Rạp Hòa Bình trong ký ức

20/09/2020 10:08

Dù nay đã không còn nhưng với nhiều người lớn tuổi ở TP Hải Dương, Rạp chiếu bóng Hòa Bình là một phần ký ức được họ nâng niu, trân trọng và phần quá khứ ấy không thể mất đi.


Rạp chiếu bóng Hòa Bình năm 1954 khi mới được gia đình nhà tư sản Hiệp Thành tiếp quản 

Ở thị xã Hải Dương từng có một rạp phim nổi danh mang tên Rạp chiếu bóng Hòa Bình. Trong các quán cafe chật chội ở những khu phố cũ bây giờ, những người hoài cổ đôi lúc lại mang chuyện Rạp chiếu bóng Hòa Bình ra kể lại với nhau một cách say mê, dù đó chỉ còn trong ký ức...

Hoài niệm

Với những thế hệ sau của cụ Hiệp Thành (cụ Nguyễn Tử Thứ), kỷ niệm về rạp Hòa Bình vẫn luôn gắn chặt với đại gia đình của họ. Dù đã hơn 60 năm, nhưng những câu chuyện kể chân thực đến từng chi tiết, những bức ảnh, những kỷ vật gắn liền với Rạp chiếu bóng Hòa Bình luôn được họ nâng niu trân trọng.

Ngày 30.10.1954, thị xã Hải Dương giải phóng khỏi tay người Pháp. Rút khỏi thị xã, đồng nghĩa với việc họ mang đi toàn bộ thiết bị, máy móc của Cinema Select, khi đó thuộc sở hữu của con một người Ấn Độ lai. Không để thị xã mới về tay nhân dân lại mất đi một địa chỉ văn hóa, chính quyền khi ấy vận động cụ Hiệp Thành - một nhà tư sản - từ Hà Nội về tiếp quản Cinema Select. Với mấy trăm cây vàng trong tay, cụ Hiệp Thành cùng gia đình về mua lại, gây dựng và đổi tên thành Rạp chiếu bóng Hòa Bình để nhắc nhớ về sự kiện thị xã Hải Dương giải phóng.

Rạp chiếu bóng Hòa Bình sáng đèn tất cả các buổi tối trong tuần. Hồi đó, ông Nguyễn Tử Anh mới 10 tuổi, cùng với nhiều anh em của mình đang được cha - cụ Hiệp Thành - nuôi ăn học tại Hà Nội. Đến bây giờ ông vẫn nhớ từng chi tiết thiết kế, cách bài trí, lối ra vào, thậm chí tên nhãn hiệu chiếc quạt trần của Ý trong Rạp chiếu bóng Hòa Bình. Ông Tử Anh kể, cụ Hiệp Thành vốn gốc Ninh Bình. Khoảng năm 1940, cụ Hiệp Thành thường về Hải Dương chơi quần vợt và bén duyên với một phụ nữ ở đây. Thời trước, cả dãy phố Hàng Bạc của thị xã Hải Dương (phố Xuân Đài ngày nay) là hàng loạt các cửa hàng vàng bạc liên quan đến gia đình cụ như Đức Thành, Công Thành, Hiệp Thành, Phú Thành... Tại Hà Nội cũng vậy, cụ Hiệp Thành là một nhà tư sản nổi danh. Cả thảy 10 người con của cụ Hiệp Thành đều được cho ăn học, nhiều người trong số ấy có thiên bẩm về nghệ thuật. Sau này, trong một giai đoạn lịch sử, kinh tế của các gia đình tư sản bị ảnh hưởng khiến các thành viên trong gia đình nhiều phen khốn khó. Nhưng không vì thế, 10 người con của cụ - các ông Tử Anh, Tử Toàn, Tử Hậu, Tử Dũng... quên đi cốt cách của con cái một đại gia đình được giáo dục đủ đầy.


Sau này, rạp không còn và chỉ lưu lại một số ít dấu vết cũ 

"Giải phóng xong, thị xã Hải Dương như bừng sáng và điểm sáng nhất về văn hóa khi đó có lẽ chính là Rạp Hòa Bình. Nguồn thu từ rạp không nhiều nhưng cả gia đình ai cũng hăng hái, làm vì đam mê, phục vụ người dân chứ không vì lợi nhuận. Vốn liếng cả đời ông cụ bỏ vào đó", ông Tử Anh nhớ lại.

Thời đó, với tư duy sắc bén của một nhà tư sản, cụ Hiệp Thành đã trả công để những đứa trẻ bán kem đi phát tờ rơi giới thiệu những bộ phim sắp công chiếu. Cách tiếp thị này mãi về sau mới có, nhưng ngay từ năm 1954, cụ Hiệp Thành đã nghĩ ra, sau một lần đứng quan sát quán kem Thụy Anh bên cạnh. Khi được hỏi, những đứa trẻ kể phải đi khắp thị xã rồi về huyện để bán kem. Từ đó, tờ rơi giới thiệu phim theo chân những đứa trẻ bán kem đi khắp các hang cùng, ngõ hẻm. Người dân trong tỉnh biết đến Rạp chiếu bóng Hòa Bình nhiều hơn. Vì thế, rạp luôn sáng đèn, đông khách. Một số nhà tư sản thời ấy còn chung vốn mua mảnh đất với ý định mở một rạp chiếu bóng để cạnh tranh với Rạp Hòa Bình. Nhưng sau này, vì nhiều lý do, ý định đó không thực hiện được.

Rạp chiếu bóng Hòa Bình đi vào hoạt động ổn định, nhưng khác trước, đối tượng phục vụ hoàn toàn là cánh thợ thuyền, lái xích lô, người buôn bán nhỏ - những người vốn khi ấy hoàn toàn lạ lẫm với phim ảnh. Hình ảnh những đoàn người rồng rắn xếp hàng chờ mua vé 2 hào, 3 hào dài dằng dặc. Hay chuyện cụ già từ dưới huyện lên ngồi sẵn ở cửa rạp chờ đến tối vào xem phim Bạch Mao Nữ và để được nghe giọng thuyết minh truyền cảm của bà Kim Giao, ông Trí phát ra từ phía "chuồng con chim" trong rạp khiến cụ Hiệp Thành càng quyết tâm gắn bó...


Bây giờ, chỗ Rạp chiếu bóng Hòa Bình khi xưa là những cửa hiệu hào nhoáng nằm san sát trên con phố sầm uất, đắt đỏ nhất nhì TP Hải Dương 

Nuối tiếc

Trong quá trình tồn tại, Rạp chiếu bóng Hòa Bình có 3 mốc lịch sử. Sau thời thuộc chính quyền của người Pháp, năm 1954 rạp dưới sự điều hành của đại gia đình nhà tư sản Hiệp Thành. Và đến năm 1960, sau quá trình cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, xóa bỏ công thương nghiệp tư bản tư doanh và thị trường tự do, Rạp chiếu bóng Hòa Bình do Nhà nước quản lý nhưng hầu hết người làm việc trước đó của rạp vẫn được trưng dụng. Rạp giữ nguyên tên cho đến ngày dừng hoạt động, chủ yếu tiếp tục trình chiếu các bộ phim của Liên Xô, Trung Quốc và phim của các nước xã hội chủ nghĩa.

Rạp chiếu bóng Hòa Bình chuyển sở hữu, các thế hệ sau này của đại gia đình nhà tư sản Hiệp Thành luôn quan niệm đó là thực tế của một giai đoạn lịch sử. Dù ai cũng tiếc nuối nhưng đều coi đó là một kỷ niệm đẹp. Gia đình luôn tự hào vì có nhiều công sức duy trì, xây dựng Rạp chiếu bóng Hòa Bình và được nhiều người nhắc nhớ cho đến mãi ngày nay.

Cinema Select rồi sau này là Rạp chiếu bóng Hòa Bình luôn chiếm trọn một phần ký ức của ông Trần Thịnh- một người con TP Hải Dương. Thời ấy, buổi tối các chàng trai mời được một cô gái đi xem phim với gói "Lạc rang húng lìu ông Trường" trên tay mới đúng chất trai phố cổ. Vốn gia đình khá giả nên hiếm có buổi phim nào ông Trần Thịnh không có mặt. "Tầng 1 thì giá vé rẻ, trên gác thì giá vé cao hơn do gần màn hình, nhìn rõ hơn. Khi rạp thuộc gia đình cụ Hiệp Thành, tôi được biết tất cả người thân trong gia đình cụ đều tham gia, từ quản lý đến vận hành. Từ bán vé, xé vé hoặc công nhân quay phim đều là người của gia đình cụ. Với những người thuộc thế hệ chúng tôi, nhắc về thị xã Hải Dương xưa thì phải nhắc tới Rạp chiếu bóng Hòa Bình. Nói về Rạp chiếu bóng Hòa Bình thì phải nhắc tới cụ Hiệp Thành", ông Trần Thịnh nói.

Những người lớn tuổi, am hiểu về quá trình tồn tại, phát triển của Rạp chiếu bóng Hòa Bình còn kể vanh vách tên các bộ phim thời ấy như Nàng tiên cá, Anh hùng áo đỏ, Khi đàn sếu bay qua, Người từ trên núi xuống, Đêm biển Hắc Hải... Có những bộ phim được chiếu, nội dung xung đột, kịch tính, éo le khiến khán giả la hét phản đối. Ông Trần Thịnh kể, Bạch Mao Nữ là một trong những bộ phim như thế. Phim tố cáo tội ác của địa chủ đại ác Hoàng Thế Nhân đối với bần cố nông. Mặc dù bối cảnh phim ở Trung Quốc nhưng khá gần gũi với bà con ta thời điểm lúc bấy giờ. Khi nữ chính - Hỉ Nhi bị bố con Hoàng Thế Nhân cưỡng bức phải bỏ trốn vào rừng, suy nghĩ đến bạc trắng mái đầu, khán giả đã la hét, xúc động, tiện đồ vật gì trong tay là ném lên phản đối. Mặc dù rạp phải sửa chữa vì hư hỏng nhưng những người làm chiếu bóng lấy đó làm niềm vui. Chỉ có điện ảnh và chỉ có Rạp chiếu bóng Hòa Bình mới mang lại cảm xúc ấy.

Theo ông Tử Anh, trải qua nhiều thời kỳ nhưng Rạp chiếu bóng Hòa Bình chỉ ở đoạn số nhà 38 Trần Hưng Đạo bây giờ. Thời gia đình cụ Hiệp Thành quản lý, rạp rộng 436 m2, phim chiếu bằng ánh sáng huỳnh quang. Rạp có các máy 16 và 35 ly. Tất cả phim đều được mua về từ FaFilm ở Nguyễn Trãi (Hà Nội). Khi cụ Hiệp Thành có chủ trương đặt máy chiếu từ nước ngoài, bọc lại ghế, thay lại quạt để nâng cấp thì rạp chiếu bóng được Nhà nước tiếp quản. Vì thế ý nguyện của cụ Hiệp Thành không được thực hiện. Sau này, các phương tiện nghe nhìn phổ biến hơn thì rạp thưa vắng khách rồi đóng cửa vào khoảng cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Bây giờ, Rạp chiếu bóng Hòa Bình không còn dấu vết, thay vào đó là những cửa hiệu hào nhoáng nằm san sát trên con phố sầm uất, đắt đỏ nhất nhì TP Hải Dương.

Nhưng với ông Tử Anh cũng như nhiều người lớn tuổi khác, Rạp chiếu bóng Hòa Bình vẫn luôn là một phần ký ức được họ nâng niu, trân trọng và phần quá khứ ấy không thể mất đi.

Trong số những người tôi gặp, ai cũng mong muốn rạp chiếu phim mang tên Hòa Bình trở lại. Dù không còn ở vị trí ấy, không còn cảnh người dân xếp hàng dài mua vé hay chen chúc ở cửa rạp đọc các thông tin phim trên áp phích, nhưng rạp phim mang tên Hòa Bình ấy sẽ là công trình mang dấu ấn của Thành Đông xưa và xứng tầm với TP Hải Dương - đô thị loại I bây giờ...

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rạp Hòa Bình trong ký ức