Rèn luyện thói quen chủ động với công việc

24/12/2015 10:57

Trong hành trình cuộc sống của mỗi con người, lứa tuổi thanh niên (từ 15 - 30 tuổi) là thời kỳ hưng thịnh nhất cả về thể chất lẫn tâm hồn.


Ở họ thường ôm ấp, nuôi dưỡng những hoài bão, ước mơ cao cả, có ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ, dám sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp lớn. Do vậy, tuổi thanh niên xứng đáng được coi là "mùa xuân của cuộc đời".  Vấn đề đặt ra là, muốn sớm đạt được mục tiêu đã xác định, thanh niên cần phải làm gì và làm như thế nào? Đây là một vấn đề phức tạp có liên quan tới nhiều yếu tố khác nhau, trong đó việc xây dựng thói quen chủ động với công việc giữ vai trò rất quan trọng. Vì thói quen thường xuyên tác động vào đời sống sinh hoạt hằng ngày và ảnh hưởng mạnh mẽ đến cá tính, đồng thời góp phần hình thành năng lực, tính cách và bản lĩnh mỗi người. Nói cách khác, thói quen là giao điểm của tri thức, kĩ năng và khát vọng. Muốn tạo nên một thói quen chủ động trong cuộc sống, chúng ta cần phải có sự hội tụ của cả ba yếu tố này.

Nhân dịp sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ 12 nhiệm kỳ 2012 - 2017, Tỉnh đoàn đã tuyên dương 100 bí thư chi đoàn cơ sở tiêu biểu. Đây là những cán bộ đoàn hoạt động trong các lĩnh vực, nghề nghiệp khác nhau, có nhiều sáng kiến, giải pháp mang tính sáng tạo, nhiều kinh nghiệm hay góp phần nâng cao chất lượng phong trào thi đua của thanh, thiếu niên ở các cơ sở đoàn. Việc họ làm, hiệu quả đạt được tuy khác nhau về biện pháp và cách thức thực hiện, nhưng tất cả đều giống nhau một điểm là đã tạo dựng được cho mình một thói quen chủ động khi tổ chức, triển khai các nhiệm vụ được giao.  Điều đó được biểu hiện ở chỗ: Họ chủ động hành động chứ không bị động đối phó. Bởi họ hiểu rằng đã không tự biết mình thì sao có thể thấu hiểu được bạn bè, đồng nghiệp để vận động họ cùng làm theo. Những bí thư chi đoàn này biết tập trung trí tuệ và tâm huyết của mình để tìm kiếm các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn mà họ gặp phải trong quá trình công tác, tổ chức các phong trào. Nếu có dịp được tiếp xúc với họ, chúng ta sẽ được nghe những ngôn từ: “Tôi thích…”, “Tôi sẽ làm…”, “Tôi có thể chọn cách khác…”, “Tôi biết kiềm chế cảm xúc của mình”...

Đáng tiếc là, bên cạnh những nhân tố tích cực, những bí thư chi đoàn giỏi, cũng còn một bộ phận thanh niên chưa có được thói quen chủ động trong công việc. Những thanh niên này luôn cảm thấy mình là nạn nhân của hoàn cảnh, không kiểm soát được tình hình, không thấy mình có trách nhiệm về cuộc sống của bản thân. Họ đổ lỗi cho các nguyên nhân bên ngoài, cho người khác, cho hoàn cảnh họ gặp phải. Họ hướng suy nghĩ của mình vào những vấn đề của môi trường bên ngoài, vào hoàn cảnh nằm ngoài khả năng kiểm soát của họ. Từ đó, thay vì tìm hướng để thoát khỏi khó khăn, họ lại lên án, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Họ có thói quen dùng ngôn từ bị động: “Tôi buộc phải…”, “Tôi không thể…”, “Giá như…”, “ Tôi là như thế đó”... Chính điều này đã làm tăng năng lượng tiêu cực ở họ, dẫn họ lạc vào con đường tội lỗi như buôn bán ma túy, trộm cắp, giết người… Những thanh niên này có thói quen hướng suy nghĩ của mình vào những cái ở “bên ngoài”, chịu sự chi phối của ngoại cảnh. Họ đi tìm biện pháp giải thoát cho bản thân “bắt đầu từ bên ngoài”. Theo họ, cần phải thay đổi những cái ở bên ngoài trước khi thay đổi bản thân.  

Thực tế cho thấy, những thanh niên nào nếu chỉ ngồi “há miệng chờ sung” thì họ sẽ rơi vào thế bị động đối phó. Khi đó, họ sẽ mất cơ hội, sự phát triển sẽ đến với người khác. Sự khác nhau cơ bản giữa thanh niên có thói quen chủ động và bị động là ở chỗ người chủ động có khả năng đặt giá trị lên trên cảm xúc. Họ suy nghĩ chín chắn, thấu đáo, có chọn lọc. Còn những người thụ động thường bị ảnh hưởng bởi xúc cảm, luôn chịu sự chi phối từ điều kiện và môi trường sống. Tất nhiên, người có thói quen chủ động cũng chịu ảnh hưởng từ những tác động từ bên ngoài, nhưng họ luôn lựa chọn dựa trên cơ sở giá trị.  Chính vì vậy, thái độ của người chủ động đối với sai lầm là thừa nhận ngay sai lầm đó để sửa chữa và rút ra bài học cần thiết. Họ quan niệm “Thắng lợi nằm ở bên kia của thất bại”.           

Các nhà khoa học đã cho hay: có hai phương pháp để làm chủ cuộc sống. Một là, đưa ra lời hứa và giữ lời hứa. Hai là, đặt ra một mục tiêu và phấn đấu để đạt được mục tiêu đó. Bởi vậy, khả năng đưa ra và thực hiện các cam kết đối với bản thân được coi là yếu tố cốt lõi nhất của quá trình xây dựng các thói quen cơ bản nói chung, thói quen chủ động đối với công việc nói riêng, bảo đảm cho sự thành đạt.

TS. PHẠM TRUNG THANH
(Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh)

(0) Bình luận
Rèn luyện thói quen chủ động với công việc