Bác sĩ Thắng đã 7 lần tham gia hiến máu. Lần gần đây nhất, những giọt máu đào của anh và đồng nghiệp đã cứu một sản phụ qua cơn nguy kịch...
Bác sĩ Phạm Quyết Thắng (trái) hướng dẫn người nhà sản phụ chăm sóc trẻ sơ sinh
“Cởi mở, nhiệt tình” là ấn tượng chung của nhiều bệnh nhân, sản phụ khi tiếp xúc với bác sĩ Phạm Quyết Thắng ở Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ. Không chỉ tận tụy với công việc, bác sĩ Thắng còn là đoàn viên trẻ xung kích trong mọi phong trào của bệnh viện, đặc biệt là phong trào hiến máu tình nguyện. Anh Thắng đã 7 lần tham gia hiến máu. Lần gần đây nhất, những giọt máu đào của anh và đồng nghiệp đã cứu một sản phụ qua cơn nguy kịch sau khi mổ lấy thai.
Anh Thắng sinh năm 1985 tại xã An Thanh (Tứ Kỳ). Nối nghiệp cha làm nghề y, tốt nghiệp THPT, anh Thắng thi vào Trường Đại học Y Hải Phòng và theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa. Khi còn là sinh viên, hầu như năm học nào anh cũng tham gia các đợt hiến máu tình nguyện do Đoàn trường phát động. Thắng bảo: “Mình là sinh viên ngành y, biết rõ việc hiến máu không ảnh hưởng gì tới sức khỏe, nên khi Đoàn phát động là tham gia ngay. Mỗi lần đi hiến máu là một lần cảm thấy vui vì hành động của mình có thể góp phần cứu sống nhiều người bệnh”. Năm 2010, khi tốt nghiệp đại học, về công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ, anh tích cực tham gia hiến máu. Do điều kiện bệnh viện tuyến huyện không thể dự trữ máu cứu người bệnh, từ năm 2011, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Tứ Kỳ phát động các y, bác sĩ làm “những ngân hàng máu sống” để cứu bệnh nhân khi cần thiết. Đội thanh niên xung kích tình nguyện hiến máu của bệnh viện được thành lập. Bác sĩ Thắng là một trong 11 đoàn viên đầu tiên đăng ký tham gia. Bác sĩ Phạm Văn Sang, Giám đốc Bệnh viện cho biết: "Y, bác sĩ tham gia đội thanh niên xung kích tình nguyện hiến máu phải đăng ký thông tin về nhóm máu, số điện thoại với lãnh đạo bệnh viện. Trong những trường hợp khẩn cấp, không huy động được máu từ các nguồn khác, bệnh viện sẽ phải huy động nguồn máu từ ngân hàng máu sống này. Bởi vậy khi có yêu cầu, dù là giữa đêm khuya, họ vẫn phải có mặt để hiến máu cứu người”.
Trường hợp của sản phụ Đặng Thị Thu Hải hôm 5-5 vừa qua là một trong những tình huống như thế. Chị Hải quê ở xã An Thanh (Tứ Kỳ), nhập viện khi có dấu hiệu chuyển dạ. Đây là lần thứ hai chị Hải sinh con. Lần sinh trước, chị đã phải mổ đẻ nên lần này các bác sĩ tiếp tục chỉ định mổ lấy thai. Sau phẫu thuật, chị Hải có biểu hiện đờ tử cung, máu chảy nhiều. Bác sĩ Thắng và kíp trực đã tiêm thuốc cầm máu, thuốc tăng co tử cung, song máu vẫn chảy. Lúc ấy đã nửa đêm, tình hình rất nguy cấp. Dù chưa hết căng thẳng vì trực tiếp mổ cho sản phụ, bác sĩ Thắng vẫn cùng 3 đồng nghiệp khác trong bệnh viện hiến mỗi người một đơn vị máu để cứu chị Hải. Hành động ấy đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với sản phụ và người nhà của chị.
Nhắc lại câu chuyện này, bác sĩ Thắng chỉ cười: “Chuyện có gì đâu chị, tính mạng con người là quan trọng, nếu cần phải hiến máu để cứu sống bệnh nhân, những thầy thuốc như chúng tôi luôn sẵn sàng”. Tôi băn khoăn: "Một bác sĩ trẻ như anh mà có tới 7 lần hiến máu, đâu phải chuyện thường?". "Anh lại cười: "Thực ra tôi cũng không nhớ rõ mình đã hiến máu bao nhiêu lần nhưng đây là lần đầu tiên tôi trực tiếp hiến máu cứu sản phụ". "Có gì khác nhau giữa các lần hiến máu đó không?". "Khác nhiều chứ chị! Khi còn là sinh viên, tôi chỉ nghĩ đơn giản: mình hiến máu tình nguyện vì cộng đồng theo tinh thần “đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” thôi. Nhưng nay thì khác, đối mặt với những ca bệnh khó, chứng kiến người bệnh ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết, tôi mới hiểu những giọt máu cho bệnh nhân lúc này đáng quý biết chừng nào. Những lúc ấy, trong tôi chỉ có một ý nghĩ duy nhất “hiến bao nhiêu máu không quan trọng, quan trọng là có thể cứu sống bệnh nhân”.
Noi gương Bác Hồ, “hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, bác sĩ Thắng luôn tích cực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Được cơ quan tạo điều kiện, anh Thắng tiếp tục học chuyên sâu về sản khoa. Trong công việc, anh luôn thực hiện tốt quy tắc ứng xử với người bệnh, với đồng nghiệp và nội quy, quy chế cơ quan, quy định của ngành. Anh Thắng vừa được bầu làm Bí thư Chi đoàn bệnh viện và bầu vào Ban chấp hành Huyện đoàn Tứ Kỳ. Anh Thắng cho biết sẽ tiếp tục phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ bệnh viện trong các hoạt động tình nguyện. Không chỉ hiến máu nhân đạo, khi có điều kiện, chi đoàn sẽ tổ chức đội thanh niên tình nguyện tham gia khám bệnh miễn phí cho người nghèo ở các xã xa trung tâm huyện. Bằng những việc làm cụ thể của mình, bác sĩ Thắng đã tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân của Bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ.
THANH MAI