Đến tận trưa muộn mới thấy ông Huy về, bà Phượng vội vàng hỏi:
- Ông lên bệnh viện tỉnh khám từ sớm mà sao về muộn thế? Bác sĩ khám bảo sao hả ông?
- Ờ, bác sĩ bảo vẫn ổn. Ði sớm cứ nghĩ sẽ tới nơi sớm, ai dè đúng lúc công nhân đi làm bà ạ! Họ đi ngược chiều, dàn hẳn sang một nửa phần đường của người đi đúng chiều. Thế là tôi bị ép giữa một bên là hàng dài xe máy, một bên là xe công-ten-nơ, xe khách. Ðược một phen hú vía.
Bà Phượng hốt hoảng:
- Thế ông có sao không?
- Bị tắc đường thôi, không sao cả. Ngày trước cứ tưởng chỉ ở Thủ đô mới phải chịu cảnh tắc đường, bây giờ ở tỉnh mình cũng bị tắc. Dòng người dịch chuyển từng tí một. Mấy bác tài xế thì đua nhau bấm còi inh ỏi, nhức cả đầu. Xe tôi cũng như bao xe khác đang phải nằm ì một chỗ thì có một cậu thanh niên thúc bánh xe vào chân tôi.
- Ấy chết! Ðưa cái chân tôi xem nào.
- Ðã bảo không sao mà. Nhưng khi quay lại thì cậu đó không xin lỗi, còn hất hàm bảo: "Ông không chen lên được thì dịch ra cho người khác lên!". Tôi từ tốn bảo: "Dòng xe dồn ứ lại rồi cũng không chen lên được đâu, cháu chịu khó chờ một tí!"
- Thế cậu ấy bảo sao hả ông?
- Cậu thanh niên ấy nói gần như quát: "Bình tĩnh cái gì mà bình tĩnh! Ðúng là lão già nhiều lời". Cũng chỉ tại tắc đường lâu quá mà tôi lên bệnh viện từ sớm nhưng lại thành ra muộn thế đấy!
- Thôi, ông rửa chân tay đi rồi ăn cơm, không sao là may rồi. Giờ chỉ mong những người tham gia giao thông kiên nhẫn, bình tĩnh và chấp hành đúng luật thôi ông nhỉ?
- Tôi cũng chỉ mong thế thôi, chứ bây giờ ra đường ngao ngán lắm!
HUYỀN TRANG