Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, Báo Hải Dương đã chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục văn học, nghệ thuật trên báo Hải Dương cuối tuần, báo Hải Dương hằng tháng.
|
Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ nhiếp ảnh cho hội viên Ban Nhiếp ảnh Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và các câu lạc bộ nhiếp ảnh của các huyện, thành phố. Ảnh: Thành Chung
|
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam trong thời kỳ mới”, hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật ở Hải Dương đã có những bước phát triển mới, ngày càng phong phú, đa dạng.
Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, ngành văn hoá, thể thao và du lịch đã đề ra nhiều kế hoạch và giải pháp, tập trung đầu tư cho các hoạt động văn hoá, văn học, nghệ thuật. Đến nay, toàn tỉnh có 3.470 câu lạc bộ (CLB) thu hút 227 nghìn hội viên, 1.082 đội văn nghệ với 14.036 diễn viên và 2.108 nhạc công, 50 câu lạc bộ thơ từ cấp tỉnh đến cấp xã... Các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý văn hoá, nghệ thuật cơ sở được mở thêm nhiều nội dung như: sân khấu học đường, hát chèo, hát ca trù, biên kịch, đạo diễn, thông tin tuyên truyền... Kết quả, qua nhiều năm tham gia liên hoan, hội thi khu vực và toàn quốc, Hải Dương luôn là tỉnh có phong trào mạnh về văn hoá, văn nghệ, đặc biệt là các loại hình văn nghệ truyền thống như hát chèo, hát văn, ca trù, rối nước...
Trong 3 năm qua, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh đã tích cực từng bước nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động văn học nghệ thuật. Hằng năm, hội tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thâm nhập thực tế, tổ chức các trại sáng tác theo từng chuyên ngành. Tổ chức Ngày thơ Việt Nam hằng năm; phối hợp tổ chức cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tạp chí Văn nghệ Hải Dương phát hành mỗi tháng một kỳ, với số lượng 3.000 bản/kỳ, đăng tải hàng trăm tác phẩm thơ, truyện ngắn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, kịch bản sân khấu... Hằng năm, Hội Văn học nghệ thuật có 85% số hội viên tham gia hoạt động; mỗi năm đóng góp hơn 500 tác phẩm, công trình mới với chất lượng khá, trong đó có nhiều tác phẩm, công trình đoạt giải thưởng tại các cuộc thi, liên hoan hoặc biểu diễn ở Trung ương và địa phương. Hội còn phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu xây dựng Đề án Phát triển văn học nghệ thuật giai đoạn 2011-2015, được Tỉnh uỷ phê duyệt.
Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, Báo Hải Dương đã chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục văn học, nghệ thuật trên báo Hải Dương cuối tuần, báo Hải Dương hằng tháng. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh sản xuất và phát sóng hàng trăm chương trình ca múa nhạc, kịch, diễn đàn văn học, nghệ thuật mỗi năm.
Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị phải phát triển sâu rộng văn nghệ quần chúng, đồng thời với tập trung xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật chuyên nghiệp, trong 3 năm qua, các huyện, thị xã, thành phố đã từng bước nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động văn học, nghệ thuật, khuyến khích, sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật mới, nhất là các tác phẩm giới thiệu gương người tốt, việc tốt, những mô hình mới, những điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng các CLB của các xã, phường, đoàn thể mà trọng tâm là phục vụ cho hoạt động văn hoá, văn nghệ của địa phương. Một số nơi như huyện Kim Thành, Thanh Miện đã xây dựng được CLB văn nghệ truyền thống. Số CLB thơ ca ngày một nhiều, tiêu biểu như: CLB thơ Nguyễn Trãi (TP Hải Dương), các CLB thơ Vạn Xuân, Thời gian xanh, Quê Hương (huyện Tứ Kỳ), CLB thơ Đường An (huyện Bình Giang)... Nhiều nơi có phong trào văn hoá văn nghệ sôi nổi như: TP Hải Dương, huyện Kinh Môn, Kim Thành, Thanh Miện.
Mặc dù đã có những bước phát triển và thành tựu mới, song so với yêu cầu ngày càng cao của đời sống xã hội và xu thế hội nhập hiện nay, kết quả thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” ở Hải Dương cũng còn một số hạn chế: Trên lĩnh vực sáng tác chưa có nhiều tác phẩm thật sự xuất sắc, ngang tầm với sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới của quê hương, đất nước. Vẫn còn những tác phẩm văn học, nghệ thuật và hoạt động biểu diễn chưa thể hiện được tính chất tiên tiến và bản sắc văn hoá của một vùng quê có truyền thống văn hiến lâu đời. Các công trình văn hoá chuyên ngành phục vụ cho hoạt động biểu diễn và giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật còn thiếu, yếu và không đồng bộ hoặc đã xuống cấp trầm trọng: chưa có nhà hát, rạp chiếu bóng, sân vận động tiêu chuẩn, nhà làm việc, phòng tập của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp... Nguồn kinh phí phục vụ các hoạt động văn hoá, nghệ thuật còn hạn hẹp; chỉ tiêu biên chế giao cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp còn quá ít, việc thu hút các tài năng nghệ thuật về các đoàn chuyên nghiệp gặp nhiều khó khăn...
Trong thời gian tới, các cấp, các ngành, đặc biệt là đội ngũ những người hoạt động văn học nghệ thuật trong tỉnh, cần chủ động khắc phục khó khăn, hạn chế, thực hiện thật tốt Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), đưa văn hoá, văn học, nghệ thuật tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ, đúng định hướng, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần và nhu cầu sáng tạo, thưởng thức nghệ thuật của nhân dân.
BÙI THÚY HẠNH