Sàng lọc đảng viên - không thể chần chừ

06/04/2019 06:29

Rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng.

Hồi tôi còn đi học THPT, nhiều trường có lớp chọn. Vào lớp chọn thường là học sinh ưu tú, được chọn qua kỳ thi tuyển riêng hoặc xét tuyển dựa trên kết quả thi vào THPT. Nhưng điều đó không có nghĩa học sinh vào lớp chọn rồi thì có thể được học ở lớp đó cho đến khi tốt nghiệp THPT.

Nguyên tắc của nhiều trường đối với lớp chọn là mỗi năm dựa trên thành tích học tập của học sinh sẽ đưa ra khỏi lớp những người có điểm số không đáp ứng yêu cầu. Vì thế số lượng học sinh đầu cấp và cuối cấp của lớp chọn chênh nhau tới hàng chục người. Cách làm này buộc học sinh lớp chọn phải thường xuyên cố gắng để không phải rời lớp với tâm lý xấu hổ vì bị loại. Đồng thời cũng để những lớp gọi là "lớp chọn" giữ được danh tiếng là nơi hội tụ học sinh ưu tú hơn lớp thường.

Sàng lọc, đưa ra khỏi tập thể, tổ chức những cá nhân không đáp ứng được yêu cầu là việc làm thường xuyên ở nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, thậm chí với cả một số hội nhóm tự phát. Gần đây, quan điểm cần loại bỏ tư tưởng "có vào không có ra" đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng thường xuyên được đề cập nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, đưa ra khỏi biên chế những người không đủ năng lực, sức khỏe, không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi mới đây Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 28 về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Với tư cách là một Đảng cầm quyền, từ lâu Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) thời gian qua đã minh chứng điều đó. 

Đúng như Chỉ thị 28 đã chỉ ra, công tác kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đảng viên thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tại Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vừa qua, nhiều đồng chí Bí thư cấp ủy huyện cũng thừa nhận có tình trạng để bảo đảm chỉ tiêu kết nạp đảng viên, có nơi đã phải "vận động" quần chúng vào Đảng hoặc sẵn sàng chọn người "hiền lành, ít khuyết điểm" thay vì tìm được quần chúng thực sự tiêu biểu, ưu tú để kết nạp vào Đảng. Hệ quả là nhiều người sau khi trở thành đảng viên đã không phát huy được vai trò tiền phong, gương mẫu, thậm chí có tình trạng đảng viên không hăng hái, không tiêu biểu bằng quần chúng. Có người vào Đảng với động cơ để "thăng quan, tiến chức", khi không đạt được mục đích thì quay lưng lại với Đảng. Tình trạng đảng viên khi nghỉ hưu không nộp hồ sơ chuyển sinh hoạt, tự động rời bỏ Đảng diễn ra ở nhiều nơi. Có đảng bộ cấp trên cơ sở trong 1 năm đã phải xóa tên 70 đảng viên với những biểu hiện như vậy. Một số trường hợp khác, tuy mang danh là đảng viên nhưng lại thường xuyên nói xấu Đảng, thể hiện sự nhạt phai lý tưởng, dao động, không tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Những đảng viên như vậy không xứng đáng đứng trong đội ngũ của Đảng.

Rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng là việc làm cần thiết để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng. Sàng và lọc như thế nào cần có tiêu chí và quy trình cụ thể, song cũng phải hết sức kiên quyết, tránh hình thức, tránh nể nang rốt cuộc không sàng, không lọc được ai. Cùng với sàng lọc đảng viên cũng phải làm cho tổ chức Đảng trở nên mạnh mẽ, hấp dẫn hơn đối với quần chúng, để mỗi người khi trở thành đảng viên luôn thấy tự hào, đồng thời phải hết mình phấn đấu vì không muốn phải ra khỏi Đảng trong nỗi ngượng ngùng.

HOÀI ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sàng lọc đảng viên - không thể chần chừ