Lấy hình tượng tấm áo của người chồng hy sinh còn để lại, mỗi năm một lần người vợ lại lấy mang ra sông giặt, nhà thơ Hồ Anh Tuấn như đưa người đọc trở về ký ức một thời đạn bom với một giọng kể bình dị, sâu đằm mà da diết. Sự bình dị ấy như được toát ra từ chiếc áo màu xanh lá cây của người lính được nhà thơ hình tượng hóa thành “mây xanh”, và khi mang ra sông giặt, hòa vào dòng nước, thì mặt nước sông cũng như biến thành “sông xanh”, hay chính sự hy sinh của các anh là để mang lại màu xanh cho đất trời, sông nước: “Ra sông giặt áo cho chồng/Mây xanh thả xuống một dòng sông xanh”. Thơ chân thật, hồn nhiên, kiệm lời mà gợi.
Sau câu mở đầu, không chút màu mè, nhà thơ đi ngay vào tâm tư người vợ liệt sĩ khi đứng trên bến sông giặt áo cho chồng thấy một bên tay áo bị đạn xé, hẳn là phải rách hoặc mất một bên tay áo, thì trong nỗi buồn, chị lại như thấy yêu thương hơn, tự hào hơn về người chồng đã hy sinh vì nghĩa cả: “Áo đạn xé, người đâu lành/Trường Sơn một cánh tay anh gửi rừng”. Đến đây, như một lẽ đương nhiên, người vợ liệt sĩ có chồng hy sinh đã mấy mươi năm nhưng đều đặn mỗi năm một lần gần như cùng ngày ấy, tháng ấy lại mang áo chồng ra sông giặt, mang về phơi, rồi lại cất kỹ, đến sang năm, đúng ngày ấy lại mang áo ra sông giặt, như để được sống lại ký ức về người chồng yêu thương rõ mồn một từ mùi vị của vải, của mồ hôi đến tính tình, vóc dáng chồng như đã hiện vào tấm áo. Và chỉ có khi ấy, một mình chị và tấm áo với dòng sông xanh, là một dịp thuận lợi để chị có thể thả lòng mình trôi theo anh, sống lại cùng anh bao kỷ niệm vui buồn, nhung nhớ mà thường ngày vẫn kìm nén trong lòng, giờ mới được thể hiện.
Hình tượng người vợ liệt sĩ giặt áo cho chồng trên bến sông mà nước mắt rưng rưng tưởng không khi nào hết là khá đắc địa, bởi nó làm người đọc liên tưởng tới dòng sông mênh mông không khác gì tình yêu thương của chị với người chồng đã hy sinh vì Tổ quốc: “Bên sông bóng chị rưng rưng/Sông bao nước mắt dửng dưng được nào”. Nhất là khi đọc đến khổ thơ như lột tả nỗi niềm người vợ bao năm như vẫn ngóng trông, chờ đợi người chồng liệt sĩ: “Ra sông giặt áo cho chồng/Thời gian vò rối bòng bong tay người”, thì người đọc càng cảm thông, chia sẻ và kính trọng người phụ nữ thủy chung, son sắt ấy.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ sử dụng câu “Ra sông giặt áo cho chồng” không chỉ làm tên bài, mà còn được “điệp khúc” ba lần trong bài, mỗi lần với một tâm trạng khác hẳn, khi thì mang áo ra sông như mang cả màu xanh, hay mang cả hình bóng của anh: “Ra sông giặt áo cho chồng/Mây xanh thả xuống một dòng sông xanh”; lúc lại là nỗi niềm nhung nhớ đến không thể cầm lòng khi nhớ tới những tháng năm anh đi xa: “Ra sông giặt áo cho chồng/Thời gian vò rối bòng bong tay người”; và rồi khi áo đã giặt xong, chị trở về nhà thì lại lập tức có cảm giác dòng sông (hay hình bóng anh) cũng trở nên gần gũi thân thương: “Ra sông giặt áo cho chồng/Vắt vai cả một dòng sông mang về”. Thơ đặc tả tâm trạng, nỗi niềm yêu thương, mong ngóng như tìm trong kỷ vật người quá cố để lại một dáng hình, một kỷ niệm, nhưng giọng thơ vẫn bình dị. Thơ gieo vào lòng người đọc một sự sẻ chia, đồng cảm, nhất là ở hai câu kết hay và giàu hình tượng nghệ thuật: “Ra sông giặt áo cho chồng/Vắt vai cả một dòng sông mang về”.
Đọc bài thơ của Hồ Anh Tuấn một lần nữa thêm cảm mến và biết ơn những người vợ liệt sĩ bao nhiêu năm, dù trong chiến tranh hay hòa bình, vẫn một lòng một dạ tình nghĩa thủy chung, trọn đạo vợ chồng, xứng đáng với truyền thống đạo lý của người Việt Nam ta.
Ra sông giặt áo cho chồng HỒ ANH TUẤN |
CAO NĂM