Rà soát, thu hồi bằng các làng nghề không đủ tiêu chí

01/04/2022 07:38

Hải Dương có khoảng 5.000 cơ sở sản xuất tham gia các hoạt động sản xuất trong làng nghề; trong đó, nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ chiếm đa số với 43%.

Hai Duong: Ra soat, thu hoi bang cac lang nghe khong du tieu chi hinh anh 1

Làng nghề sản xuất hương tại Hải Dương. (Ảnh minh họa: Mạnh Minh/TTXVN)

Tại cuộc giám sát của Ban Kinh tế Ngân sách đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về công tác quản lý nhà nước về hoạt động các làng nghề trên địa bàn tỉnh chiều 31.3, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích đưa ra ý kiến rằng, Hải Dương cần rà soát và thu hồi bằng công nhận làng nghề đối với những làng nghề không còn đảm bảo tiêu chí.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương, từ năm 2018 đến nay, Sở đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành các quyết định hỗ trợ đầu tư cải tạo hạ tầng cho các làng nghề. Cụ thể, giai đoạn này đã phân bổ trên 43 tỷ đồng cho 14 xã cải tạo hạ tầng của 18 làng nghề.

Hiện nay, tỉnh Hải Dương đang triển khai quan tâm phát triển các sản phẩm làng nghề thành sản phẩm OCOP. Từ năm 2018- 2021, toàn tỉnh có 9 sản phẩm OCOP là các sản phẩm của làng nghề.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Dương cũng đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất ở làng nghề quảng bá tại các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh; định hướng tham gia các kênh bán hàng hiện đại như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử, triển lãm thực tế ảo…

Ghi nhận phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh đã góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, tạo việc làm, nâng cao đời sống của một bộ phận người dân nông thôn, tuy nhiên, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích đánh giá hoạt động của các làng nghề trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại cần giải quyết.

Ý kiến thành viên đoàn giám sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương cho rằng, thực trạng của làng nghề hiện nay còn nhiều hạn chế. Các làng nghề truyền thống có xu hướng thu hẹp sản xuất.

Công nghệ và thiết bị máy móc phục vụ sản xuất tại các làng nghề còn lạc hậu. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ chưa nhiều dẫn đến việc thu hút vốn vào làng nghề còn gặp khó khăn, lao động thiếu hụt. Các vấn đề như ô nhiễm nguồn nước, bụi, tiếng ồn chưa được xử lý căn cơ, triệt để. 

Hai Duong: Ra soat, thu hoi bang cac lang nghe khong du tieu chi hinh anh 2

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại một số làng nghề còn chưa được xử lý triệt để. (Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)

Bà Trịnh Thúy Nga, Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương thông tin thêm, qua giám sát một số địa phương cho thấy, có nhiều làng nghề tỷ lệ các hộ dân làm nghề tại địa phương chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, không đạt so với quy định của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Đơn cử, huyện Thanh Miện có 9 làng nghề nhưng có 2 làng nghề gần như không hoạt động. Hoặc làng nghề mây tre đan ở thôn Chằm, huyện Gia Lộc chỉ 6,2% hộ dân còn làm nghề.

Theo bà Trịnh Thúy Nga, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nhức nhối ở các làng nghề. Cùng với đó là các vấn đề như: hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật chưa được quan tâm, các công nghệ lạc hậu và công tác kiểm tra giám sát chưa thường xuyên; Hệ thống chính sách chưa đồng bộ, đầu tư còn khiêm tốn. Ngoài ra, việc hỗ trợ xúc tiến thương mại nâng tầm sản phẩm, việc kết nối tua tuyến phát triển du lịch làng nghề chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Sự phối hợp của các sở ngành chưa hiệu quả. Có làng nghề dừng hoạt động nhưng chưa thu hồi bằng công nhận.

Để phát triển làng nghề, nâng tầm sản phẩm làng nghề, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là đầu mối tham mưu cho tỉnh việc định hướng phát triển làng nghề trong thời gian tới, có giải pháp khắc phục các tồn tại hiện nay.

Đặc biệt, cần rà soát lại thực trạng làng nghề hiện nay trên địa bàn tỉnh, tham mưu định hướng làng nghề nào cần phát triển; có văn bản ý kiến yêu cầu thu hồi bằng công nhận làng nghề đối với những làng nghề không còn đảm bảo tiêu chuẩn. Từ đó tham mưu cho tỉnh chính sách đầu tư cho các làng nghề có trọng tâm trọng điểm.

Sở cũng cần làm đầu mối phối hợp chặt chẽ với các sở ngành theo chức năng nhiệm vụ; hỗ trợ để xây dựng các sản phẩm OCOP đối với các sản phẩm làng nghề, nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Các ngành công thương, văn hóa thể thao và du lịch cần tích cực vào cuộc để phát huy các giá trị đặc sắc của làng nghề.

Trước đó, Ban Kinh tế Ngân sách Hải Dương đã tiến hành giám sát tại một số làng nghề trên địa bàn tỉnh Hải Dương như làng nghề gốm Cậy, vàng bạc Châu Khê, huyện Bình Giang; sản xuất giày da, huyện Gia Lộc, bánh đa Hội Yên, huyện Thanh Miện...

Hiện, Hải Dương đã công nhận 66 làng nghề; trong đó, 34 làng nghề truyền thống

Có 11 làng nghề thuộc nhóm ngành chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; có 6 làng nghề thuộc nhóm ngành sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 3 làng nghề thuộc nhóm ngành xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; 37 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 8 làng nghề thuộc nhóm ngành dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn; 1 làng nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh.

Toàn tỉnh có khoảng 5.000 cơ sở sản xuất tham gia các hoạt động sản xuất trong làng nghề; trong đó, nhóm sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ chiếm đa số với 43%.

Các làng nghề đã thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động với thu nhập từ 4-8 triệu đồng/tháng.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rà soát, thu hồi bằng các làng nghề không đủ tiêu chí