Rượu ngâm rắn nuôi được bày bán rất sẵn nhưng nhiều người lại thích rắn tự nhiên. Vậy thực tế rắn nào tốt?
Nhiều người cho rằng, rắn nuôi ăn sạch, ít bệnh tật, công thức ngâm rượu lại được nghiên cứu kỹ, rượu được đăng ký chất lượng, được kiểm tra an toàn... nên mua về sử dụng sẽ tốt và an toàn hơn rắn tự nhiên. Theo Lương y Vũ Quốc Trung, Hội Đông y Việt Nam, rượu ngâm rắn phụ thuộc vào chất lượng rắn. Thông thường rắn tự nhiên thường tốt hơn rắn nuôi bởi thể chất hoàn thiện hơn.
Theo các chuyên gia, không nên coi rượu rắn là rượu bổ |
Tuy nhiên, GS.TS Đặng Huy Huỳnh, chủ tịch Hội Động vật Việt Nam cho biết, thịt, rượu rắn hiện nay chủ yếu là do nguồn nuôi. Rắn tự nhiên rất ít. Tuy chưa có nghiên cứu cụ thể nhưng về cơ bản các chất trong rắn tự nhiên và rắn nuôi tương đồng nhau, chỉ có sự sai khác chút ít không đáng kể. Rắn nuôi cũng xuất phát từ rắn tự nhiên, có nguồn gen tốt. Khi chăn nuôi người ta cũng nghiên cứu kỹ các tập quán, đặc điểm sinh thái, thức ăn... và làm gần với tự nhiên để giúp rắn đảm bảo tăng trưởng tốt.
Không phải càng độc càng tốt
Lương y Vũ Quốc Trung cho biết, nhiều người cho rằng, rắn càng độc càng tốt nhưng thực tế, rắn cực độc như cạp nia ít được dùng ngâm rượu. Để ngâm rượu rắn, người ta thường dùng 3 loại rắn (tam xà) hoặc 5 loại rắn (ngũ xà). Có hai cách ngâm rượu là ngâm tươi hoặc chặt khúc sấy khô nhưng ngâm tươi cả con tốt hơn vì còn cả hệ thống vân mạch, trường hợp dùng khô là bất đắc dĩ.
Để tăng thêm hiệu quả của rượu rắn, tốt nhất là ngâm rắn với các vị thuốc tùy theo mục đích sử dụng như thiên niên kiện, cẩu tích, ngũ gia bì, hà thủ ô là các vị thuốc chữa đau lưng, tê thấp, nhức xương. Kê huyết đằng bổ máu, huyết giác làm cho thông máu, lưu thông máu. Trần bì, tiểu hồi tạo mùi thơm cho rượu và có tác dụng khai vị tiêu thực.
Y học cổ truyền cho rằng, thịt rắn có vị ngọt, mặn, tính ôn, quy kinh can, có tác dụng trừ phong thấp, định kinh giản, giảm đau, tiêu độc. Theo Lương y Vũ Quốc Trung, rượu rắn chỉ có tác dụng với bệnh đau xương khớp thuộc phong tê thấp chứ không có tác dụng bổ thận tráng dương như nhiều người lầm tưởng. Trên thực tế, những người còn trong độ tuổi sinh đẻ không nên uống rượu rắn, nếu lạm dụng rượu rắn lại còn làm cho "cái ấy" yếu đi, thậm chí không còn khả năng sinh con nữa.
Các chuyên gia đều khuyên, tuyệt đối không nên coi rượu rắn là rượu bổ và không phải ai cũng dùng được loại rượu này. Đây là rượu thuốc nên chỉ được dùng mỗi ngày 30 - 50ml, không quá 60ml. Dùng sau khi ăn no. Không dùng trước khi đi ngủ vì gây mất ngủ. Phụ nữ có thai và trẻ em không được dùng rượu rắn.
Đặc biệt, với những người bệnh suy thận, tăng huyết áp, bệnh gan, tim mạch không nên sử dụng rượu và thịt rắn vì trong đó còn một hàm lượng độc tố nhỏ. Nếu ngâm rắn toàn tính thì phần nọc rắn nằm ở hai bên bành rắn (phần sát với cổ) vẫn còn nguyên. Nọc rắn nếu uống dù chỉ một lượng nhỏ cũng rất độc, có thể dẫn tới tử vong.
Thế nhưng, khi ngâm rượu thì nó tự dung hòa với các chất khác trong cơ thể rắn vào trong rượu để lượng độc tố giảm bớt hoặc không gây nguy hiểm cho những người sức khoẻ bình thường. Với người thận yếu sẽ không thể phân giải độc tố này và khiến cho thận nhanh suy yếu hơn, đồng thời chạy vào tim và có thể làm tim ngừng đập nhanh chóng.