Trong bối cảnh hỗn loạn gia tăng tại Syria sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd ở Syria, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi khu vực miền bắc Syria.
Xe thiết giáp Mỹ triển khai ở miền bắc Syria hôm 6.10. Ảnh: AFP
Quyết định này của Tổng thống Mỹ khiến dư luận lo ngại vấn đề Syria có thể vượt tầm kiểm soát.
Mỹ rút toàn bộ quân đội khỏi miền bắc Syria
Sau khi tuyên bố đánh bại tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tại Trung Đông, Mỹ đã từng bước điều chỉnh chính sách quân sự tại Syria theo hướng giảm hiện diện quân sự của Washington.
Hồi tháng 12.2018, Tổng thống Trump tuyên bố kế hoạch rút toàn bộ lực lượng Mỹ khoảng 2.000 binh sĩ tại Syria, khi khẳng định rằng Mỹ đã thất bại tại Trung Đông, nơi Washington đã chi đến 2.000 tỉ USD, 7.000 lính đặc nhiệm thiệt mạng và hơn 300.000 nạn nhân là thường dân.
Đến ngày 7.10 vừa qua, Mỹ bắt đầu rút khỏi 2 trạm quan sát tại các khu vực Tel Abyad và Ras al Ain ở đông bắc Syria, dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, những lực lượng Mỹ còn lại vẫn duy trì hiện diện tại khu vực này.
Việc Mỹ rút quân khỏi đông bắc Syria đã mở đường cho Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Syria. Bởi theo chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ, việc Mỹ rút quân khỏi đông bắc Syria, dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ được xem là hành động "bỏ rơi" đồng minh, đi ngược lại với những khuyến nghị của các cố vấn cấp cao của ông tại Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ về việc duy trì sự hiện hiện của một nhóm nhỏ quân đội Mỹ tại đông bắc Syria nhằm tiếp tục các chiến dịch chống IS.
Từ ngày 9.10, chiến dịch quân sự mang tên “Hòa bình mùa xuân ở miền bắc Syria" của Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành với cuộc không kích nhằm vào thị trấn Ras al-Ain. Ngay sau đó, các hoạt động tấn công trên bộ cũng được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai.
Chiến dịch này là một phần trong mục tiêu dài hạn của Ankara nhằm xóa bỏ sự hiện diện của tổ chức khủng bố IS và lực lượng người Kurd, tổ chức mà Ankara coi là khủng bố.
Hành động đưa quân vào nước láng giềng Syria mà chưa được sự cho phép của Damacus, tương tự như chiến dịch quân sự xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria mang tên “Lá chắn sông Euphrates” hồi năm 2016, có nguy cơ kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm.
Syria coi đây là hành vi xâm phạm chủ quyền, làm trầm trọng thêm những căng thẳng trong quan hệ vốn đã nhiều bất đồng lâu nay giữa Ankara và Damascus. Ngày 9.10, Damascus cũng đã tuyên bố lên án "những tuyên bố chủ chiến, những ý định thù địch ... và tăng cường quân đội" của Ankara ở dọc biên giới với Syria.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó cũng đã thắt chặt chính sách của ông đối với Ankara khi đe dọa sẽ áp dụng những biện pháp trừng phạt “hà khắc” nếu chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ còn tiếp diễn.
Ngày 13.10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cho biết Tổng thống Trump đã ra lệnh rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi khu vực miền bắc Syria nhằm tránh một cuộc xung đột "không thể kiểm soát" giữa các tay súng người Kurd được Mỹ ủng hộ với các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu trong chương trình "Face the Nation" của đài CBS, Bộ trưởng Esper cho biết ông đã trao đổi với Tổng thống Trump tối 12.10 về các dấu hiệu ngày càng rõ cho thấy cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ ngày 9.10 vừa qua đang ngày càng nguy hiểm. Ông Esper nói: "Trong 24 giờ qua, chúng tôi biết rằng họ (người Thổ Nhĩ kỳ) dường như định mở rộng cuộc tấn công hơn nữa, sâu xuống phía Nam hơn kế hoạch ban đầu, và sang phía Tây".
Bộ trưởng Esper không nói rõ thời điểm Mỹ rút quân, song cho biết việc này sẽ được tiến hành "an toàn và nhanh chóng nhất có thể". Ông cũng không nói chính xác số lượng binh sĩ Mỹ sẽ rời khu vực miền bắc nhưng cho biết khoảng gần 1.000 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Syria.
Hãng tin AP dẫn lời ông Esper cho biết thêm rằng dường như các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), do người Kurd đứng đầu và được Mỹ ủng hộ, đang tìm kiếm "một thỏa thuận" với quân đội Syria và Nga để khởi động đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, trong một dòng trạng thái trên mạng Twitter, Tổng thống Trump viết: "Thật khôn ngoan khi binh sĩ Mỹ không can dự vào cuộc giao tranh căng thẳng dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ".
Cùng ngày, hãng tin Reuters dẫn lời hai quan chức quốc phòng Mỹ cho biết một số lượng nhỏ binh sĩ Mỹ đã rời một tiền đồn ở thị trấn Ain Issa, miền bắc Syria, do lo ngại một cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một quan chức Mỹ nhận định tình hình tại đông bắc Syria "đang xuống cấp nhanh chóng" khi các lực lượng ở Syria được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ đang tiến sâu hơn vào Syria và có thể cô lập các lực lượng Mỹ trên thực địa. Quan chức này bày tỏ lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu giữa quân đội Mỹ và các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ. Trước đó, một điểm đóng quân của binh lính Mỹ gần gần thị trấn Kobani ở biên giới phía Bắc Syria đã trúng pháo, chưa rõ vụ việc do bên nào gây ra.
Chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố bất ngờ rút toàn bộ 1.000 binh sĩ Mỹ khỏi khu vực miền bắc Syria, truyền hình quốc gia Syria cho hay Mỹ đã sơ tán căn cứ quân sự của Mỹ ở thành phố Jalabiya, thuộc tỉnh Raqqa của Syria.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Tuyên bố rút toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ khỏi đông bắc Syria của Tổng thống Trump được cho là bước đi nhằm thực hiện cam kết tranh cử của ông năm 2016, rằng sẽ đưa nước Mỹ thoát khỏi tình cảnh sa lầy trong những cuộc chiến hao người tốn của.
Tuyên bố rút quân này có thể cũng để "dọn đường" cho tiến trình tranh cử của Tổng thống Trump hướng tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Đồng thời, tuyên bố rút toàn bộ lực lượng quân đội Mỹ khỏi đông bắc Syria cũng đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách của Washington đối với Syria song lại gây bất đồng trên chính trường Mỹ và khiến dư luận lo ngại vấn đề Syria có thể vượt tầm kiểm soát, đặc biệt trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành chiến dịch tấn công người Kurd ở Syria.
Trên thực tế, sự hiện diện của quân đội Mỹ ở miền bắc Syria lâu nay vốn được coi như "rào chắn" ngăn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd vốn được Mỹ hậu thuẫn, song Thổ Nhĩ Kỳ lại coi là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara liệt vào danh sách khủng bố.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần tranh cãi về vấn đề các tay súng người Kurd. Trước đây Washington luôn bảo vệ nhóm đối tượng này bởi Các Đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được coi là đối tác đáng tin cậy nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống IS tại khu vực chiến lược đông bắc Syria.
Chính vì vậy, nhiều ý kiến lo ngại việc Mỹ rút toàn bộ quân đội trong thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch tấn công trên bộ và trên không ở miền bắc Syria sẽ dẫn đến những rủi ro khó lường, mà trước hết cuộc chiến chống khủng bố sẽ bị suy yếu, các lực lượng khủng bố cực đoan có cơ hội tập hợp lực lượng và IS có thể hồi sinh ở Syria. Lực lượng người Kurd ở miền bắc Syria một khi đơn độc đối phó với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn rảnh tay chiến đấu chống tàn quân IS và phải thả 10.000 chiến binh IS đang bị giam giữ ở các địa điểm do người Kurd kiểm soát, đây đúng là "cơn ác mộng", đặc biệt đối với châu Âu.
Về phía nội bộ Mỹ, nhiều nghị sĩ coi việc rút toàn bộ quân khỏi đông bắc Syria không chỉ là sự nhân nhượng thái quá đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà còn đánh dấu một "bước lùi" khiến Mỹ trở nên yếu thế hơn Nga hay Iran ở khu vực Trung Đông. Giới chức quân sự Mỹ lâu nay vẫn cho rằng việc giữ lực lượng Mỹ ở Syria nói chung và miền bắc nói riêng có thể tạo đối trọng với Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh của Syria như Nga và Iran.
Còn về phía Nga, Moskva đã cảnh báo chính sách của Mỹ tại Syria có thể "kích động" toàn khu vực. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lo ngại rằng việc Mỹ tuyên bố rút toàn bộ quân khỏi miền đông bắc Syria vừa đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ vừa có thể "kích động" toàn khu vực Trung Đông. Thậm chí, giao tranh trầm trọng xảy ra ở khu vực miền bắc Syria sẽ gây ra thêm một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ với người dân nước này.
Khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria đang trở thành điểm nóng nhất ở khu vực Trung Đông vốn luôn bất ổn và đầy nguy cơ tiềm ẩn. Việc Mỹ rút toàn bộ quân đội cùng những động thái can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến tình hình Syria nói riêng và Trung Đông nói chung diễn biến khó lường hơn trong thời gian tới.
Theo TTXVN