Săn lùng kim cương

19/08/2013 09:20

Ấn Độ đang ôm mộng trở thành cường quốc kim cương mới của thế giới, sau khi nghiên cứu mới cho thấy cả kho tàng đá quý có thể đang nằm sâu trong lòng đất.

Canada, Nga và miền nam châu Phi hiện cùng nhau thống trị thị trường kim cương của thế giới. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giới địa chất học đang nổi lên cuộc tranh cãi về sự tồn tại của những mỏ kim cương quý với khối lượng lớn ở vùng đông nam Ấn Độ. Mới đây, báo cáo mới của Viện Nghiên cứu địa vật lý quốc gia tại Hyderabad, cho thấy các khu vực đông nam của nước này trên thực tế tập hợp đủ điều kiện để hình thành các mỏ kim cương với trữ lượng lớn. Theo chuyên san Lithosphere, kim cương tượng hình bên trong lớp phủ, hay còn gọi là quyển manti của trái đất và được đưa lên bề mặt cùng với hoạt động phun trào dung nham của núi lửa, trộn lẫn với đá núi lửa gọi là kimberlite và lamproite. Được biết, đội ngũ chuyên gia Ấn Độ đã tình cờ phát hiện được những loại đá trên trong lúc triển khai một dự án khảo sát địa chất.

Săn lùng kim cương

Kim cương trắng nặng 507,55 carat ở mỏ Cullinan (Nam Phi) - Ảnh: Petra Diamonds

Trưởng nhóm Subrata Das Sharma cho hay thay vì khảo sát cả một vùng rộng lớn để tìm đá chứa kim cương, nhóm của ông quyết định vận dụng nhiều phương pháp khác nhau nhằm tìm kiếm những điều kiện cần thiết để kim cương hình thành bên trong lớp phủ, sau đó mới kiểm tra những vùng có nhiều khả năng nhất. Các điều kiện để kim cương hình thành bao gồm yếu tố nhiệt độ và áp suất cực cao, thường chỉ xuất hiện ở những điểm sâu nhất của thạch quyển trái đất, tức khu vực bao gồm cả phần vỏ lẫn lớp phủ rắn bên trên. Không có nhiệt độ và áp suất ở độ sâu cần thiết, carbon chỉ trở thành một dạng đá graphite chẳng mấy giá trị. Tầng thạch quyển có độ dày không đồng nhất trên toàn hành tinh, và không phải lúc nào cũng đủ sâu để thỏa mãn điều kiện cần thiết cho kim cương phát triển. Chuyên gia Das Sharma và nhóm của ông tìm cách đo độ dày của thạch quyển bên dưới Ấn Độ, bằng cách rà soát dữ liệu địa chất đã được thu thập sau những cơn địa chấn gần đây.

Các cuộc nghiên cứu trước vốn dựa trên dữ liệu địa chất cho rằng vùng đông nam Ấn Độ nằm trên lớp mỏng của thạch quyển. Nhưng đội của Das Sharma đã tiến hành phân tích lại những dữ liệu liên quan bằng nhiều phương pháp khác nhau và phát hiện một tín hiệu cho thấy từ quyển đạt đủ độ sâu cho kim cương hình thành. Họ cũng kiểm tra các phương pháp phân tích kết cấu hóa chất của những tảng đá trên bề mặt nhằm xác nhận điều kiện nhiệt độ và áp suất lý tưởng cho kim cương xuất hiện. Tổng cộng, các nhà nghiên cứu đã khảo sát một khu vực có diện tích khoảng 200.000 km2 dọc theo vùng đông nam Ấn Độ, hứa hẹn có nhiều đá chứa kim cương.

Trong khi nhóm Ấn Độ vận dụng những phương pháp được đánh giá là có chi phí thấp mà thu kết quả khá nhanh chóng, các nhà địa chất học ở nơi khác cũng phát triển những biện pháp truy tìm hiệu quả các mỏ kim cương. Chẳng hạn, một số dùng thiết bị điện từ để xác định những khu vực giàu carbon bên trong lớp phủ, trong khi những người khác nhờ cậy các phương pháp hình ảnh địa chấn để vẽ nên các ranh giới vật lý bên trong lớp này. Dù vậy, cuộc nghiên cứu mới đã cung cấp những biện pháp hữu hiệu và giá rẻ cho các cuộc khảo sát kim cương trong tương lai, mở ra hướng đi mới cho ngành khai khoáng loại đá quý này trên thế giới.

Hạo Nhiên (Thanh niên)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Săn lùng kim cương