Năm 2019, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước lùi do dịch bệnh và thời tiết bất thuận...
Mặc dù ngành chăn nuôi gặp khó nhưng vẫn có điểm sáng là tăng trưởng nhanh của đàn gia cầm
Năm 2019, sản xuất nông nghiệp của tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn như vải thiều mất mùa, dịch tả lợn châu Phi hoành hành... Mặc dù vậy, các sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ tốt phần nào giảm bớt gam màu tối trong bức tranh chung.
Dịch bệnh, mất mùa
Anh Nguyễn Học ở thôn Ngọc Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại thời điểm “cơn bão” dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) càn quét qua trang trại. Hơn chục năm gắn bó với chăn nuôi, từng chứng kiến nhiều loại dịch bệnh nhưng anh chưa thấy bệnh nào có tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ lợn chết cao đến vậy.
DTLCP đã làm hơn 1.000 con lợn của trang trại phải tiêu hủy. Dù đã được tỉnh hỗ trợ 4,7 tỷ đồng, trang trại của anh Học vẫn bị lỗ hơn 2 tỷ đồng. Để sớm khôi phục lại chăn nuôi, anh Học đã đặt mua 150 con lợn nái ở miền Nam để tái đàn.
“Mặc dù rất lo lắng bệnh dịch có thể quay trở lại nhưng vì kế sinh nhai và khoản nợ trước mắt tôi vẫn cố làm. Nếu chăn nuôi thuận lợi thì cũng phải mất hơn 1 năm trang trại mới có thể khôi phục được quy mô như trước”, anh Học nói.
Năm 2019 được đánh dấu là năm đại dịch lịch sử trên đàn lợn. Tại Hải Dương, ngày 1.3.2019, DTLCP xuất hiện tại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở phường Hiến Thành (Kinh Môn). Sau đó, liên tiếp nhiều địa phương công bố dịch bệnh. Cao điểm có ngày phải tiêu hủy hơn 4.000 con lợn.
Không lâu sau đó, bệnh dịch đã lan ra 255 xã, phường, thị trấn của tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố. Đã có 391.826 con lợn phải tiêu hủy với tổng trọng lượng hơn 23.331 tấn. Ước tính số tiền Nhà nước hỗ trợ các hộ bị thiệt hại do bệnh DTLCP và chi cho công tác phòng chống dịch lên tới hơn 900 tỷ đồng.
DTLCP còn kéo theo nhiều hệ lụy khác, nhất là cuộc khủng hoảng thịt lợn. Dịch bệnh đã làm hơn một nửa tổng đàn lợn bị tiêu hủy. Đến nay, toàn tỉnh chỉ còn 220.000 con lợn, giảm 54,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn cung khan hiếm do dịch bệnh đã đẩy giá thịt lợn lên cao. Hiện tại, giá thịt lợn ngoài chợ lên tới 170.000 - 180.000 đồng/kg trong bối cảnh Tết Canh Tý cận kề.
Không chỉ khó khăn trong chăn nuôi, năm 2019, thời tiết diễn biến thất thường đã tác động không tốt cho quá trình sinh trưởng của cây trồng. Do vụ đông xuân ấm, ít rét nên chỉ có rau ăn lá phát triển tốt, còn các loại cây có củ như hành tỏi, khoai tây, cà rốt... năng suất đều giảm. Vụ lúa xuân cũng chật vật vì sâu bệnh, năng suất chỉ đạt gần 63 tạ/ha, thấp hơn 4,3 tạ/ha so với năm trước kéo theo sản lượng thóc cả năm chỉ đạt 685.715 tấn, giảm 16.830 tấn.
Vải thiều - một nông sản quan trọng của tỉnh cũng bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Nền nhiệt cao làm cho cây vải khó phân hóa mầm hoa, tỷ lệ ra hoa chỉ đạt từ 30-40%. Sản lượng vải toàn tỉnh chỉ đạt khoảng 24.445 tấn, giảm 41.699 tấn so với năm 2018.
Giá trị sản xuất cây vụ đông tăng 55 tỷ đồng so với năm 2018
Chất lượng bù sản lượng
Năm 2019, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước lùi khi giá trị nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ đạt 17.949 tỷ đồng, giảm 1,9% so với năm trước. Tuy một số lĩnh vực sản lượng giảm mạnh nhưng do nâng cao chất lượng và thực hiện tốt khâu tiêu thụ nên giá trị sản xuất được duy trì tương đối ổn định, điển hình là trồng trọt.
Do chú trọng chất lượng sản phẩm nên giá trị trồng trọt không có biến động lớn, vẫn là gam màu sáng góp phần bù đắp thiệt hại do dịch bệnh gây ra đối với lĩnh vực chăn nuôi.
Trong năm qua, ở nhiều nơi nông dân đã chuyển từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, canh tác tự phát sang sản xuất tập trung, áp dụng theo quy trình tiên tiến. Không chỉ quan tâm tới sản xuất sạch, nông dân còn tiếp cận với công nghệ, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Toàn tỉnh có hơn 1.000 ha cây ăn quả, hơn 100 ha rau màu được cấp giấy chứng nhận VietGAP, cấp 25 bộ mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Các vùng trồng cà chua theo hướng hàng hóa, tập trung (Nam Sách, TP Hải Dương), hành tỏi (Nam Sách, thị xã Kinh Môn), su hào (Gia Lộc, Tứ Kỳ), cà rốt (Cẩm Giàng, Nam Sách)... được hình thành rõ nét, tạo ra các sản phẩm đồng đều về mẫu mã, chất lượng, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhờ vậy, sản lượng cây trồng có giảm nhưng giá trị vẫn đạt cao. So với năm 2018, giá trị sản xuất cây vụ đông đạt 2.872 tỷ đồng, tăng 55 tỷ đồng; thu hoạch từ cây vải đạt hơn 720 tỷ đồng, tăng hơn 243 tỷ đồng.
Mặc dù ngành chăn nuôi gặp khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng là mức tăng trưởng nhanh của đàn gia cầm. Sau khi phần lớn đàn lợn của tỉnh bị tiêu hủy, nhiều trang trại, gia trại đã chuyển hướng sang nuôi gia cầm.
Năm 2019, đàn gia cầm đạt 12,9 triệu con, tăng 7,9% so với năm trước. Riêng đàn gà đạt 9,9 triệu con, tăng 8%. Cuộc khủng hoảng thiếu thịt lợn đã đẩy giá gia cầm tăng. Hiện giá gà đã vượt ngưỡng 90.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi gà thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng/1.000 con gà thịt.
Toàn tỉnh hiện có 12.180 ha ao nuôi cá thịt, tăng 20 ha so với cùng kỳ năm trước và gần 6.200 lồng nuôi cá trên sông, tăng 2.000 lồng. Năng suất cá trung bình đạt 65 tạ/ha/năm, cao hơn 1tạ/ha... Nhiều hộ chuyển từ nuôi bán thâm canh sang nuôi thâm canh, áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong quá trình nuôi nên năng suất và chất lượng cá tăng nhiều so với năm trước.
TRẦN HIỀN - NGUYỄN MƠ