Thời gian qua, Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam không chỉ tạo sân chơi bổ ích cho những người chơi lan rừng trong tỉnh mà còn tổ chức được nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa.
Các thành viên Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam trao đổi kinh nghiệm chơi hoa lan
Kết nối đam mê
Vốn yêu thích hoa lan từ nhỏ nhưng chị Phạm Thanh Hà ở xã An Thanh (Tứ Kỳ) lại chưa có cơ hội để tìm hiểu sâu về hoa lan. Cách đây 4 năm, tình cờ trong lần ghé thăm vườn lan của một người bạn, chị Hà thực sự bị cuốn hút bởi vẻ đẹp từ màu sắc cho đến kiểu dáng của loài hoa này. Từ đó, chị quyết tâm tìm mua một số cây về trồng, ghép thử nghiệm. Do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây thường bị úng nước, thối rễ rồi chết. Thông qua Facebook, giữa năm 2016, chị Hà biết đến và tham gia vào Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam. Từ đó, chị Hà có thêm nhiều người bạn, người thầy để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chơi lan rừng. "Lan rừng dễ trồng nhưng phải chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo. Khó nhất là giai đoạn mới trồng vì cây chưa ra rễ và chưa thích nghi với điều kiện thời tiết. Từ khi vào hội, tôi có thêm nhiều kiến thức về cách ghép và thiết kế giò lan rừng đẹp mắt, nhất là chăm sóc sao cho hoa lan nở đẹp, đúng thời điểm", chị Hà nói. Chị Hà còn chủ động kết nối nhiều người có chung sở thích vào hội.
Trong vườn lan nhà chị hiện có hơn 100 giò, trong đó có hàng chục loại lan rừng quý hiếm. Dù nhiều người tìm đến mua song chị Hà không có ý định bán vì muốn bảo tồn, nhân giống các loại lan này. "Sau những ngày làm việc mệt mỏi, được nhìn ngắm những giò hoa lan với đủ màu sắc, hương thơm nhè nhẹ, tôi thấy tâm hồn được thư thái hơn", chị Hà chia sẻ.
Chị Lê Quỳnh Yến, giáo viên ở xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng) chơi lan rừng hơn chục năm nay. Chị đã mở rộng vườn, đầu tư hệ thống tưới. Để có được những giống lan có màu sắc lạ, kiểu dáng đẹp, nhiều lần chị phải lặn lội đi đến vùng sâu, vùng xa tìm mua. Một số loại lan chị phải nhờ bạn bè đặt từ nước ngoài về. Chị Yến cho biết: "Mỗi loài lan cũng có đặc điểm và cách chăm sóc riêng. Do đó, cây giống phải được lựa chọn kỹ, có nguồn gốc rõ ràng. Muốn cây lan sinh trưởng tốt thì phải thiết kế vườn phù hợp với không gian của mỗi gia đình". Theo chị Yến, hiện trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook có tài khoản rao bán nhiều loại lan rừng, giá từ vài trăm đến vài chục triệu đồng. Tuy nhiên, người mua nên để ý đến nguồn gốc, xuất xứ của từng loại, tránh mua phải cây bị hỏng.
Trách nhiệm với cộng đồng
Đầu năm 2016, Hội Bảo tồn lan rừng Việt Nam được thành lập. Những thành viên ban đầu của hội tập trung nhiều ở TP Hải Dương, sau đó nhiều người ở địa phương khác cũng tham gia. Hội hiện có gần 900 thành viên từ 30-60 tuổi, đang công tác ở nhiều ngành nghề khác nhau, cả ở trong và ngoài tỉnh. Hội kết nối những người yêu thích hoa lan với thông điệp "Thỏa chí đam mê - Kết tình bằng hữu". Mỗi người có cách chơi và thưởng thức khác nhau, có người thích chơi nhiều loại lan, có người chỉ chơi từ 1- 2 loại. Khoảng 2-3 tháng, các thành viên trong hội lại tổ chức giao lưu. Theo chị Hà, tham gia giao lưu, mọi người có cơ hội học hỏi kinh nghiệm trồng, ghép, nhân giống các loại hoa lan. Người chia sẻ kỹ thuật, người mang giống lan mới sưu tầm được để các thành viên cùng nhau trao đổi. Nhiều người trước đây có đam mê nhưng chưa hiểu hết đặc tính và cách chăm sóc, khi vào hội đã có thêm nhiều kiến thức để trồng lan hiệu quả. Hội cũng thường xuyên tổ chức cho các thành viên tham gia triển lãm hoa lan ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Đồng thời thành lập tài khoản trên Facebook để các thành viên có thể đăng tải các loại hoa lan đẹp, lạ cho mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Ngoài bảo tồn nguồn gen, giống lan quý hiếm, hội còn tích cực tổ chức các hoạt động chung tay vì cộng đồng như lập Quỹ "Cùng em đến trường". Thông qua tổ chức các buổi đấu giá cây lan rừng, hội đã dành số tiền đó để hỗ trợ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Hằng năm, hội trao tặng hàng trăm chiếc xe đạp, các suất học bổng cho trẻ em nghèo ở trong và ngoài tỉnh. Tháng 12.2018, hội trao 10 suất học bổng (mỗi suất 500.000 đồng), 10 chiếc xe đạp (mỗi chiếc xe trị giá 1 triệu đồng) cho học sinh nghèo ở huyện Cẩm Giàng. Vào dịp cuối năm, hội còn quyên góp, vận động các nhà hảo tâm để tặng cặp sách, áo ấm cho những em nhỏ vùng cao. "Những chuyến đi này thực sự ý nghĩa với chúng tôi, vừa là cơ hội để các thành viên sưu tầm, tìm hiểu lan rừng, vừa giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn", chị Yến nói. Thời gian tới, hội sẽ thành lập Quỹ "Cùng em đọc sách" nhằm xây dựng thư viện cho những trường học còn khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị dạy học.
THẢO NGUYỄN