Để đưa những kẻ phạm tội đang lẩn trốn ra ánh sáng, các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC 52 - Công an tỉnh) đối mặt với nhiều hiểm nguy...
Các đối tượng truy nã bị dẫn giải về trụ sở Công an tỉnh
Hành trình truy bắtTrong một năm, mỗi chiến sĩ PC 52 phải tham gia rất nhiều chuyến đi “săn” tội phạm truy nã, mỗi chuyến đi đều có những kỷ niệm, cảm xúc rất đặc biệt. Chuyến công tác vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, bắt các đối tượng truy nã đang lẩn trốn tại các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên hồi đầu năm 2014 là một trong những lần như thế.
Thượng tá Đặng Văn Đạm, Phó Trưởng phòng PC 52 kể: Hôm ấy là ngày 4-1. Các chiến sĩ trong đội nhận nhiệm vụ vào khu vực các đối tượng đang lẩn trốn để truy bắt, di lý về đơn vị. Trải qua một hành trình dài từ Bắc vào Nam, nhưng các chiến sĩ không dám nghỉ, bởi chỉ cần một chút lơ là là đối tượng có thể tiếp tục bỏ trốn gây khó khăn cho việc xác minh thông tin. Nghe ở đâu có manh mối là các chiến sĩ lại lên đường, nhiều hôm còn chẳng kịp ăn uống đã phải đi gần trăm cây số để xác minh thông tin mới...
Trong chuyến công tác ấy, việc bắt giữ đối tượng Nguyễn Đức Ngọc (sinh năm 1981, ở thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng, Thanh Miện) để lại nhiều cảm xúc trong các chiến sĩ. Ngọc từng bị truy tố về tội "cưỡng đoạt tài sản". Trong khi được tại ngoại để bổ sung điều tra, y đã trốn khỏi nơi cư trú. Suốt gần 16 năm lẩn trốn, mọi thông tin của các lực lượng chức năng về Ngọc rất ít, chưa đủ để xác minh. Chính vì vậy, ngay sau khi nắm bắt được thông tin có thể Ngọc đã sinh sống, làm việc tại thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) với tên mới là Giang Minh Kha (sinh năm 1977), để tránh "rút dây động rừng", các chiến sĩ phải lân la hỏi chuyện bà con ở khu vực gần nhà đối tượng, tìm hiểu về hoàn cảnh hiện tại để đưa ra phương án bắt giữ an toàn, hiệu quả nhất. Ngọc hiện là công nhân ngành điện và đang làm việc tại nơi cách nhà tới 30 cây số, phải chờ tới lúc Ngọc đi làm về các anh mới có thể tiến hành các thủ tục bắt giữ y. Điều làm các chiến sĩ bối rối nhất chính là bắt Ngọc khi hắn đã xây dựng gia đình với một cô gái địa phương, có hai cậu con trai. Nếu như không có sai lầm năm xưa, có lẽ Ngọc sẽ là một công dân, một người chồng, người cha tốt. Chị N.T.N và 2 cậu con trai cũng chưa bao giờ có thể tưởng tượng Ngọc lại chính là tội phạm đang trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Nhìn những đứa trẻ còn ngơ ngác chưa kịp hiểu sự việc thì bố đã phải theo các chú công an ra Bắc để chịu án mà lòng các anh thêm trĩu nặng.
Trong vụ bắt Phạm Công Huỳnh (sinh năm 1987, ở xã Quốc Tuấn, Nam Sách) bị truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các anh cũng mất nhiều thời gian, công sức. Sau khi gây án, Huỳnh bỏ trốn vào Bình Dương, rồi dạt về An Giang. Do lượng thông tin về đối tượng rất ít, việc xác minh của các anh gặp nhiều khó khăn hơn. Nhiều thông tin cung cấp không chính xác nên các anh phải tìm hiểu ở nhiều địa chỉ, mất nhiều thời gian. Tại đây, qua các nguồn tin các chiến sĩ cũng đã biết Huỳnh đang cặp kè với một cô gái sinh năm 1992. Chính vì điều này, cả đội lại phải hoãn việc bắt Huỳnh để bảo đảm sự an toàn cho cô gái. Các anh đã mất nhiều thời gian để theo dõi, nắm được lịch trình của y, lên phương án tóm gọn khi Huỳnh không kịp trở tay mà vẫn bảo đảm an toàn cho mọi người.
Chuyến đi ấy nhiệm vụ bắt và di lý 6 đối tượng đang có lệnh truy nã về địa phương phục vụ công tác điều tra và thi hành án của các anh đã hoàn thành xuất sắc.
Những khó khăn, nguy hiểm“Với một số nghề, nếu làm sai có thể làm lại, nhưng với công việc của cảnh sát, nhất là của PC 52 thì không được phép làm lại. Khi phát hiện đối tượng, chúng tôi phải tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể để tiến hành bắt giữ, chỉ cần một chút sơ sẩy là có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân, của chính các chiến sĩ và đối tượng có thể lại bỏ trốn”, Thượng tá Đặng Văn Đạm, Phó Trưởng phòng PC 52 chia sẻ. Chỉ tính riêng trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Giáp Ngọ 2014, Phòng PC 52 đã phối hợp với các đơn vị bắt, vận động đầu thú 36 đối tượng truy nã, trong đó 12 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm.
Với đặc thù nhiệm vụ truy bắt các đối tượng gây án bỏ trốn, trong đó có nhiều đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, cảnh sát truy nã tội phạm luôn phải đối mặt với những khó khăn, hiểm nguy. Nhiều trường hợp đối tượng truy nã khi bị phát hiện cố tình chống trả người thi hành công vụ để tìm cách thoát thân. Đối tượng phạm tội đặc biệt nguy hiểm thường xuyên mang vũ khí "nóng" trong người, sẵn sàng đáp trả lực lượng vây bắt để tìm cách bỏ trốn. Cũng có nhiều trường hợp, khi thực hiện nhiệm vụ, người nhà của đối tượng còn tìm cách gây chuyện với chiến sĩ, gọi bà con hàng xóm tạo vòng vây các chiến sĩ để đối tượng có cơ hội bỏ trốn… Một khó khăn nữa với các chiến sĩ PC 52 là các anh phải sẵn sàng chiến đấu trong mọi hoàn cảnh, ở mọi địa hình vì đối tượng thường lẩn trốn ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, địa hình phức tạp. Mỗi chiến sĩ PC 52 luôn phải là những người có ý chí, kiên trì đấu tranh với các đối tượng.
Việc tiếp cận, bắt giữ các tội phạm truy nã đã khó, di lý đưa họ về địa phương an toàn cũng là một thách thức. Hầu hết các chuyến đi bắt tội phạm đều di chuyển bằng các phương tiện giao thông công cộng, nên vừa phải bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, vừa phải giữ an toàn cho mọi người cùng đi trên đó. Các chiến sĩ còn phải làm công tác tư tưởng, chuyện trò để các đối tượng bỏ hẳn ý định chạy trốn, chấp nhận về chịu án. Ăn cơm cùng suất, nghỉ cùng buồng với các đối tượng truy nã trong các chuyến đánh án không còn là lạ với các chiến sĩ phòng PC 52.
Để hoàn thành nhiệm vụ, các anh luôn nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ các đồng đội ở khắp các địa phương, đặc biệt là sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân trong cung cấp, xác minh thông tin về các đối tượng.
Trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự, bắt và vận động đối tượng truy nã là lĩnh vực khó khăn, nguy hiểm và nhiều thách thức. Nhưng với các chiến sĩ PC 52 Công an tỉnh, mỗi đối tượng truy nã bị bắt giữ sớm một giờ sẽ góp thêm một giờ bình yên cho người dân, vì vậy dù nhiệm vụ có khó khăn tới đâu, các anh đều hoàn thành.
THANH HOA