SARS-CoV-2 và hậu quả khủng khiếp

30/03/2020 20:30

SARS-CoV-2 gây ra đại dịch Covid-19 đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân toàn cầu, khiến hầu hết các quốc gia phải áp đặt các biện pháp chưa từng có trong thời bình nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.

Đã có nhiều nhận định rằng hậu quả của SARS-CoV-2 sẽ làm đảo lộn địa chính trị thế giới và kinh tế toàn cầu sẽ bước vào đợt suy thoái trầm trọng?

Các đại dịch trong lịch sử

Từ trong lịch sử nhân loại đã từng phải chứng kiến nhiều đại dịch gây chết người hàng loạt, làm thay đổi tiến trình đi lên của nhân loại. Trong các đại dịch ấy phải kể đến bệnh dịch hạch “cái chết đen” và "cúm Tây Ban Nha”.

Với bệnh dịch hạch, theo các nhà nghiên cứu vào giữa thế kỷ thứ 6 xuất hiện mầm bệnh là Yersinia Pestis thường gọi là virus dịch hạch tại đế quốc Đông La Mã. Mầm bệnh tồn tại trên chuột, lây sang người thông qua vật trung gian truyền bệnh là bọ chét.

Dịch này bắt nguồn từ Ai Cập và lan tới Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ở thời kỳ đỉnh dịch làm chết 500.000 người/ngày. 800 năm sau, tháng 10.1347, dịch hạch quay trở lại tại đảo Sicly (Italia) khi thủy thủ các tàu cập cảng mắc chứng bệnh lạ sưng hạch nổi màu đen (cái chết đen). Bệnh dịch lây lan nhanh chóng và chỉ trong vài năm đã làm 1/3 dân số châu Âu thời bấy giờ tử vong.

Với dịch cúm năm 1918-1019 còn gọi là "cúm Tây Ban Nha", đây là chủng cực kỳ nguy hiểm của virus H1N1 đã lây lan khắp thế giới và càng phát triển mạnh khi binh lính các nước trở về từ Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 triệu người trên thế giới, lây lan cho hơn 500 triệu người, chiếm 1/4 dân số thế giới khi đó, trong đó hơn 600.000 người Mỹ tử vong...

Thế kỷ 20, nhân loại còn phải chứng kiến các đại dịch khác như cúm châu Á năm 1957, cúm Hong Kong (Trung Quốc) năm 1968. Các loại virus liên tục biến đổi và phát triển mạnh. Trước đây, chúng thường thông qua vật trung gian, nay có thể lây lan trực tiếp qua không khí và tiếp xúc gần. Sang thế kỷ 21, thế giới ghi nhận dịch SAR năm 2003.

Với khu vực Bắc Mỹ đều có cúm mùa. Dịch bệnh này tại Mỹ hàng năm cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Với đại dịch Covid-19, khởi đầu từ Vũ Hán (Trung Quốc). Từ tháng 12.2019 đến nay, Covid-19 đã lan nhanh ra khắp thế giới. Tốc độ lây lan của nó được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đang tăng tốc: "Nó mất 67 ngày, kể từ khi ca đầu tiên được ghi nhận để lên mốc 100.000 ca lần đầu nhưng sau đó chỉ mất 11 ngày để cán mốc 100.000 ca lần thứ 2 và 4 ngày để đạt mốc 100.000 lần thứ 3”. Với  tốc độ lây lan theo cấp số nhân, số người tử vong do Covid-19 cũng liên tục tăng.

Cú sốc kinh tế

Theo giới phân tích, các đại dịch xảy ra trên thế giới đều gây những hậu quả nặng nề và nó làm thay đổi hình thái kinh tế - văn hóa và gây những tác động lớn tới chính trị thế giới, cụ thể như đại dịch hạch (cái chết đen) làm nền kinh tế thế giới thời ấy suy thoái nhanh chóng. Sự suy giảm mạnh mẽ của lực lượng lao động (nông nô) đã dẫn tới sự ra đời của các ngành mới sử dụng ít lao động hơn.

Ngày nay, với đại dịch Covid-19, giới phân tích dự báo rằng thế giới sẽ có những thay đổi đáng kể. Trước mắt, Covid-19 đã tạo ra cú sốc lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Vì đại dịch, tất cả các quốc gia đều có các biện pháp cụ thể để tự bảo vệ mình, người dân được khuyến cáo ở nhà, giao thương kinh tế đình trệ.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor’s(S&P) đã đưa ra cảnh báo nền kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái do ảnh hưởng của Covid-19. Các quốc gia ngoài Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề từ Covid-19, trong đó nền sản xuất công nghiệp cả tháng 1 và 2 vừa qua của thế giới đã giảm 12,3%. S&P dự báo năm 2020 kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng từ 1-1,5% (dưới mức tăng dân số thế giới). Đặc biệt, S&P lưu ý nền kinh tế Mỹ lớn nhất thế giới sẽ đối mặt với một năm tăng trưởng 0% hoặc 0,5%.

Các lệnh hạn chế tiếp xúc trực tiếp được các quốc gia ban bố và đang thực hiện khiến các hoạt động kinh doanh giảm mạnh cả trong quý I và có thể trong cả quý II trước khi có sự phục hồi vào cuối năm. Các nước buộc phải đóng cửa nền kinh tế để đối phó với Covid-19.

Có một thực tế đang diễn ra đó là tất cả các quốc gia đều nhận rõ tác hại của đại dịch Covid-19 nên tung ra các gói cứu trợ nhằm kích cầu nền kinh tế của riêng mình. Mỹ đưa ra gói cứu trợ 2.000 tỷ USD lớn nhất từ trước tới nay để duy trì nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Thế nhưng S&P vẫn cảnh báo số lượng công ty giải thể sẽ tăng mạnh trên toàn cầu và chỉ rõ 1/10 các công ty phi tài chính ở Mỹ sẽ vỡ nợ trong 12 tháng tới và tại Liên minh châu Âu (EU) con số vỡ nợ sẽ cao hơn ở Mỹ. Nhiều chuyên gia kinh tế có kinh nghiệm trên thế giới đều cho rằng ảnh hưởng của Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu sẽ nghiêm trọng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.

Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ thiệt hại khoảng 1.500 tỷ Euro. Số tiền mà Mỹ bị thiệt hại sẽ lớn hơn số tiền mà Mỹ đã tung ra để ứng phó với Covid-19.

Theo các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế toàn cầu hiện nay đang ở vòng xoắn đi xuống, do đó việc cần làm hiện nay của không chỉ Mỹ, EU hay Trung Quốc mà của tất cả các quốc gia là cần giảm bớt tốc độ của vòng xoắn đó lại. Khi đó, gói kích thích của các quốc gia phải đi vào đúng chỗ, đặc biệt là tiêu dùng để không xảy ra một cuộc khủng hoảng niềm tin.

Để chống cú sốc về kinh tế do Covid-19 gây ra, nhiều chuyên gia cho rằng các chính phủ cần huy động nguồn lực để ngăn chặn thảm họa bằng việc suy nghĩ rộng, hành động ngay, đồng hành cùng nhau.

HẢI HÀ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    SARS-CoV-2 và hậu quả khủng khiếp