Người dân xã An Thanh (Tứ Kỳ) đang rất bức xúc và lo lắng trước việc một nhóm người thường xuyên lén lút rải thuốc trừ sâu xuống sông để bắt tôm.
Khúc sông nơi các đối tượng thường xuyên rải thuốc sâu để đánh tôm
Các hộ dân có diện tích đất ngoài bãi đê sông Thái Bình đoạn qua thôn An Định, xã An Thanh (Tứ Kỳ) đang rất bức xúc và lo lắng trước việc một nhóm người thường xuyên lén lút rải thuốc trừ sâu xuống sông để bắt tôm.
Đầu độc tôm cá, nước sôngAnh Nguyễn Tiên Động có diện tích đất bãi ngoài sông Thái Bình cho biết tình trạng trên đã diễn ra cách đây khoảng 2 - 3 năm. Nhằm những ngày con nước đang lên (thường cứ 14 ngày sẽ xuất hiện 1 con nước cạn, sau đó 1 - 2 ngày nước dâng lên từ từ), một nhóm gồm 3 người lại chạy thuyền máy, rải thuốc trừ sâu từ khu vực xã Tứ Xuyên xuôi về xã An Thanh để bắt tôm, tép. Thuốc sâu trôi đến đâu là tôm, tép rúc vào bờ chết đến đó, người ta chỉ việc dùng te hoặc vợt đi vớt. “Họ thường làm vào khoảng 1 - 2 giờ sáng nên bà con ở đây không hề hay biết. Nghe tiếng chó sủa thì nghĩ người ta đi bắt cá đêm nên cũng chẳng ai để ý. Sáng hôm sau thấy tôm, tép chết đầy ven bờ thì mới sinh nghi. Cứ lần nào người ta rải thuốc trừ sâu xuống sông bắt tôm, tép là y rằng có hiện tượng như vậy ”, anh Động khẳng định.
Các hộ dân ở đây thông tin thêm, những hôm nhóm người trên rải thuốc sâu xuống sông thì không chỉ có tôm, tép mà cả cà ra, cua và một số loại cá cũng ngoi lên mặt nước và rúc vào bờ chết. Bà con vừa lo sợ, vừa bức xúc nên thay nhau trông coi, xua đuổi mỗi khi nhóm người này xuất hiện. Mọi người dùng ánh sáng đèn pin rọi vào họ rồi lớn tiếng đuổi đi chứ không lấy đâu ra tàu, thuyền để tiếp cận.
Tác động xấuTheo ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Thanh, cái khó nhất hiện nay là chưa thể xác định được danh tính, quê quán của nhóm người nêu trên để báo với cơ quan chức năng có biện pháp xử lý. Mặc dù đã biết chắc chắn họ rải thuốc trừ sâu xuống sông để bắt tôm nhưng bà con ở đây cũng không biết đó là thuốc gì và nguy hại đến cỡ nào. “Chúng tôi đã báo cáo với chính quyền địa phương, đồng thời lấy mẫu nước sông gửi đi nhờ kiểm nghiệm tại một trung tâm trên Hà Nội để xem có độc hại không nhưng hiện chưa có kết quả. Tôi cũng trực tiếp liên hệ với Trạm Bảo vệ thực vật huyện hỏi về vấn đề này”, ông Luận nói.
Ông Vũ Văn Quang, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tứ Kỳ cho biết do bà con không thu thập được vỏ lọ, bao bì thuốc trừ sâu mà chỉ phản ánh bằng miệng nên trạm không đủ căn cứ kết luận đó là loại thuốc gì. Nhưng nếu sông Thái Bình lớn như vậy mà thuốc vẫn phát huy tác dụng thì có thể đó là loại thuốc chứa hoạt chất Cypermethrin. Chỉ có điều không thể biết chính xác loại thuốc người ta dùng rải xuống sông để bắt tôm là loại nào vì ở Việt Nam có tới 215 loại thương phẩm có chứa hoạt chất Cypermethrin.
Khi loại thuốc trừ sâu được các đối tượng rải xuống sông để bắt tôm vẫn còn là một ẩn số, thì những tác động xấu của nó đối với môi trường đã khiến bà con lo lắng. Anh Phan Văn Khi (49 tuổi) cho biết: “Hằng ngày, chúng tôi đặt đó tại cửa con mương nối với sông Thái Bình bắt được rất nhiều tôm, tép. Nhưng từ khi họ rải thuốc trừ sâu xuống sông đến giờ thì rất ít, nhiều hôm không có”.
Người dân thôn An Định cho rằng, việc các đối tượng sử dụng thuốc trừ sâu rải xuống sông để bắt tôm ảnh hưởng trực tiếp đến vùng khai thác rươi, cáy tự nhiên của địa phương. Vụ rươi năm vừa rồi mất mùa, có nhà chỉ thu được vài cân rươi. Thời điểm hiện tại như mọi năm sẽ thấy nhiều cáy từ lỗ bò ra, nhưng năm nay chưa có mấy. Hiện tượng cua, cà ra, rươi bị chết ở khu vực này rất hiếm gặp nhưng gần đây thỉnh thoảng vẫn xuất hiện. Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng rất lo lắng về chất lượng nước sạch đang sử dụng hằng ngày vì khu vực các đối tượng rải thuốc trừ sâu bắt tôm cách Nhà máy Nước sạch liên xã An Thanh - Tứ Xuyên không xa. Ông Bùi Đức Nam, phụ trách quản lý nhà máy cho biết: “Nếu so sánh với cách đây 2 năm thì chất lượng nguồn nước đầu vào lấy từ sông Thái Bình kém hẳn. Nhiều khi nhìn bằng mắt thường thấy nước trong nhưng khi đưa vào xử lý lại rất khó và gây tốn kém. Trước đây, nhà máy chỉ phải sử dụng 9 - 15kg clo và phèn để xử lý 1.000 m3 nước nhưng nay phải tăng lên 12 - 25 kg, có thời điểm 30 kg”.
Trước thực trạng trên, các hộ dân ở thôn An Định có diện tích đất bãi ngoài đê sông Thái Bình mong muốn các cấp, các ngành liên quan và chính quyền địa phương sớm vào cuộc giải quyết.
PV
Cypermethrin là một hoạt chất nhóm Cúc tổng hợp (Pyrethroid), được tổng hợp thành công vào năm 1974, là thuốc trừ sâu có phạm vi ứng dụng rộng rãi trong nông nghiệp cũng như sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế. Hoạt chất Cypermethrin thuộc nhóm độc II, phổ tác động rộng, hiệu lực diệt sâu nhanh, hiệu quả cao, kéo dài, diệt trừ được nhiều loài sâu trên cây trồng. Tuy nhiên, hoạt chất này có chỉ số tác động môi trường tương đối cao, rất độc với ong và cá. Cypermethrin là một trong những nguyên nhân làm tôm chết hàng loạt. Vì vậy, ngày 16.1.2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 03 cấm sử dụng Cypermethrin trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.
|