Say “Chợ Cô Sầu”

04/07/2013 10:52

Chợ Cô Sầu

Mồng tám tháng giêng chợ Cô Sầu,
Không rượu nhưng lòng vẫn cứ say
(Ca dao Tày)

Chợ Cô Sầu
Chẳng có ai sầu
Khăn thêu, thổ cẩm, vải khoe mầu.
Người đi trẩy hội hay đi chợ
Anh đợi em hoài em ở đâu?

Chợ Cô Sầu
Chẳng có ai sầu.
Gà vịt nhiều hơn khoai với nâu.
Nón tre, túi vải, người như nước
Anh đợi lâu rồi em đứng đâu?

Chợ Cô Sầu
Lất phất mưa bay
Vai em vàng thắm gánh cam đầy
Đèo cao lũng thấp đường xa nhỉ
Xa mặc đường xa cứ tới đây.

Chợ Cô Sầu
Lất phất mưa bay
Đừng sợ đường trơn anh dắt tay
Áo chàm ai nhuộm mà xanh thế
Không rượu nhưng lòng vẫn cứ say.

HOÀNG TRUNG THÔNG

"Chợ Cô Sầu" là bài thơ do Hoàng Trung Thông viết năm 1962, về chợ Cô Sầu ở Trùng Khánh (Cao Bằng). Bốn khổ thơ, mỗi khổ 28 chữ, có cấu trúc giống nhau: Ba câu sau, rõ là thất ngôn tứ tuyệt, riêng câu đầu được ngắt làm hai. Sự ngắt câu đặc sắc này làm cho nội dung gốc độc thoại “Chợ Cô Sầu chẳng có ai sầu” bỗng trở thành như đối thoại “Chợ Cô Sầu/ Chẳng có ai sầu”. Nó tạo cho các khổ thơ nhịp điệu gợi cảm “hình tượng ruộng bậc thang” trên vùng cao. Ở đỉnh, vòng thang nhỏ, độ thang cao, toả xuống dần dần ra thênh thang, êm đềm và bao dung.

 Đọc khổ đầu, nhiều cảm hứng. Song có lẽ thú vị nhất là ở câu hỏi “Người đi trẩy hội hay đi chợ”. Trước cái rực rỡ của khăn thêu, thổ cẩm, vải màu và những gương mặt tươi tắn “Chẳng có ai sầu”, đã biết mười mươi là người ta đi chợ đấy, thì thông thường cũng dễ bật ra thắc mắc: Đi chợ mà vui, mà đẹp như đi trẩy hội thế nhỉ? Đằng này, đảo ngược cái trật tự thông thường để thành: “Người đi trẩy hội hay đi chợ?”. Thế thì là hội đấy chứ, đâu còn là chợ nữa. Cái vui, cái đẹp, xét về phương diện trực quan đã ở mức “hội”, vượt lên “chợ”. Ở vùng cao, chợ là nơi sinh hoạt văn hoá, là điểm rất vui rồi. Nhưng được ngỡ như là hội thì chợ Cô Sầu thật là độc đáo.

Đẹp, vui, nhộn nhịp, sầm uất. Khăn thêu, thổ cẩm, vải màu, nón tre, túi vải, “Gà vịt nhiều hơn khoai với nâu”… Giữa ồn ã, rực rỡ, phong phú ấy, rốt cuộc “Anh” vẫn không lơi là mục tiêu “Em”! Cứ từ xa đến gần. Cái sự mong ngóng từ mênh mông “Đợi hoài, em ở đâu” đến cụ thể hơn một chút “Đợi lâu rồi, em đứng đâu”? Từ “Người như nước” đến hạt mưa bay lất phất, rồi đến “Vai em vàng thắm gánh cam đầy” hiển hiện cái đẹp sung mãn của sơn nữ ngay trước mặt, đã là gần gũi lắm. Nhưng đến câu chuyện lòng người: thủ thỉ “Đèo cao lũng thấp đường xa nhỉ” và được kế tiếp bằng nỗi lòng quyết liệt, “Xa mặc đường xa, cứ tới đây”, chẳng khác gì "Mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua"  thì thành cháy ruột, cháy gan rồi! Yêu mà! “Đừng sợ đường trơn”. Có anh đây rồi, “anh dắt tay”.

Bỗng nhiên, như một lẽ thường thấy, càng nói cụ thể thì cũng lại như càng khó nói hết. Cho nên bung ra cái ước lệ đặc sắc: “Áo chàm ai nhuộm mà xanh thế?/Không rượu nhưng lòng vẫn cứ say”.

Một tư duy nghệ thuật bậc thầy và một thủ pháp thi ca bậc thầy, làm cho độc giả say “Chợ Cô Sầu” như cái “say không rượu” của người ở chợ Cô Sầu ấy!

PHẠM XƯỞNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Say “Chợ Cô Sầu”