Việc HBB sáp nhập vào SHB đã ngã ngũ tới 99%, dư luận vừa được phen tự hào tin đồn của họ đúng, nhưng cũng bắt đầu lo xa về những tin đồn.
Vài tháng trước, dư luận và giới truyền thông loan tin Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank - HBB) sẽ bị “thâu tóm” bởi Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) lập tức gây ra một chuỗi phản ứng đa chiều từ đó đến nay. Ba bên cùng bác tin đồn… Từ giữa tháng 3-2012, thông tin nóng trên nhiều báo đưa về việc Ngân hàng SHB thâu tóm HBB, thậm chí có báo còn khẳng định theo nguồn tin riêng là việc này được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận và hai bên cũng vừa ký xong biên bản thoả thuận sáp nhập.
Việc Habubank chính thức sáp nhập vào SHB chỉ còn chờ thời gian |
Nhiều báo còn dẫn chi tiết hơn về tỉ lệ chuyển đổi cổ phiếu giữa hai ngân hàng với tỉ lệ dự kiến là 1,34 cổ phiếu HBB đổi một cổ phiếu SHB và đơn vị tư vấn là Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS). Nhưng ngày 13/3, lần lượt Ngân hàng HBB, SHB và NHNN đều bác bỏ thông tin trên. Sáng 13/3, đại diện Ngân hàng HBB trả lời phỏng vấn của phóng viên VOVonline có khẳng định: “Vừa qua, một số báo đã đưa là SHB đang tiến hành mua lại Habubank và đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhất trí về chủ trương. Chúng tôi cho rằng, các thông tin này không chính xác và không có cơ sở, làm ảnh hưởng tới uy tín và hoạt động bình thường của Ngân hàng chúng tôi, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống các ngân hàng thương mại nói chung, đồng thời làm nhiễu thông tin trên thị trường chứng khoán, có thể gây phương hại tới quyền lợi của các nhà đầu tư”. Còn ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB, trả lời báo giới cũng cho biết đây là thông tin hoàn toàn không chính xác. Về phía NHNN, cùng ngày cũng khẳng định: Hiện tại, NHNN chưa nhận được báo cáo và đề nghị của SHB và Habubank (HBB) về việc mua lại, hợp nhất hay sáp nhập. Vì vậy, thông tin trên một số phương tiện thông tin truyền thông cho rằng NHNN đã chấp thuận cho SHB mua lại Habubank là không chính xác. Tin đồn vẫn thành hiện thực… Trong khi những người trong cuộc ra sức phủ định tin đồn thì dư luận và giới truyền thông vẫn tiếp tục có thông tin khẳng định chuyện HBB và SHB “về chung một nhà” chỉ còn là thời gian. Và, cùng thời điểm, giá cổ phiếu của cả hai ngân hàng trên sàn chứng khoán có nhiều biến động. Điều này khiến dư luận, giới phân tích lại cho rằng, đây là màn kịch để hâm nóng, làm giá cho cổ phiếu. Không lâu sau, thông tin 85,21% cổ đông của HBB và 99,4% cổ đông SHB tán thành HBB sáp nhập vào SHB và chuyện sáp nhập chỉ còn chờ giờ khiến dư luận đặt câu hỏi rằng, phải chăng những phủ định thông tin sáp nhập trước đây của người trong cuộc chỉ là cách dùng màn thưa che sự thật? Bởi lẽ, đến nay NHNN đã có văn bản nhất trí chủ trương cho Habubank sáp nhập vào SHB. Đồng thời, NHNN còn nhìn nhận việc HBB sáp nhập vào SHB là một lựa chọn tối ưu để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nói riêng và các nhà đầu tư nói chung tại Habubank, phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng của Chính phủ và NHNN. NHNN sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để việc sáp nhập này thành công. Hơn nữa, đại hội đồng cổ đông của hai ngân hàng đều đã thông qua kế hoạch sáp nhập. Các bước còn lại là sự chấp thuận chính thức của NHNN, hoàn tất các thủ tục pháp lý với các cơ quan chức năng, thực hiện bàn giao và triển khai chương trình sáp nhập. Và, giới chuyên gia cho rằng trên thế giới, việc các định chế tài chính sáp nhập, hợp nhất với nhau là một hoạt động bình thường, là một xu thế phổ biến để hình thành các định chế tài chính lớn mạnh, có năng lực cạnh tranh cao hơn. Còn ở Việt Nam, Chính phủ và NHNN khuyến khích các tổ chức tín dụng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng tự nguyện hợp nhất, sáp nhập với nhau để giảm số lượng các tổ chức tín dụng yếu kém, từng bước hình thành một hệ thống tổ chức tín dụng đa năng, hiện đại, an toàn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh lớn hơn nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế. Phải có cơ chế giảm nhiễu tin đồn Đã đành, việc HBB sáp nhập vào SHB đã rõ, đó là hướng đi tất yếu lúc này. Nhưng, cách xử lý tin đồn của các bên liên quan trong sự vụ này còn nhiều bất cập, dễ gây hiểu lầm trong dư luận về một “chiêu trò” trong hệ thống tài chính. Bởi, động thái vừa qua của sự vụ này không phải quá khó để giới chuyên gia và những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm bình tĩnh ứng xử vì họ dễ dàng vén màn sự thật, nhưng số người này không nhiều. Còn lại với một thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán còn rất mới đối với đa số khách hàng, nhà đầu tư Việt Nam thì đây là một sự khó hiểu đáng ngờ. Rõ ràng, sự lo lắng của các cổ đông của các ngân hàng, các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán và cả những khách hàng cho vay và vay vốn tại các ngân hàng là chính đáng. Bởi hơn ai hết, chính họ là người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những biến động trong hoạt động của các tổ chức tài chính này. Nếu sự tác động chỉ thuần túy từ sự thăng trầm của thị trường tài chính là lẽ thường mà người chơi hiển nhiên phải đối mặt. Nhưng giả định, nếu những thăng trầm bị tạo ra bởi một chiêu thức kinh doanh dùng cơ chế tin đồn để gây xáo trộn thị trường, nhiễu loạn thông tin thì khách hàng có quyền có một cơ chế bảo vệ chính đáng từ các cơ quan chức năng. Hơn thế, vì tin đồn có thể đúng, có thể sai, không ai bắt tin đồn phải chịu trách nhiệm. Cho nên, để minh bạch hóa hệ thống tài chính, cần phải có một cơ chế giám sát, xử lý nghiêm minh đối với nguồn gốc tin đồn và phải có người chịu trách nhiệm trước các thông tin đưa ra khi khẳng định hoặc phủ định tin đồn. Có như thế mới tránh được hành động lạm dụng tin đồn để gây nhiễu thị trường, làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, khách hàng vào hệ thống tài chính.