Ngay cả khi đã 64 tuổi, mắc bệnh hiểm nghèo, họa sĩ thành danh Hoàng Hà Tùng vẫn nuôi dưỡng nguồn năng lượng sống tràn đầy, đam mê vẽ và cháy hết mình
Dù là vẽ một bức tranh hay là họa sĩ chính cho chương trình mang tầm cỡ quốc gia, họa sĩ Hoàng Hà Tùng đều lao động nghệ thuật nghiêm túc, cháy hết mình với đam mê
Sau nhiều lần lỡ hẹn, tôi đến thăm xưởng vẽ của họa sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hà Tùng vào một chiều hè. Xưởng vẽ của ông nằm giữa màu xanh bình yên của dãy núi Phượng Hoàng như bỏ lại đằng sau cái nắng như đổ lửa, nhịp sống sôi động của thành phố trẻ.
"Tôi đang là tôi"
Khi tôi đến cũng là lúc ông đang hoàn thiện những nét vẽ cuối cùng của bức chân dung một đồng đội. Ông tập trung vẽ, không quan tâm đến mọi thứ đang diễn ra xung quanh. Vẫn "một mình một mốt" quần yếm hoa quen thuộc cộng thêm mái tóc, chòm râu bạc trắng càng làm nổi bật cái chất nghệ sĩ trong ông. Xong xuôi, ông thu dọn đồ đạc, lấy ra một lon bia rồi bước ra phía bộ bàn ghế bên ngoài. Trò chuyện với tôi, những thước phim quay chậm về cuộc đời, nghiệp vẽ của ông cứ thế hiện ra qua giọng điệu lúc hóm hỉnh, phóng khoáng, lúc trầm tư pha lẫn triết lý nhân sinh.
Họa sĩ Hoàng Hà Tùng sinh ra và lớn lên tại phường Hoàng Tiến (Chí Linh). Ngay từ nhỏ, ông đã đam mê vẽ. Cứ chiều chiều đi chăn trâu, ông lại tìm vạt phù sa ven sông, dùng ngón tay để vẽ xuống bùn. Ông vẽ tất cả những gì xung quanh như con trâu, con cá, hoa sen, con cò... Có lần mải mê vẽ, ông để trâu ăn lúa bị làng bên bắt, sợ không dám về nhà đến tận tối mẹ ông phải tất tả đi tìm. Sau lần ấy, ông không dám vừa chăn trâu vừa vẽ nữa mà về nhà dùng gạch non vẽ đầy sân. Thậm chí, ông còn tranh thủ lúc dũi thóc cho mẹ dùng chân vẽ núi, vẽ sông trên sân phơi.
Tuổi thơ của ông cứ thế trôi đi với những nét vẽ ngây thơ, trong sáng. Học xong phổ thông, ông lên đường nhập ngũ. Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ ác liệt, công việc của ông chủ yếu là vẽ tranh cổ động, viết bằng khen, huân, huy chương cho các đồng đội có chiến công.
Năm 1981, ông xuất ngũ, thi vào Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp. Trong thời gian chờ nhập học, ông lại rẽ sang ngang, theo chân Đoàn Kịch nói Quảng Ninh trong một lần xuống Đông Triều xem kịch. Đam mê ánh đèn sân khấu, ông xao nhãng học hành. Biết chuyện mẹ ông buồn lắm. Thương mẹ, ông quyết tâm thi đỗ vào Khoa Thiết kế mỹ thuật (Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội) năm 1986. Kể từ đây, cuộc đời ông gắn liền với hội họa. Chỉ có những bức tranh mới làm ông thỏa khát vọng được sáng tạo, thể hiện những cung bậc cảm xúc phức tạp của cuộc đời. Bước chân vào học mỹ thuật chuyên nghiệp, ông say sưa tìm tòi khám phá.
Từng làm diễn viên kịch nói, đóng nhiều phim, làm tổng đạo diễn sân khấu, một số vở nhạc kịch… nhưng với ông tất cả những công việc ấy chỉ bổ trợ cho hội họa. Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hà Tùng sinh ra để vẽ.
Những bức tranh của ông từng gây ra hai luồng tranh cãi. Có người cho rằng ông chỉ như cậu bé mới tập tành vẽ vời, người khác thì bảo những tác phẩm của ông sánh ngang với bức tranh của các danh họa nổi tiếng thế giới. Nhưng ông không quan tâm đến những tranh cãi ấy bởi ông thích tạo ra sự khác biệt, một mình một con đường, cố gắng không để vấp ngã, đi xa nhất có thể và không bị nhạt nhòa. Ông cứ vẽ, mặc kệ cuộc đời đúng như bản chất cá tính, ngang tàng của Tùng "điên" - biệt danh mà những bạn bè thân thiết thường trìu mến gọi ông.
Ông đang thực hiện "chiến dịch" của riêng mình, đó là vẽ đồng đội. Những tác phẩm ấy để cảm ơn bạn bè, ai thích thì có thể mang tranh về. Vẽ chân dung đồng đội gợi lại cho ông nhiều kỷ niệm của thời trai trẻ. Ông quan niệm phải làm việc ý nghĩa để mình và mọi người cùng vui. "Xem tranh của Tùng giống như nghe kể chuyện, nghe hát hoặc đi xem kịch", đó là nhận xét của giáo sư Nora Taylor (Viện Nghệ thuật Chicago, Mỹ) trong cuốn sách "Artist Hoang Ha Tung" (họa sĩ Hoàng Hà Tùng) do chính giáo sư đồng chủ biên (xuất bản năm 2015).
Họa sĩ Hoàng Hà Tùng vẽ chân dung đồng đội
Khát khao sống và vẽ
Với họa sĩ Hoàng Hà Tùng, tác phẩm thành công phải đi được vào trái tim người khác. Nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc sống. Để sáng tạo ra tác phẩm ấy, đòi hỏi họa sĩ phải có trách nhiệm, tâm huyết với chính đứa con tinh thần của mình. Họa sĩ Hoàng Hà Tùng rút ra một điều: mỗi phong cảnh chỉ đẹp ở một thời khắc nhất định. Ông hiểu điều đó và ví việc vẽ phong cảnh như đi săn. Cùng một phong cảnh, ông lượn đi lượn lại, ngày này qua tháng nọ, hết sáng trưa lại chiều tối. Khi bất chợt tìm ra thời khắc ông liền vẽ say sưa, nhanh và dứt khoát như chỉ sợ nó biến mất. Khi vẽ chân dung, họa sĩ Hoàng Hà Tùng chú trọng hai điểm cốt yếu: Thần và thái. Thần là cái bên trong khó nắm bắt của nhân vật. Thái là hình hài bên ngoài hiện hữu, đặc trưng vốn có của mỗi người. Dù là chất liệu nào, vẽ ở đâu, nhanh hay chậm, ông đều tôn trọng hai yếu tố cốt yếu ấy. Hiện ông đã có một gia tài tranh chân dung đồ sộ.
Một trong những bức tranh mà ông tâm huyết nhất chính là bức "Tranh quê". Bức tranh cao 1,2 m, dài 24 m, vẽ bằng chất liệu sơn mài. Bức tranh được thai nghén và vẽ xuyên qua hai thế kỷ (1994-2004). Trong tranh, ông kể chuyện sinh tồn của một làng quê bên một dòng sông dát vàng. Ở làng quê đó, tồn tại song song hai thế giới: đời sống phồn thực, đời sống tâm linh luôn ngược nhau. Người đi chợ ở dưới thì mưu sinh, lộn xộn con cá, lá rau... Dòng người lên chùa (vẫn những con người ấy) trật tự, lặng lẽ đi đều phải thông qua hai cổng sinh - tử.
Xưởng vẽ nằm trên dãy núi Phượng Hoàng
Mấy chục năm trời theo nghiệp vẽ, ông không thể nhớ hết đã vẽ bao nhiêu bức, tổ chức bao nhiêu buổi triển lãm. Nhưng ấn tượng đọng lại trong ông nhiều nhất chính là những buổi triển lãm từng được tổ chức ở nước ngoài. Gần đây nhất là hai lần triển lãm ở Hà Lan (năm 2017 và 2018). Mỗi lần đi triển lãm nước ngoài ông mang trong mình tâm thế của con dân đất Việt cùng những bức tranh chứa đựng cả hồn dân tộc ra thế giới. Triển lãm ở nước ngoài là sự kiện đối với người nghệ sĩ, mỗi tác phẩm đòi hỏi sự đầu tư về thời gian, chất liệu, công sức. Trong triển lãm đầu tiên ở Hà Lan, ông khắc họa hình ảnh người nông dân Hà Lan và Việt Nam. Tuy khác nhau về vóc dáng bề ngoài nhưng bằng sự quan sát kỹ lưỡng, họa sĩ Tùng đã làm toát lên vẻ hồn hậu, chân thành mà ông cho rằng nông dân ở bất cứ nơi đâu cũng mang trong mình những phẩm chất ấy. Cuộc triển lãm lần hai với chủ đề phong cảnh của Hà Nội và thành phố Kampen. Ông vẽ những phố cổ, cổng thành, nhà thờ, cầu cảng, nét đặc trưng riêng của mỗi thành phố.
Với nguồn năng lượng sống tràn đầy ngay cả khi đã 64 tuổi, người ta khó có thể hình dung ông đã chiến đấu với căn bệnh ung thư phúc mạc ngót 7 năm trời. Ông vẫn dành thời gian đi về giữa Hải Dương và Hà Nội nhưng phần lớn là ở mảnh đất quê nhà để say mê nghiệp vẽ. Thời gian ở Hà Nội chủ yếu lấy thuốc điều trị và gặp gỡ với những người bạn tâm giao. Căn bệnh của ông đã di căn, không thể xạ trị. Ông cười bảo: “Căn bệnh của tôi phải điều trị kéo dài… được ngày nào hay ngày đó. Tôi không nghĩ đến bệnh tật nhưng cũng không lạc quan tếu, phải khỏe mới có thể vẽ, tôi khao khát sống, khao khát vẽ".
Hội họa của ông ấn tượng và ồn ào cộng thêm một chút hóm hỉnh cay nghiệt, người đời không phải ai cũng thích. Chính vì những thành tích và uy tín đã đạt được mà nhiều chương trình, lễ hội mang tầm cỡ quốc gia ông được chỉ định làm họa sĩ chính: Paragame (năm 2003), Tuần văn hóa ASEAN 2004 tại Việt Nam, Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội (năm 2010), đón Bác về Tây Nguyên (năm 2012)... Ông cho rằng dù chỉ là vẽ một bức tranh hay là họa sĩ chính cho chương trình mang tầm cỡ quốc gia đều đòi hỏi sự lao động nghệ thuật nghiêm túc và cháy hết mình với đam mê.
Ông vẫn say mê làm việc, sáng tạo, luôn nghĩ ra cái mới với tâm niệm phải có một bức tranh để đời về chính quê hương. Đứa con tinh thần ấy đang được ông thai nghén mang tên "Nơi đây không yên tĩnh vĩnh hằng" với những nét vẽ đầu tiên, lấy bối cảnh là sự phát triển của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại trên chất liệu sơn mài khổ 1,6x3 m.
Tạm biệt họa sĩ Hoàng Hà Tùng ở xưởng vẽ của ông nằm giữa màu xanh bình yên của dãy núi Phượng Hoàng, phường Văn An (Chí Linh), tôi cứ ấn tượng mãi với khát khao sống, đam mê vẽ, cháy hết mình vì nghệ thuật và vượt qua bệnh tật để cống hiến của ông. Người họa sĩ ấy có cá tính mạnh, ngang tàng, nhưng thẳm sâu trong ông là một người giàu tình cảm, tràn đầy lòng yêu thương.
HUYỀN TRANG