"Chuẩn bị đại hội cơ sở đảng, bí thư làm việc quá giờ à?" Nghe tôi hỏi, đồng chí H. dừng tay bên chồng hồ sơ lý lịch đảng viên dày cộm, quay ra:
- Phải chuẩn bị kỹ để tránh sai sót khi đại hội, anh ạ...
Anh bảo từ hôm được học tập phổ biến Chỉ thị 36 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của cấp trên về tổ chức đại hội, Thường trực Đảng ủy đã họp nhiều lần. Mọi suy nghĩ, đóng góp đều tập trung vào hai vấn đề lớn là báo cáo chính trị và nhân sự đại hội. Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội thì năm nào cũng đã có tổng kết nên cần phải hệ thống lại, phân tích kết quả, nguyên nhân thắng lợi hay tồn tại, yếu kém trong nhiệm kỳ qua và đề ra được phương hướng, mục tiêu, giải pháp... trong những năm tới với yêu cầu cao hơn... Nhưng về nhân sự đại hội thì phải thận trọng vì đó là bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng bộ cũng như các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước cả một nhiệm kỳ . Vai trò của mỗi cấp uỷ viên và tập thể Đảng ủy rất quan trọng...
- Nhưng các anh đã có quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ mấy năm nay rồi kia mà ? - Tôi hỏi .
- Có chứ, nhưng trong quá trình có biến động. Chẳng hạn như có đồng chí đảng viên trẻ dự kiến tham gia cấp ủy để làm cán bộ Đoàn, nhưng theo yêu cầu lại mới lên đường nhập ngũ. Với lại, tuy đã được đào tạo, bồi dưỡng, theo trường này, lớp nọ thật... nhưng cũng còn phải xem năng lực thực tế, học có đi đôi với hành không và quan trọng là có được đảng viên và quần chúng tín nhiệm không.
- Riêng "bộ khung chủ chốt" thì ổn rồi chứ?
- Rồi. Nhưng còn các nhân sự khác phải lựa chọn thế nào để Ban Chấp hành đảng bộ bảo đảm được tính kế thừa, tỷ lệ nữ, tuổi trẻ... nói chung là những đảng viên ưu tú...
Bằng kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước "chuẩn bị kỹ là đại hội đã cơ bản thành công", đồng chí Bí thư Đảng ủy xã nói với tôi như vậy trước lúc chia tay.
ĐỒNG CHÍ