Sắn dây Kinh Môn cần thương hiệu

29/11/2013 05:46

Sắn dây ở Kinh Môn được trồng từ lâu. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, nông dân mới quan tâm đầu tư, mở rộng diện tích trồng loại cây này.



Sắn dây Kinh Môn khi được xây dựng thương hiệu sẽ giúp người dân ý thức hơn trong việc
 nâng cao trình độ thâm canh, tăng năng suất và thu nhập.
Ảnh: Ninh Hải

Hơn ai hết, họ rất mong muốn sản phẩm có thương hiệu để mang lại hiệu quả kinh tế cao và sản xuất bền vững.

Hiệu quả cao

Toàn huyện Kinh Môn hiện có gần 450 ha sắn dây. Đây là loại cây ưa đất đồi, đất cát, rất phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện tự nhiên của huyện. Xã Thượng Quận có hơn 1.800 hộ thì hơn 80% hộ trồng loại cây này. Đến thăm gia đình ông Đỗ Xuân Phương ở thôn Quế Lĩnh, chúng tôi thấy những ụ sắn cao ngất, dàn sắn xanh mướt một màu. Ông Phương cho biết: "Tôi trồng sắn dây được hơn 20 năm, năm nào cũng trồng hơn 100 ụ ở cả trong vườn và ngoài bãi sông. Từ năm ngoái tôi trồng 180 ụ với diện tích 8 sào. Mỗi năm thu được 8 -9 tấn củ, trừ chi phí thu lãi gần 50 triệu đồng". Theo kinh nghiệm của người dân thôn Quế Lĩnh, muốn  sắn to củ, nhiều bột thì khi trồng chân ụ phải được đào sâu 30-40 cm, ụ đắp cao từ 1,2-1,5 m hình chóp cụt. Sau đó bón phân vào ụ, phải bảo đảm đất tơi xốp, nếu đất thịt nhiều quá sẽ làm sắn bị nghẹt rễ không phát triển củ, vì thế phải bổ sung thêm cát.

An Phụ cũng là một trong những xã trồng nhiều sắn dây ở Kinh Môn. Ngoài việc bán sắn dây tươi ngay sau thu hoạch với giá 9 - 10 nghìn đồng/ kg, nông dân còn làm bột sắn bán với giá từ 90-110 nghìn đồng/kg. Từ lâu, trồng sắn dây cũng được coi là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân xã An Phụ. Anh Mạc Vi Bình ở thôn Huề Trì cho biết: "Tôi trồng 5 sào sắn dây, mỗi sào trồng 15 ụ. Bình quân, mỗi năm thu được 5 tấn củ, trừ chi phí, tôi thu được khoảng 20 triệu đồng. Vào vụ thu hoạch, tôi thuê thêm vài người để phụ giúp. Do trồng đất cát pha nên thu hoạch không vất vả lắm. Sắn dây được bán tại ruộng cho các thương lái đưa đi tiêu thụ ở Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh".

Ngoài việc trồng sắn dây ở ruộng, nông dân còn tận dụng những khoảng đất bỏ hoang ngoài đê, trồng trong vườn nhà hoặc đồng chiêm trũng, cấy lúa hiệu quả thấp. Trước đây, nông dân trồng sắn dây một năm mới thu hoạch 1 lần, nhưng nay chỉ 7 tháng là đã thu hoạch, các tháng còn lại trong năm có thể trồng rau màu khác xen canh, gối vụ, tăng thêm thu nhập.

Cần hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây sắn dây, năm 2012 UBND huyện Kinh Môn đã xây dựng mô hình sản xuất sắn dây quy mô 2 ha ở các xã An Phụ và Thượng Quận. Đến nay, mô hình đang phát triển tốt, 24 hộ tham gia đều được hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật thâm canh sắn dây năng suất, chất lượng. Ông Nguyễn Văn Quý, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Kinh Môn cho biết: "Nói đến Kinh Môn, nhiều người nghĩ ngay đến nếp cái hoa vàng và sắn dây. Đây được coi là 2 đặc sản của vùng đất Kinh Môn. Vì thế, thời gian tới trạm tiếp tục phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu với lãnh đạo huyện nhân rộng mô hình trồng sắn dây theo hướng tập trung, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa hiệu quả, đẩy nhanh quá trình xây dựng thương hiệu sắn dây Kinh Môn".

Chính quyền địa phương cũng rất mong mỏi sắn dây có thương hiệu. Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Thượng Quận cho biết: "Từ nay đến năm  2015, xã tiếp tục chỉ đạo, khuyến khích nông dân mở rộng vùng sản xuất sắn dây với quy mô hơn 100 ha, thay thế diện tích trồng lúa bấp bênh. Đề nghị UBND huyện và các cơ quan chức năng quan tâm đầu tư, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu cho sắn dây Kinh Môn. Qua đó, bảo vệ quyền lợi cho nông dân, tạo điều kiện để cây sắn dây phát triển theo hướng bền vững".

Hiện nay, sắn dây Kinh Môn đang bắt đầu cho thu hoạch, bán tại ruộng với giá từ 9 - 11 nghìn đồng/kg. Cuối tháng 12 sẽ cho thu hoạch rộ. Năm nay, năng suất ước đạt 1,2-1,5 tấn/sào, cao hơn năm trước 1-1,5 tạ/sào. Để sắn dây phát triển bền vững, có thương hiệu, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật, giúp nông dân sản xuất hiệu quả. Nhiều năm trở lại đây người dân không phải lo lắng về đầu ra cho sản phẩm, do tư thương đến tận nơi mua, tuy nhiên về lâu dài sắn dây Kinh Môn rất cần cơ sở, nhà máy chế biến tinh bột sắn để tiêu thụ nguyên liệu tại chỗ.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sắn dây Kinh Môn cần thương hiệu