Hội chứng rối loạn tiền đình (RLTĐ) đã và đang trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người. Trong vài năm gần đây, người bị RLTĐ có xu hướng gia tăng.
90% số bệnh nhân mắc rối loạn tiền đình là phụ nữ
Bệnh nặng mới đi điều trị Đây là lần thứ hai trong vòng 1 năm, chị Nguyễn Thị Hà (45 tuổi) ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) phải nhập viện điều trị RLTĐ. Chị Hà cho biết: "Khi có các dấu hiệu như chóng mặt, đau đầu, tôi chủ quan và chỉ nghĩ rằng do cơ thể mệt mỏi. Đến khi không thể đi lại bình thường do mất thăng bằng, luôn có cảm giác chao đảo, bồng bềnh như không có trọng lượng, kèm theo nôn ọe, không thể làm bất cứ việc gì tôi mới đi khám bệnh".
Giống như chị Hà, chỉ đến khi tầm nhìn bị xáo trộn, khó nhìn tập trung vào một điểm kèm theo các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đầu đau buốt thì bà Phạm Thị Khảm (61 tuổi, ở xã Phượng Kỳ, Tứ Kỳ) mới đi khám tại bệnh viện.
Theo bác sĩ Mạc Doanh Thịnh, Phó Trưởng Khoa Thần kinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh, khoa đang điều trị nội trú cho khoảng 20 bệnh nhân mắc RLTĐ, chưa kể các bệnh nhân đang được điều trị tại các khoa khác do đây là hội chứng của nhiều loại bệnh. Số bệnh nhân sẽ còn tiếp tục tăng khi thời tiết đang dần chuyển từ lạnh sang nóng. Khoảng 90% số bệnh nhân RLTĐ là nữ giới.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa huyện Tứ Kỳ tiếp nhận khoảng 250 bệnh nhân, trong đó khoảng 50 người có các triệu chứng liên quan đến RLTĐ, tăng khoảng 30% so với vài năm trước.
Các bác sĩ cho biết hầu hết những người đến khám và điều trị RLTĐ đều đã ở giai đoạn chuyển nặng. Hội chứng này cũng rất khó điều trị dứt điểm mà sẽ thường tái phát.
Nhận diện "thủ phạm" Phân biệt rõ nguyên nhân của RLTĐ khá khó khăn, đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm của các y, bác sĩ và các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh đi kèm. Nguyên nhân chủ yếu gây ra RLTĐ do liên quan đến các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, rối loạn nội tiết ở phụ nữ độ tuổi mãn kinh, tiền mãn kinh. Thường xuyên lo lắng, căng thẳng cũng là yếu tố dẫn tới RLTĐ. Người làm các công việc văn phòng dễ mắc hội chứng này vì ngồi nhiều, thường xuyên làm việc với máy tính trong môi trường công việc đầy áp lực. Môi trường sống ô nhiễm, thói quen không lành mạnh như sử dụng rượu bia, các chất kích thích cũng là những nguyên nhân gây ra RLTĐ.
Theo các bác sĩ, hiện tượng chóng mặt ít khi là triệu chứng của một bệnh lý trầm trọng, nhưng nếu người bệnh thấy chóng mặt xuất hiện kèm một trong các triệu chứng như nhức đầu, sốt cao từ 38 độ C trở lên, mắt mờ, giảm thính lực thì nên tới ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Theo các bác sĩ, khi bị RLTĐ, người bệnh không nên quay cổ hoặc thay đổi tư thế quá nhanh, quá đột ngột. Bệnh nhân cần ngồi hoặc nằm ngay xuống nếu cảm thấy chóng mặt. Chế độ ăn uống hợp lý là một trong những phương pháp chữa bệnh rất hiệu quả. Những người bị RLTĐ nên tránh các loại thực phẩm và đồ uống có lượng đường, lượng muối cao. Cần sử dụng nhiều rau xanh, hoa quả tươi để bổ sung vitamin, tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể. Cần bố trí, sắp xếp công việc khoa học, hợp lý. Nếu phải thường xuyên làm việc với máy tính thì cứ khoảng 2 giờ nên vận động nhẹ nhàng, hít thở sâu để giảm áp lực, căng thẳng từ công việc. Phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh và tiền mãn kinh cần tích cực rèn luyện thể lực, tăng cường sự dẻo dai của cơ thể bằng phương pháp đi bộ hoặc tập aerobic… Không chủ quan khi cơ thể có những triệu chứng bất thường, thường xuyên tập thể dục thể thao là những biện pháp phòng ngừa hội chứng RLTĐ hiệu quả nhất.
HUYỀN TRANG
Tiền đình là một bộ phận cơ thể nằm sâu trong tai, có nhiệm vụ chính là giữ thăng bằng cho cơ thể. Khi chúng ta di chuyển, cúi, xoay... hệ thống tiền đình cũng sẽ nghiêng lắc theo các động tác này của cơ thể và giúp cơ thể có tư thế thăng bằng. Hệ thống tiền đình được điều khiển bởi các nhóm thần kinh cao cấp hơn nằm trong não bộ. Rối loạn tiền đình là hội chứng của khá nhiều loại bệnh như viêm tai giữa, thiên đầu thống, viêm dây thần kinh...
|