Sáng tạo trong huấn luyện

19/04/2019 08:24

Nhiều năm qua, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh luôn đẩy mạnh phong trào nghiên cứu cải tiến kỹ thuật trong toàn lực lượng.


Ban Chỉ huy quân sự huyện Kinh Môn đưa hệ thống thiết bị bắn súng bộ binh vào huấn luyện giúp người tập không cần sử dụng đạn thật mà vẫn biết được sai sót để kịp thời sửa chữa

Nhiều mô hình, sáng kiến sau khi nghiên cứu, ứng dụng đã mang lại hiệu quả rõ rệt, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao chất lượng huấn luyện tại mỗi đơn vị.

Chủ động nghiên cứu, đầu tư

Xuất phát từ thực tế công tác huấn luyện cho cả lực lượng thường trực, dân quân tự vệ và dự bị động viên thời gian qua còn nhiều hạn chế, thao trường, bãi tập, vật chất bảo đảm cho huấn luyện còn bất cập, năm 2018 đại tá Nguyễn Quốc Duyệt, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh và các cộng sự đã nghiên cứu, thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ thông tin trong huấn luyện bắn súng và mô phỏng địa hình diễn tập cho lực lượng vũ trang tỉnh”. Điểm mới của đề tài là toàn bộ hệ thống được tương tác bằng hình ảnh 3D, tạo ra một trường bắn ảo, mô phỏng được toàn bộ âm thanh, hiện tượng giật của súng tương tự như khi bắn đạn thật. Địa hình cũng được mô phỏng như tình huống thật khi huấn luyện, diễn tập thông qua việc ứng dụng công nghệ tạo hiện trường. Đề tài đã được Quân khu đánh giá cao và cho phép triển khai, ứng dụng trong thực tế. Hiện nay, Bộ CHQS tỉnh đã đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng mô hình mô phỏng địa hình diễn tập, huấn luyện bằng phương pháp ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là bước đột phá trong công tác huấn luyện, cho phép diễn tập trong mọi điều kiện thời tiết, bảo đảm thời gian, tăng khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các lực lượng.

Nhiều lần trực tiếp chỉ đạo công tác huấn luyện cho lực lượng trên địa bàn, trung tá Nguyễn Văn Tuân, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng, Ban CHQS huyện Bình Giang nhận thấy việc sử dụng bia bắn bằng giấy dán trên mỗi tấm gỗ có nhiều hạn chế. Khi gặp trời mưa, gió, bia thường bị bong tróc, đổ gãy. Việc mang vác những tấm bia này ra thao trường cũng rất cồng kềnh, vất vả. Năm 2018, trung tá Tuân có sáng kiến thay bộ bia bắn cũ bằng bộ bia rút gọn. Bộ bia này được thiết kế rất nhỏ gọn bằng vải, dễ dàng kéo rút mỗi khi huấn luyện nên tiện mang vác, cơ động, phù hợp với mọi thời tiết trong huấn luyện. Chi phí làm bia loại này rẻ, có thể sử dụng lâu dài. Sáng kiến này đang được ứng dụng rộng rãi trong huấn luyện cho cả lực lượng thường trực và dân quân tự vệ toàn huyện.

Trong buổi kiểm tra chất lượng huấn luyện cho lực lượng dân quân tự vệ năm thứ nhất tại thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) đầu tháng 4 vừa qua, cán bộ làm công tác kiểm tra huấn luyện chỉ cần theo dõi ngay trên máy tính là có thể biết chính xác kết quả bắn súng của mỗi người mà không phải mất thời gian kiểm tra từng bia ngắm. Trung tá, Chỉ huy phó Ban CHQS huyện Kinh Môn Vũ Quang Khương cho biết đơn vị đã đầu tư hơn 40 triệu đồng mua hệ thống thiết bị bắn súng bộ binh. Thiết bị này được ghép nối với máy tính, sử dụng kỹ thuật mô phỏng dùng để luyện tập và đánh giá kết quả tập bắn súng tiểu liên AK. Việc đưa thiết bị này vào giúp người tham gia huấn luyện làm chủ được quá trình huấn luyện. Người tập không cần sử dụng đạn thật mà vẫn biết được những sai sót của mình để kịp thời sửa chữa rút kinh nghiệm. Người kiểm tra dễ dàng quan sát, theo dõi được đường ngắm trên bia và độ nghiêng mặt súng trong suốt quá trình người tập ngắm bắn. Hiện Ban CHQS huyện Kinh Môn đang ứng dụng rộng rãi thiết bị trong kiểm tra huấn luyện đối với lực lượng dân quân tự vệ.

Nâng cao chất lượng

Quan tâm đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh nghiên cứu sáng kiến cải tiến mô hình học cụ là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của toàn lực lượng thời gian qua.

Trung tá Nguyễn Đình Ngà, Phó Ban Tác huấn, Bộ CHQS tỉnh cho biết: “Hưởng ứng phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, từ thực tiễn huấn luyện của đơn vị, cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng đã tích cực tham gia nghiên cứu, cải tiến. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh có từ 8 - 10 mô hình, sáng kiến được nghiên cứu, cải tiến. Trong đó, nhiều mô hình được ứng dụng vào thực tiễn, phát huy hiệu quả trong công tác huấn luyện, nâng cao chất lượng huấn luyện cho lực lượng vũ trang địa phương"… Tại Bình Giang, năm 2018 đơn vị có mô hình “Bếp Hoàng Cầm phục vụ huấn luyện”, năm 2017 có mô hình “tạo giả tiếng nổ trong huấn luyện”… Các mô hình đều có tính thực tiễn cao, giúp tiết kiệm kinh phí và góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện của đơn vị.

Bằng nhiều giải pháp cụ thể, trong đó có việc nghiên cứu sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ, quan tâm đầu tư trang thiết bị phục vụ huấn luyện nên kết quả kiểm tra huấn luyện hằng năm của toàn lực lượng vũ trang tỉnh, tỷ lệ khá, giỏi luôn đạt từ 75% trở lên, không có đơn vị yếu kém. 

TRƯƠNG HÀ

(0) Bình luận
Sáng tạo trong huấn luyện