Các nhà khoa học Malaysia đang khai thác các nguồn vật liệu sinh học nhằm sản xuất các sản phẩm nhưpin dùng cho xe chạy điện.
Các nhà khoa học phát hiện thấy rằng, tre, xơ dừa và vỏ quả sầu riêng có thể được biến thành các dạng carbon hoạt hóa dùng để chế tạo pin điện, được gọi là các "tụ điện có chất lượng siêu hạng".
Carbon hoạt hóa thông thường được làm từ than đá, nhưng giờ đây, các nhà nghiên cứu khẳng định rằng chúng có thể được làm từ các nguồn nguyên liệu thay thế sẵn có trong thiên nhiên.
Giáo sư Dino Isa thuộc Trường Đại học Nottingham Malaysia Campus (UNMC) chủ trì dự án chế tạo pin bằng hoa quả nhiệt đới, cho biết một khi các sản phẩm thiên nhiên được dùng để biến thành carbon hoạt hóa thì việc trồng trọt và thu hoạch các loại sản phẩm này sẽ trở thành một nghề, giúp làm tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân sống tại các vùng nông thôn.
Theo các nhà nghiên cứu, nguồn hoa quả nhiệt đới dồi dào của Malaysia sẽ cho phép nước này có đủ nguồn nguyên liệu thân thiện với môi trường để chế tạo các bộ phận cấu thành của bộ pin điện, đồng thời giúp giảm chi phí sản xuất tới 30%. Một số loại hoa quả nhiệt đới được coi là nguyên liệu tuyệt vời để chế tạo các tụ điện siêu hạng vì chúng có độ xốp cao, giúp tăng cường khả năng tích điện.
Các nhà nghiên cứu Malaysia còn dự định sử dụng loại nguyên liệu thay thế mới này để chế tạo các loại tụ điện đa mục đích, chẳng hạn như để tích điện cho các nhà máy điện dùng sức gió và sóng biển, cửa thoát hiểm trên máy bay và pin điện thoại di động.
Các nhà khoa học Malaysia khẳng định rằng đây là một dự án đầy tiềm năng và chắc chắn, trong tương lai, nhiều công trình nghiên cứu sẽ công bố những ứng dụng mới hoặc việc sử dụng nhiều loại cây cỏ nhiệt đới ở nước này để phục vụ các mục đích phát triển công nghệ.
Hồi tháng trước UNMC đã phối hợp với Công ty Shaz mở một nhà máy thí điểm sản xuất tụ điện "xanh" và hy vọng sẽ có một nhà máy sản xuất với khối lượng lớn trong năm năm tới tại Malaysia.
(Nguồn: TTXVN)