Sản xuất vải thiều theo VietGAP sẽ cho sản phẩm chất lượng nhưng chi phí cao hơn. Do đó, đầu ra đang được nhiều nông dân quan tâm...
Vải trồng theo quy trình VietGAP đang chuẩn bị cho thu hoạch
Đề án "Xây dựng mô hình sản xuất vải thiều theo quy trình VietGAP" được thị xã Chí Linh triển khai thí điểm ở 2 xã, phường từ tháng 7 - 2012. Phường Bến Tắm có 18 hộ, diện tích 10 ha, xã Hoàng Hoa Thám có 10 hộ, với 10 ha.
Hào hứng với VietGAPKhi triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo đề án thị xã đã lựa chọn theo tiêu chí: vùng trồng vải phải bảo đảm yêu cầu không ô nhiễm đất, độ an toàn của đất, nước cao; các chủ vườn vải phải có diện tích rộng, có lao động và tâm huyết, kinh nghiệm trong trồng và chăm sóc vải. Các hộ làm thí điểm được đề án hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ông Đặng Xuân Tuấn, Phó trưởng phòng Kinh tế thị xã Chí Linh cho biết: "Mục đích là để tạo cho bà con thói quen chăm sóc vải theo quy trình khoa học, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và thu nhập".
Đến thôn Hố Sếu, xã Hoàng Hoa Thám, chúng tôi thấy những vườn vải chăm sóc theo kinh nghiệm truyền thống quả ra ít, nhỏ hơn, thậm chí nhiều cây còn không có quả trong khi ở những vườn vải làm theo quy trình VietGAP, vườn sạch sẽ, cây khỏe, đậu quả nhiều hơn. Ông Từ Thế Bình, Trưởng thôn Hố Sếu cho biết: "Trước đây, việc chăm sóc của người dân khá đơn giản và không tốn nhiều tiền, công chăm sóc, vì vậy sản lượng, chất lượng quả thấp. Sau khi áp dụng quy trình VietGAP tỷ lệ đậu quả khá cao, từ 50% - 70% giữa lúc nhiều nhà, nhiều nơi mất mùa". Ông Từ Thế Minh, chủ vườn vải chăm sóc theo quy trình VietGAP cho biết: "Chăm sóc theo quy trình này đòi hỏi rất chặt chẽ, tốn nhiều công và kinh phí. Chúng tôi phải thực hiện các bước từ đếm cây, đánh số, dọn vệ sinh vườn, quét vôi vào gốc cây, tỉa cành, phun thuốc, bón phân... Tất cả đều phải tuân thủ đúng quy trình và phải ghi chép nhật ký tỉ mỉ. Mặc dù tốn kém hơn nhưng bù lại vườn vải của gia đình tôi ra hoa, đậu quả nhiều hơn các vườn khác”. Vườn nhà ông Minh rộng 1 ha, với 154 cây vải, trong đó có hơn 100 cây vải ra hoa, đậu quả, dự kiến thu được trên 5 tấn vải.
Vườn vải theo tiêu chuẩn VietGAP của ông Nguyễn Xuân Hựu ở phường Bến Tắm (Chí Linh)
dự kiến cho thu hoạch 7-8 tấn quả
Phường Bến Tắm có 18 hộ tham gia VietGAP, trong đó có 17 hộ ở khu 2, 1 hộ ở khu trung tâm. Những hộ chăm sóc theo quy trình VietGAP ở đây cũng có tỷ lệ đậu quả cao hơn rất nhiều so với những hộ không theo VietGAP. Đến thăm vườn vải rộng 1 ha của gia đình ông Nguyễn Xuân Hựu, chúng tôi có cảm giác như đi trong công viên, bởi vườn vải được ông dọn vệ sinh thường xuyên nên khá sạch sẽ, thoáng mát. Ông Hựu cho biết: "Một trong những quy trình bắt buộc đó là vườn phải được vệ sinh, không để cành, lá vải mục, không để cỏ mọc tùm lum. Mỗi gốc cây phải được quét vôi để phòng nấm, bệnh xâm hại. Cây được cắt, tỉa cho thoáng, không để cành mọc quá cao. Trước đây, tôi cũng tích cực chăm sóc vườn nhưng không có kỹ thuật, làm theo cảm tính nên hiệu quả không cao". Ông Hựu dự tính năm nay sản lượng vườn vải của ông ước đạt 7 - 8 tấn.
Theo kế hoạch, năm 2013, thị xã tiếp tục tăng thêm 20 ha vải nữa ở 2 xã Bắc An, Lê Lợi triển khai đề án và nâng dần theo từng năm. Dự kiến đến 2015, đề án sẽ triển khai với tổng diện tích 100 ha.
Vẫn khó ở đầu raMặc dù còn khoảng 1 tháng nữa mới đến chính vụ thu hoạch vải nhưng ngay từ lúc này, việc tiêu thụ vải sản xuất theo VietGAP đang là nỗi trăn trở của các cơ quan quản lý và người trồng vải. Ông Đặng Xuân Tuấn, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã cho biết cho biết: “Chúng tôi sẽ hỗ trợ bà con trong việc cấp giấy chứng nhận, cấp bao bì, mẫu mã nhãn hiệu để đóng gói tiêu thụ quả vải. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào thị trường”. “Đây là vụ đầu tiên, vì vậy chúng tôi rất lo về thị trường tiêu thụ loại vải này. Mặc dù vải của chúng tôi sẽ đóng hộp, chứng nhận vải sạch nhưng tiêu thụ ở đâu? Ai đứng ra mua? Còn nếu bán cho tư thương sẽ lại bị ép giá như các loại vải khác thôi. Lúc đó, chúng tôi sẽ thiệt nhiều”, anh Lê Quý Thuận, chủ vườn vải chăm sóc theo quy trình VietGAP ở khu 2 phường Bến Tắm nói.
Ông Nguyễn Xuân Hựu ở phường Bến Tắm cũng cho biết thêm: Trên Bắc Giang người ta thực hiện VietGAP từ mấy năm nay nên đã có thị trường ổn định, giá vải sạch theo quy trình VietGAP của họ lúc nào cũng cao hơn vải thường 7 - 8 giá, có như vậy người chăm sóc vải theo quy trình VietGAP mới có thu nhập cao và kích thích các hộ trồng vải khác làm theo. Còn ở Chí Linh mới thí điểm được 20 ha, trong khi đó chưa có thị trường tiêu thụ. Nếu các cấp chính quyền chưa có giải pháp đầu ra cho vải sạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì những người trồng vải sạch sẽ không thể cạnh tranh với vải thường được. Vì vải thường, người dân ít đầu tư chăm sóc, trong khi vải trồng theo VietGAP chăm sóc tỉ mỉ với chi phí cao gấp 3 - 5 lần.
Cách làm của tỉnh Bắc Giang cần được Chí Linh tham khảo, rút kinh nghiệm. Hiện nay, huyện Thanh Hà cũng đang tích cực tìm đầu ra cho vải thiều. Các phòng chức năng ở thị xã Chí Linh cần năng động hơn để tìm kênh tiêu thụ cho nông dân, có thể phối hợp với huyện Thanh Hà trong khâu giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm hoặc chủ động liên hệ với các siêu thị, các doanh nghiệp kinh doanh nông sản trong và ngoài tỉnh.
VIỆT CƯỜNG