Gửi ý kiến, kiến nghị tới kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, cử tri và nhân dân mong muốn việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế có lộ trình khoa học, bảo đảm sự đồng bộ, khả thi.
Cử tri Đoàn Văn Đức ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc trước kỳ họp thứ 5. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV dự kiến sẽ khai mạc ngày 21.5. Tại phiên họp của thứ 24 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới đây, trình bày dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.093 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Theo đó, nhân dân quan tâm, đồng tình việc triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, của các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tuy nhiên, việc thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan, tổ chức chưa có sự thống nhất chỉ đạo chung, tại một số địa phương kết quả việc thực hiện thí điểm chưa rõ nét.
“Cử tri và nhân dân mong muốn việc thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế cần có lộ trình khoa học, bảo đảm sự đồng bộ, tính khả thi và liên thông trong hệ thống chính trị; cần thực hiện tổng kết, đánh giá việc thí điểm trước khi thực hiện nhân rộng”, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh nhấn mạnh.
Cử tri và nhân dân hoan nghênh Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (khóa XII) đã thông qua các Nghị quyết quan trọng, nhất là Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp.
Đồng thời mong muốn Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn đối với việc rà soát cán bộ, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm các sai phạm.
Cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí với nhiều kết quả cụ thể, đáng ghi nhận.
Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được xử lý nghiêm minh, không có “vùng cấm”, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu như: Vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC, tại Công ty TNHH Một thành viên Vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines...
Tuy nhiên, nhiều vụ việc chỉ được quan tâm xử lý khi có sự chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; còn nhiều ngành và địa phương vẫn chưa thực sự “vào cuộc”, có biểu hiện né tránh và kết quả thực hiện chưa rõ nét.
Do vậy, cử tri mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của cả hệ thống chính trị. Người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện và thể hiện trách nhiệm “nêu gương” để cán bộ, công chức các cấp, các ngành, các địa phương cùng thực hiện.
Cử tri và nhân dân cả nước cũng đồng tình trước quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc rà soát, phát hiện và thu hồi các quyết định bổ nhiệm cán bộ sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn, đồng thời kỷ luật nghiêm đối với nhiều cán bộ vi phạm. Tuy nhiên, việc lợi dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ, thực hiện bổ nhiệm sai quy trình, thiếu tiêu chuẩn còn tồn tại ở một số ngành, địa phương đến nay chưa được xử lý triệt để.
Do đó, cử tri “Đề nghị Đảng, Nhà nước chỉ đạo quyết liệt hơn đối với việc rà soát cán bộ, xử lý những trường hợp sai phạm công khai để nhân dân biết và giám sát”, Tổng Thư ký Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho biết.
HOÀNG LINH (Báo Tin tức)