Sa chân vì tiền giả

15/01/2018 05:38

Vì lợi nhuận cao, nhiều đối tượng vẫn liều lĩnh đưa chân. Kết cục mà những kẻ tham lam nhận được là sự trả giá thích đáng trước pháp luật.


Đoàn Trung Kiên bị Tòa án Nhân dân TP Hải Dương tuyên phạt 4 năm 3 tháng tù giam vì lưu hành tiền giả

Mờ mắt vì lợi

Cũng như nhiều địa phương khác, những năm gần đây, nạn buôn bán, tiêu thụ tiền giả ở Hải Dương diễn ra phức tạp. Các loại tiền giả được lưu hành chủ yếu có mệnh giá cao từ 50.000-500.000 đồng.

Là con một, Đoàn Trung Kiên ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) được gia đình hết mực cưng chiều. Chính điều đó đã biến Kiên trở thành đứa con hư hỏng, ngỗ nghịch. Y sa vào nghiện ngập, giao du với đám bạn hư hỏng, sống dặt dẹo, lêu lổng. Gia đình hết lòng khuyên nhủ, dùng cả các biện pháp răn đe song Kiên vẫn chứng nào tật ấy. Hơn 17năm nghiện ngập, từng phải đối mặt với pháp luật về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, song Kiên vẫn không lấy đó làm bài học để hối cải. Một lần Kiên được người quen tên Chiến rủ lên Phố Nối (Hưng Yên) mua tiền giả về chi tiêu. Mặc dù biết đây là việc làm vi phạm pháp luật song nghe 1 triệu đồng tiền thật có thể mua được 10 triệu đồng tiền giả nên Kiên đồng ý. Chiều 16.9.2017, Kiên và Chiến mang 1 triệu đồng bắt xe buýt lên Phố Nối để mua tiền giả. Đến nơi, Kiên và Chiến tìm gặp một người đàn ông lạ mặt giao dịch 900.000 đồng lấy 9 triệu đồng tiền giả mệnh giá 200.000 đồng.

Đa số các đối tượng tham gia mua bán, lưu hành tiền giả đều có nhân thân xấu, từng vi phạm pháp luật, ra tù vào tội. Sinh năm 1958, Nguyễn Văn Đoàn ở thôn 3, xã Hoành Sơn (Kinh Môn) sở hữu bản "thành tích" bất hảo dày đặc: năm 1991, bị Tòa án Nhân dân huyện Kinh Môn xử phạt 24 tháng tù treo về tội cố ý gây thương tích; năm 1997, bị Tòa án Nhân dân tối cao xử phạt 13 năm tù về tội cướp giật tài sản, mua bán tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng; năm2014, bị Tòa án Nhân dân TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) xử phạt 9 tháng tù giam về tội tàng trữ hàng cấm. Ra tù, mặc dù đã gần 60 tuổi song vì hám lợi, Đoàn vẫn lén lút sang Trung Quốc mua tiền giả về bán kiếm lời. Trong một lần gặp nhau ở xã Lê Ninh (Kinh Môn), một người tự xưng tên Tuấn ở TP Hải Dương nhờ Đoàn mua hộ 100triệu đồng tiền giả. Đoàn đồng ý và bàn với người quen là Trần Văn Đức (sinh năm 1987, ở khu 7, xã Yên Luật, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) sang Trung Quốc mua tiền giả về bán cho Tuấn với tỷ lệ 400.000 đồng tiền thật mua được 1 triệu đồng tiền giả. Tuấn đồng ý, Đoàn và Đức sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) dùng 5 triệu đồng mua 151 tờ tiền giả, mệnh giá 200.000 đồng (tương đương 30,2 triệu đồng) rồi bắt xe về TP Hải Dương bán cho Tuấn kiếm lời.

Không chỉ buôn bán kiếm lời, khi có tiền giả, nhiều đối tượng đã liều lĩnh chi tiêu với số lượng lớn, lặp lại nhiều lần. Các vụ việc liên quan đến tiền giả đã xâm hại nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước, ảnh hưởng đến trật tự xã hội, đời sống và quyền lợi trực tiếp của người dân. Do bí tiền tiêu dùng, Lê Minh Trọng (sinh năm 1992, trú tại thôn Nam Giàng, xã Thượng Đạt, TPHải Dương) đã nhiều lần đến cầm đồ tại hiệu cầm đồ (số 5/13 đường Trần Phú, thị trấn Nam Sách) của bà Lưu Thị Thơm để lấy tiền thật. Sau đó, Trọng giở thủ đoạn dùng tiền giả để trả cho bà Thơm chuộc đồ đã cắm. Ngựa quen đường cũ, sau một lần cầm đồ, tháng 5.2014, Trọng đã dùng 7 triệu đồng tiền thật để mua 14 triệu đồng tiền giả của Nguyễn Danh Hường ở thôn Phù Liễn, xã Hồng Phong (Nam Sách) để trả cho bà Thơm và chi tiêu cá nhân.

Trả giá đắt

Việc làm khuất tất của những kẻ mua bán tiền giả không qua nổi sự đề cao cảnh giác của người dân và lực lượng công an. Theo thống kê, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có gần chục vụ buôn bán tiền giả bị lực lượng công an phát hiện, bắt giữ. Cái giá những kẻ mua bán tiền giả phải trả là vài năm, thậm chí hàng chục năm tù giam. Trong vụ việc Lê Minh Trọng, sau khi nhận 11,8 triệu đồng y mang đến trả để lấy đồ, bà Thơm nảy sinh nghi ngờ. Phát hiện Trọng đã trả mình tiền giả nên bà làm đơn trình báo với cơ quan công an. Từ đơn thư của bà Thơm, Công an huyện Nam Sách đã vào cuộc điều tra và bắt giữ Trọng, thu 40 tờ tiền giả mệnh giá 200.000 đồng. Lê Minh Trọng bị Tòa án Nhân dân huyện Nam Sách xử phạt 5 năm 3 tháng tù giam.

Tương tự, sau khi mua về 9 triệu đồng tiền giả, Đoàn Trung Kiên chưa kịp đưa ra lưu hành thì bị Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh bắt giữ. Kiên bị Tòa án Nhân dân TP Hải Dương tuyên phạt 4 năm 3 tháng tù giam. Vụ việc Nguyễn Văn Đoàn và Trần Văn Đức, khi cả hai đang giao tiền cho đối tượng tên Tùng (em trai của Tuấn) tại khu vực cổng Công ty Lilama 69-3 (TP Hải Dương) thì bị tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh bắt quả tang. Chiều 26.12.2017, Đoàn và Đức đã bị Tòa án Nhân dân TP Hải Dương tuyên phạt mỗi bị cáo 7 năm tù giam.

Sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật không chỉ có tác dụng thiết thực trong tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác cho quần chúng nhân dân mà còn có tính chất răn đe, là bài học cảnh tỉnh cho những kẻ muốn dùng tiền giả để trục lợi.

NGỌC HÙNG

Điều 207 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả như sau: Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả thì bị phạt tù từ 3-7 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng thì bị phạt tù từ 5-12 năm; phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 10 - 20 năm hoặc tù chung thân. Người chuẩn bị phạm tội này thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1- 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Sa chân vì tiền giả