Thế hệ làm báo sau này hẳn rất ít người tò mò tìm hiểu về công tác "hậu cần" để sản xuất ra một số báo trước kia.
Những trang báo được in ra bằng cách sắp từng con chữ đang lưu trữ tại báo Hải Dương
Càng ít người biết, thời đó phải dùng tay xếp từng chữ cái, từng dấu chấm câu chứ không như bây giờ.
Cũng như nhiều tờ báo thời kỳ trước, báo Hải Dương có một thời gian dài sử dụng kỹ thuật in ty-pô. Từng có một thời gian làm công việc tại nhà in, ông Lê Khắc Dương, nguyên Trưởng phòng Hành chính - Trị sự, Báo Hải Dương vẫn nhớ từng quy trình sắp chữ. Ông kể từ khi nhận bản thảo của tòa soạn, công việc xếp chữ sẽ bắt đầu. Khi ấy, mỗi khay chứa từng chữ cái riêng biệt được đúc bằng hợp kim chì. Ví dụ, để có chữ "Hải", người sắp chữ phải nhặt 3 chữ riêng biệt ghép vào gồm: H, ả, i, đương nhiên là phải ghép ngược để khi in vào giấy mới ra chữ "Hải". Các chữ khác cũng vậy. Đến chỗ có dấu chấm hết, chấm than, chấm hỏi, dấu phẩy, dấu ngoặc... lại phải nhặt các dấu đó đặt vào. Những người sắp chữ làm lần lượt, từ tít, nội dung cho đến hết tin, bài để hình thành nên từng trang báo. Hoàn thành sắp chữ mới bắt đầu đến công đoạn "đập bông" - in thử trên loại giấy mỏng như giấy pô-luya và sửa lỗi. Còn ảnh thời đó phải in ảnh kẽm và tranh thì khắc gỗ.
Do kỹ thuật còn lạc hậu, việc sắp chữ tốn thời gian, công sức nên tòa soạn phải phối hợp chặt chẽ với nhà in. Ngày đó, số lượng chữ trong tin, bài phải khống chế, tính toán 50 chữ mỗi ô, tin thừa chữ phải cắt bớt, chỗ thiếu chữ phải thêm hình vẽ hoặc miếng tở-ram để lấp chỗ trống. Để khớp thời gian, thông thường 2 trang trong sẽ được tòa soạn chuyển cho nhà in trước khoảng 1 ngày phát hành để sắp chữ. Các trang ngoài chờ những tin, bài thời sự đưa sau. Cho đến khi việc soát lỗi, in ấn đã xong, những người làm công việc sắp chữ lại nhấc từng con chữ ra bỏ vào đúng vị trí của từng khay, để tiếp tục được sử dụng vào lần in sau. Vì thế, những người sắp chữ thường có câu vui vui cửa miệng là đang làm công việc "sắp - sửa - bỏ", nghĩa là sắp chữ, sửa bản bông và gỡ chữ bỏ vào từng khay chữ. "Sắp chữ yêu cầu tỉ mỉ, nhẫn nại. Đó là một công việc không dành cho người nóng vội", ông Dương nói.
Một số cô chú từng có thời gian làm công việc này kể lại rằng dù rất vất vả để sắp từng chữ cái thành tin, bài song trang báo lại khó tránh khỏi sai sót hoặc mất thẩm mỹ. Các chữ cái bằng hợp kim chì khi dùng lâu bị các con lô chà đi chà lại làm cho mòn nét, mất dấu. Tùy theo khối lượng in ấn nhiều hay ít, nhưng cứ quãng nửa tháng lại có khoảng vài chục kg chữ chì bị loại ra. Khi ấy, những chữ hỏng được gom lại chất lên xe U-oát mang lên Hà Nội đổi về chữ mới. Hay chuyện con lô in bằng da, cứ trời nồm ẩm là làm chữ hoặc ảnh bị nhòe nhoẹt. Vì thế hễ máy chạy được khoảng vài trăm tờ là thợ lại phải dùng bàn chải nhúng dầu hỏa làm sạch khuôn in để cho con chữ sắc nét.
Đến năm 1991, công nghệ in báo có sự thay đổi lớn, bắt đầu chuyển từ in ty-pô sang in ốp-xét. Số báo Hải Hưng đầu tiên in bằng công nghệ này phát hành ngày 17.4.1991. Như vậy, báo Hải Dương tròn 60 năm thì có đến một nửa thời gian sử dụng kỹ thuật in ty-pô.
Ngày nay, kỹ thuật chế bản, in ấn hiện đại, nhiều công đoạn đã được máy móc làm thay, song những trang báo xưa cũ sắp bằng chữ chì đang được báo Hải Dương lưu giữ luôn là những kỷ vật vô giá để người làm báo sau này trân trọng hơn về những vất vả của các thế hệ đi trước.
TIẾN HUY