Sau 5 tháng, doanh thu Vietlott lên đến 1.600 tỷ đồng

17/01/2017 16:04

Đó là khẳng định của đại diện Bộ Tài chính. Sau 5 tháng “ra đời”, Vietlott đã có doanh thu 1.600 tỷ đồng, nộp ngân sách 400 tỷ đồng.

Sau 5 tháng, doanh thu Vietlott lên đến 1.600 tỉ

Vé số điện toán được in sẵn đem đi bán dạo. Ảnh Vân Trường

Tại hội nghị xổ số kiến thiết khu vực miền Nam lần thứ 109 tổ chức tại Sóc Trăng ngày 17-1, đại diện các doanh nghiệp sổ xố kiến thiết (SXKT) tiếp tục có phản ứng trước các hoạt động của sổ số điện toán Vietlott.

Theo Hội đồng XSKT khu vực miền Nam, chỉ trong một thời gian ngắn đi vào hoạt động, xổ số điện toán đã có biểu hiện phá rào, vi phạm các quy định trong kinh doanh như phát hành sai địa bàn (chỉ được triển khai kinh doanh tại 12 tỉnh, thành phố nhưng Vietlott in sẵn đưa đi tiêu thụ tại hơn 30 tỉnh, thành phố); thực hiện không đúng phương thức phân phối (cho các đại lý tổ chức sản xuất in vé điện toán hàng loạt trước 2 tuần - 6 kỳ xổ số với số lượng lớn để tung ra thị trường bằng hình thức bán dạo, dẫn đến phát hành sai địa bàn, bán vượt mệnh giá vé và bán vé có khuyến mãi…).

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính), qua 5 tháng kinh doanh, tổng doanh thu của Công ty xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) là hơn 1.600 tỷ đồng, đóng góp ngân sách hơn 400 tỷ đồng.

Ông Dương cho biết, khi nhận được văn bản của Hội đồng XSKT miền Nam và nhiều kênh thông tin khác, phản ảnh hoạt động của loại hình xổ số mới, Thủ tướng có văn bản chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính đánh giá hoạt động, thông tin đầy đủ người dân theo dõi, hiểu được chủ trương, hoạt động xổ số điện toán của Việt Nam.

Tại văn bản báo cáo Thủ tướng, Bộ Tài chính có tổng hợp kiến nghị của các tỉnh, thông tin trên báo chí để kiến nghị Thủ tướng giải pháp điều hành thị trường xổ số nói chung, điện toán nói riêng.

Sau 5 tháng, doanh thu Vietlott lên đến 1.600 tỉ

Ông Nguyễn Hoàng Dương khẳng định có thể xử lý ngay một số vi phạm công khai liên quan đến Vietlott
tại hội nghị xổ số kiến thiết khu vực phía Nam ngày 17-1 - Ảnh: CHÍ QUỐC

“Hiện đang chờ chỉ đạo tiếp theo của Thủ tướng để thực hiện”, ông Dương hồi đáp về việc lãnh đạo nhiều công ty XSKT “tố” các hoạt động của Vietlott đã gây xáo trộn thị trường, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của XSKT…

Theo ông Dương, cái gọi là “sai phạm” như các công ty XSKT “tố”, nếu Vietlott làm sai, sau này các cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện in vé, tiếp tay hoạt động kinh doanh không đúng địa bàn, không đúng mệnh giá sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

Về ý kiến cho rằng Bộ Tài chính có “phân biệt đối xử” giữa loại hình xổ số điện toán và XSKT, ông Dương khẳng định bộ không phân biệt đối xử mà hoàn toàn điều hành trên quy định pháp luật, không ưu ái, coi trọng cái này ái kia. Bộ sẽ nghiên cứu, tiếp thu kiến nghị cụ thể của XSKT để có tham mưu trong điều hành thị trường cho phù hợp.

 “Khi chúng tôi làm đề án không ngờ người dân mua vé 10.000 đồng ra bán 12.000 đồng, đây là kịch bản nằm ngoài tưởng tượng khi xây dựng đề án” - ông Dương nói và cho biết đối với sai phạm hiện hữu mang tính công khai, như ở Sóc Trăng mà có đại lý giăng biển bán xổ số điện toán, xổ số kiểu Mỹ… do Vietlott chưa phân phối tại Sóc Trăng, có thể xử lý ngay được.

Còn vi phạm do người bán rong đem vé số Vietlott đi bán, ông Dương nêu quả thực xử lý có khó khăn. “Theo tôi, sai phạm nào hiện hữu, nhìn thấy thì báo cáo địa bàn xử lý quyết liệt để làm gương. Răn đe đầu mối đó thì người có hành vi tương tự sẽ dè chừng”, ông Dương nói.

Theo hội đồng SXKT khu vực miền Nam, từ ngày có Vietlott, có tình trạng cạnh tranh không lành mạnh như quảng cáo, quảng bá sản phẩm nội dung không rõ ràng, gây phản cảm; sử dụng truyền thông để phát triển thị trường không khách quan, thiếu trung thực; so sánh phiến diện có chủ đích để phủ nhận xổ số truyền thống và đề cao xổ số điện toán nhằm tạo sự ngộ nhận, hiểu lầm cho khách hàng để PR sản phẩm...

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sau 5 tháng, doanh thu Vietlott lên đến 1.600 tỷ đồng