượt quá chương trình - Ảnh: MAI THƯƠNG
Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu giám đốc các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện việc trang bị SGK theo đúng quy định, đảm bảo chất lượng, đủ số lượng và kịp thời cho năm học 2020-2021 và các năm tiếp theo.
Riêng với sách tham khảo, Bộ GD-ĐT khẳng định đã yêu cầu các cơ sở giáo dục tuyệt đối không được ép buộc học sinh mua sách tham khảo. Phụ huynh học sinh tự mua sắm theo nhu cầu thực tế không bắt buộc.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết thêm để đưa sách tham khảo vào thư viện nhà trường để thầy trò tham khảo, Bộ GD-ĐT đã quy định rõ về việc này. Trong đó, hiệu trưởng phải quyết định danh mục sách tham khảo dựa trên đề xuất của giáo viên, tổ bộ môn. Tuy nhiên, việc bổ sung sách, tài liệu tham khảo cho thư viện trường khác với việc kết nối với đơn vị xuất bản để ép buộc hoặc gợi ý học sinh mua sách.
"Không được đưa vào giờ dạy học những nội dung kiến thức vượt quá chương trình có trong các sách tham khảo để "khuyến khích học sinh" mua sách tham khảo. Thầy, cô nào vi phạm việc này, các cấp quản lý giáo dục phải có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm việc này" - ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh.
"Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các sở GD-ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra cơ sở giáo dục phổ thông trong việc cung cấp SGK và tài liệu tham khảo, kịp thời phát hiện nghiêm các trường hợp vi phạm" - đại diện Bộ GD-ĐT cho biết.
Thẩm định xong SGK lớp 2, lớp 6 Theo thông tin tại cuộc họp báo, hiện tại việc thẩm định SGK lớp 1, lớp 6 đã hoàn thành vòng 1, các NXB có sách đăng ký thẩm định đang chỉnh sửa, hoàn thiện theo ý kiến của hội đồng thẩm định. Dự kiến thẩm định vòng 2 sẽ hoàn thành vào cuối tháng 10 với sách lớp 2 và trung tuần tháng 11-2020 với sách lớp 6. Trong đợt thẩm định này, có 33 bản mẫu SGK của đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục lớp 2. Trong số này có 4 bản mẫu SGK môn toán, 8 bản mẫu SGK môn tự chọn tiếng Anh, các môn còn lại có 3 bản mẫu/môn. Với lớp 6, có 43 bản mẫu SGK của 11 môn học/hoạt động giáo dục bắt buộc và bản mẫu SGK môn tự chọn tiếng Anh. Trong đó môn tin học có 4 bản mẫu, Tiếng Anh có 9 bản mẫu, các môn còn lại có 3 bản mẫu/môn. Khác với việc chọn SGK lớp 1 năm học 2020-2021, việc lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 sắp tới sẽ theo quy định của thông tư mới. Theo đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ quyết định việc chọn SGK chính thức sử dụng trong các nhà trường trên địa bàn. |
Theo Tuổi trẻ