Nhờ chế được thứ mồi bả để trị lũ chuột chuyên phá hoại, ông Lê Đình Lý (64 tuổi) ở thôn Quảng Giang, xã Đại Hợp (Tứ Kỳ) được người dân gọi là “sát thủ” diệt chuột.
Tại những diện tích lúa bị cắn phá, ông Lý đắp các ụ đất rồi trải mồi bả lên trên
Bí kíp
Gặp tôi, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Bia rượu Hải Đà (TP Hải Dương) phấn khởi khoe:
- Thế là từ nay không còn lo lũ chuột cắn phá nhà xưởng, kho nguyên liệu nữa rồi chú ạ!
- Bác đã tìm ra biện pháp gì chăng?
- Không phải tôi, mà là nhờ ông Lý ở xã Đại Hợp, huyện Tứ Kỳ.
Ông Linh kể nhiều năm nay, nhất là dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhà xưởng, kho chứa lúa mạch, gạo (nguyên liệu sản xuất bia) của Công ty CP Bia rượu Hải Đà lại bị chuột xới tung, làm hư hại không biết bao nhiêu nguyên liệu. Ông cho công nhân đặt bẫy bán nguyệt, nướng thịt thơm lên làm bả nhưng chỉ bắt được phần nào, chuột vẫn cứ sinh sôi, phá hoại. Tết vừa rồi về quê vợ (xã Quảng Nghiệp, Tứ Kỳ), nghe người thân nói chuyện ở xã bên có ông Lý diệt chuột rất giỏi, ông Linh lập tức đến nhờ giúp. Ông Lý lên tận công ty, hướng dẫn cách đặt mồi bả. Bả diệt chuột do công nhân tự làm bằng thịt, cá nướng, bánh, kẹo... nhiều lắm chỉ 2 - 3 lần là chuột không ăn nữa. Thứ mồi bả do ông Lý nghĩ ra chỉ là mấy hạt thóc nhưng không biết trộn lẫn với những cái gì mà luôn kích thích lũ chuột tới ăn. Công nhân trong công ty rải bao nhiêu chúng cũng ăn hết và chết ngay sau đó vài tiếng. Nghe danh ông Lý, nhiều doanh nghiệp ở thành phố cũng đã tìm đến nhờ giúp.
Câu chuyện của ông Linh khiến tôi tò mò tìm về xã Đại Hợp để gặp ông Lý. Khi tôi tới nhà cũng là lúc vợ chồng ông đang làm bả diệt chuột. Ông Lý cho biết bả diệt chuột do ông nghĩ ra chỉ là thóc tẻ nhưng đã được phối trộn và nấu lên cùng với 3 loại thuốc thú y. Tất nhiên ông Lý không tiết lộ tên 3 loại thuốc này với tôi hay bất kỳ ai, kể cả người thân trong gia đình. Thông tin duy nhất ông Lý có thể cung cấp là thời điểm và cách thức làm ra thứ bả này.
Đó là vào năm 2015, vụ lúa chiêm xuân ở thôn Quảng Giang cũng như những địa phương lân cận bị chuột gây hại mạnh, đặt mồi bả chỉ hạn chế được phần nào. Nông dân bỏ ra rất nhiều tiền mua nilon về quây ruộng mà không hiệu quả. Ông Lý lúc ấy đang làm thợ xây ở Quảng Ninh nhưng vì trước đó đã có thâm niên 15 năm làm nông giang nên được lãnh đạo thôn mời về nghĩ kế diệt chuột. Ông Lý chia sẻ: “Tổ nông giang của tôi trước đây có 3 thành viên, làm 6tháng mỗi người mới được 5 triệu đồng. Sau này vì cuộc sống gia đình nên tôi xin nghỉ, đi làm thợ xây được 7triệu đồng/tháng. Lúc thôn mời về, vợ, các con và người thân đều ngăn cản, nhưng nghĩ dân làng đang cần thì mình phải về”.
Thóc sau khi nấu với thuốc diệt chuột sinh học và 3 loại thuốc thú y sẽ được hong phơi thật khô
Nhưng lúc ấy thực ra ông Lý chưa nghĩ ra cách gì diệt chuột hiệu quả. Mồi bả trộn thuốc sinh học đã được HTX nông nghiệp địa phương trải ra đầy đường đi, lối lại, nilon cũng quây khắp đồng nhưng tại sao chuột vẫn sinh sôi, gây hại lúa của bà con? Phải chăng chuột chán mồi? Chẳng lẽ bó tay đứng nhìn?... Những câu hỏi như vậy cứ xuất hiện trong đầu ông trong những đêm không ngủ. Phải đến vụ lúa mùa năm đó, ông mới mày mò, nghiên cứu thành công thứ bả đặc biệt.
Bả diệt chuột của ông Lý sáng chế dựa trên nền tảng là thuốc sinh học mà HTX dịch vụ nông nghiệp địa phương cung cấp, kết hợp với 3 loại thuốc thú y do ông tự chọn mua ngoài thị trường rồi pha trộn với thóc khô. Ông đổ hỗn hợp thóc đã trộn thuốc sinh học và 3 loại thuốc thú y kia vào luộc to lửa trong vòng vài phút theo tỷ lệ 10 kg thóc trộn hỗn hợp trong 2 lít nước. Khi nấu không được để cho thóc nứt nanh vì như vậy dễ bị thiu, chuột sẽ không ăn. Luộc xong đổ ra sân phơi để cho thóc dính thuốc khô lại là hoàn thành. Công đoạn làm ra thứ bả này không mất nhiều thời gian nhưng đòi hỏi các thành phần phải được phối trộn với một tỷ lệ hợp lý nhất. Ông Lý khoe: “Cứ 1 kg thuốc diệt chuột sinh học mua từ HTX dịch vụ nông nghiệp tôi có thể chế ra 350 kg mồi bả, đủ để rải cho 80 mẫu”.
Chuột rất thích ăn thứ bả này. Cứ sau 6 - 7 tiếng ăn bả, chuột sẽ chết theo tư thế nằm úp, miệng và hậu môn đều bị xuất huyết (chuột ăn bả trộn bằng thuốc sinh học phải mất 3 - 4 ngày mới chết). Đặc biệt là chim bồ câu, ngan, gà, vịt… ăn phải thứ bả này lại không bị làm sao. Bà con hàng xóm thấy vậy sang nhà ông Lý xin bả về diệt chuột và đều cho kết quả tương tự. Ngay vụ mùa năm 2015, ông Lý được người dân trong thôn ký hợp đồng giao phụ trách diệt chuột cho 240 mẫu lúa. Bà con trả công ông Lý 30.000 đồng/sào/vụ. Nếu diện tích lúa của bà con bị thiệt hại do chuột cắn phá thì ông Lý sẽ đền bù 2.000 đồng/m2.
Giúp dân bắt chuột
Chiều hôm đó, tôi theo vợ chồng ông Lý đi trải mồi diệt chuột ngoài ruộng. Chỉ tay về phía cánh đồng lúa của thôn đang lên xanh mướt, ông bảo: “Đấy cậu xem, mấy vụ lúa rồi bà con ở đây không cần nilon quây ruộng nữa. Chỉ cần thấy có dấu hiệu của chuột là tôi sẽ tìm và diệt đến cùng”.
Ông Lý hướng dẫn bà con cách đặt mồi bả chuột
Men theo từng bờ ruộng, vợ chồng ông Lý bắt đầu trải mồi bả tại những nơi phát hiện có dấu chân chuột qua lại. Ông Lý bốc nắm trấu để xuống đất, bà Phạm Thị Mắc (vợ ông) nhanh tay nhúm một ít mồi bả đặt vào chính giữa. Ông Lý rắc tiếp một lớp trấu mỏng phủ lên trên mồi. Quy trình đặt mồi bả diệt chuột chỉ đơn giản vậy. Ở những nơi có nhiều lỗ chuột, ông Lý vét sạch lớp đất chuột ngoài cửa hang rồi đắp 2 lớp trấu, 1 lớp mồi vào bên trong. Tại những vị trí lúa bị chuột cắn, ông đắp ụ đất cao khoảng 5 cm, rộng 30 cm và đặt mồi. Ông Lý chia sẻ: “Chuột là loài gặm nhấm, thích đào bới. Tôi để lẫn mồi vào giữa 2 lớp trấu là muốn chuột tự tìm mồi, chứ cứ để sẵn ra thì chúng sẽ mau chán. Ở nhà hay ở doanh nghiệp, việc đặt mồi cũng tương tự vậy”.
Bà Nguyễn Thị Thoa (61 tuổi) đang làm cỏ ở cánh đồng này cho biết: “Mọi năm lúa nhà tôi chuột cắn phá nhiều lắm, quây nilon cũng chẳng ăn thua. Mấy vụ gần đây có ông Lý diệt chuột nên chẳng còn phải lo gì nữa. Bà con ai cũng phục ông ấy”.
Ông Lê Đình Cường, Trưởng thôn Quảng Giang xác nhận 2 năm nay bà con trong thôn không còn phải dùng nilon quây ruộng chắn chuột. Trước đây có năm thôn mất 6 - 7 mẫu ruộng vì chuột cắn phá nhưng giờ thì không còn tình trạng đó. Một mình ông Lý diệt chuột còn hiệu quả hơn nhiều so với tổ diệt chuột chuyên trách ngày trước của thôn. Mức phí diệt chuột 30.000 đồng/sào/vụ mà nhân dân đang trả cho vợ chồng ông Lý thấp hơn so với nhiều nơi khác.
Bà Mắc cho biết lúc đầu thấy rất lo sợ khi chồng đứng ra nhận diệt chuột trên diện tích 240 mẫu ruộng của thôn. Vì nhỡ mồi bả ông Lý làm ra không phát huy được hiệu quả lâu dài thì biết lấy gì mà đền cho dân. Giờ thì bà Mắc mừng ra mặt. “May mà ông nhà tôi đã thành công chú ạ. Nghe danh ông ấy, rất nhiều thôn, xã ở Tứ Kỳ, Gia Lộc và một số doanh nghiệp đã cử người tìm đến nhờ giúp”.
Chia tay ông Lý, tôi thầm khâm phục tinh thần chịu khó, sáng tạo của người nông dân này. Tôi hy vọng thứ bả diệt chuột do ông Lý sáng chế ra sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và được các cơ quan quản lý lưu tâm, nghiên cứu sử dụng rộng rãi tại các địa phương khác.
TIẾN MẠNH