Rất cần những liều thuốc tinh thần

16/08/2017 13:24

Khoảng 7 giờ sáng 11.8, tại cầu Lai Vu (Kim Thành), anh Đỗ Thanh Nam (sinh năm 1993, ở xã Hiệp Hòa, Kinh Môn) nhảy cầu tự tử.


Anh Nam đang trên đường được bố chở đi khám bệnh vì có những dấu hiệu bị trầm cảm.

Đây không phải trường hợp hiếm hoi người trẻ tự tử vì trầm cảm. Đâu đó chúng ta lại nghe tin có những thanh thiếu niên tự kết thúc cuộc sống của mình bởi không thể vượt qua những sức ép, rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần. Có lẽ, chưa bao giờ bệnh trầm cảm lại phổ biến nhiều như hiện nay. Đó là hệ quả tất yếu của cuộc sống hiện đại hay do chúng ta chưa chăm lo đúng cách đến sức khỏe tinh thần của thế hệ trẻ?

Thực tế cho thấy những người trẻ tuổi dễ bị trầm cảm do kinh nghiệm sống chưa nhiều, chưa biết cách xử lý những mâu thuẫn đột ngột xuất hiện trong cuộc sống, do đặc trưng cảm xúc của lứa tuổi thường dễ bị đẩy lên cao độ. Nếu như ngay từ khi những cảm xúc tiêu cực đầu tiên hình thành, họ được chia sẻ và hướng dẫn cách vượt qua khó khăn thì những cảm xúc đó sẽ không bị dồn nén lâu ngày thành tâm bệnh. Nhưng dường như hiện nay, khi đời sống ngày càng được nâng cao, thanh thiếu niên được quan tâm nhiều về vật chất song lại bị lơ là về yếu tố tinh thần.

Trong gia đình, những bữa cơm quây quần là nơi để các thành viên trong gia đình trò chuyện, sẻ chia đang ngày càng có xu hướng giảm. Bố mẹ và con cái ít gần gũi, tâm sự, ít có những hoạt động chung vì cả trẻ em lẫn người lớn đều say mê các sản phẩm công nghệ như máy tính, điện thoại, iPad. Nhà trường có phòng y tế học đường nhưng mới chỉ dừng lại ở mức chăm sóc sức khỏe thể chất ban đầu một cách sơ khai. Đội ngũ nhân viên y tế học đường đa phần chỉ biết cách cân đo trọng lượng, chiều cao, sơ cấp cứu tai nạn thương tích. Một số trường học có bố trí nhân viên hoặc giáo viên tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của học sinh nhưng tất cả đều chưa có kiến thức đầy đủ về chăm sóc sức khỏe tinh thần cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Kinh phí bố trí cho chăm sóc sức khỏe ban đầu của học sinh chỉ được trích từ tiền đóng bảo hiểm y tế nên không đủ để duy trì các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần. Vì vậy, tư vấn tâm lý học đường chưa thực sự phát triển và hiệu quả.

Những người trẻ đang lớn lên trong bối cảnh xã hội có nhiều điều “không thể hiểu”. Đó là cảnh cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp hàng loạt sau bao nhiêu năm ròng rã đèn sách trong khi không ít người học hành không đến nơi đến chốn, hoặc dùng bằng giả lại có việc làm và thăng tiến. Đó là việc thi THPT quốc gia được 30 điểm mà còn không thể đỗ đại học theo nguyện vọng mình mong muốn. Có sự nỗ lực nào lớn hơn việc đạt được điểm tuyệt đối, vậy mà thực tế lại đòi hỏi người ta phải vượt qua cả cái tuyệt đối đó… Chúng ta sẽ có lỗi với tương lai, với thế hệ trẻ nếu để họ gia nhập cuộc sống hỗn loạn các luồng thông tin và đầy nghịch lý mà không trang bị cho họ một hệ giá trị đúng đắn, một sức khỏe tinh thần lành mạnh.

Để giảm bớt những cái chết do tự vẫn vì trầm cảm, ngay từ lứa tuổi học sinh, gia đình và nhà trường cần quan tâm đến tâm tư, tình cảm, đời sống tinh thần của các em bằng sự sẻ chia, chứ không phải là chỉ bảo hay phán xét. Tổ chức các hoạt động tạo sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình, giữa học sinh với nhau và học sinh với giáo viên. Ngành giáo dục cần xem xét bố trí nhân viên tham vấn tâm lý học đường, giúp học sinh tháo gỡ những khó khăn ngay khi mới hình thành nhân cách. Xây dựng những chương trình học tập, rèn luyện, giúp học sinh hình thành kỹ năng đối diện, giải quyết các mâu thuẫn trong đời sống cá nhân. Được quan tâm tới sức khỏe tinh thần một cách có hệ thống và lâu dài như vậy, thanh thiếu niên khi bắt đầu bước vào ngưỡng cửa trưởng thành sẽ vững vàng, bản lĩnh, ít nguy cơ mắc bệnh trầm cảm. Và những cái chết thương tâm không đáng có vì chứng bệnh trầm cảm sẽ giảm bớt.

LAM ANH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rất cần những liều thuốc tinh thần