Các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn và khống chế dịch tả lợn châu Phi.
TP Hải Dương tập huấn hướng dẫn biện pháp phòng ngừa bệnh dịch tả lợn châu Phi
Chiều 20.3, UBND TP Hải Dương phổ biến kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học và bàn các giải pháp phòng chống bệnh DTLCP cho gần 100 hộ chăn nuôi, tiểu thương và cán bộ phụ trách chăn nuôi, thú y của thành phố.
Tại hội nghị, cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố đề nghị các hộ chăn nuôi và cán bộ phụ trách thú y của các xã, phường thực hiện tốt nhiệm vụ của Tháng hành động vệ sinh tiêu độc, khử trùng trong chăn nuôi từ ngày 10.3-10.4. Thành phố cũng đã phát hơn 7.000 liều vaccine dịch tả lợn và hơn 600 lít thuốc sát trùng phun cho toàn bộ các khu vực chăn nuôi và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của thành phố.
* Sáng 20.3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND TP Chí Linh tổ chức tập huấn về chăn nuôi lợn an toàn sinh học và phòng chống dịch tả lợn châu Phi cho 80 đại diện lãnh đạo, cán bộ thú y, chủ trang trại lớn trên địa bàn thành phố.
Đến nay, TP Chí Linh chưa xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi. Để chủ động phòng chống dịch bệnh này, thành phố đã kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh hai cấp, thành lập đội cơ động xử lý nhanh gồm 15 người. Cấp hơn 600 lít thuốc sát trùng cho các địa phương tiêu độc khử trùng. Thành lập 5 chốt kiểm dịch tại các phường An Lạc, Tân Dân, Văn Đức, Hoàng Tiến, Hoàng Tân là những nơi giáp ranh với địa phương có dịch.
Người dân thôn Quán Đào, xã Tân Tiến phun thuốc sát trùng đường giao thông để ngăn chặn mầm bệnh lây lan
* Đến ngày 20.3, UBND huyện Gia Lộc đã trích ngân sách huyện mua 1.265 lít thuốc sát trùng cấp cho các xã, thị trấn. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã cấp phát hơn 700 lít thuốc sát trùng do tỉnh hỗ trợ đến các cơ sở để tiêu diệt mầm bệnh.
Huyện Gia Lộc đã có hơn 150con lợn bị tiêu hủy do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) ở các xã Tân Tiến, Hồng Hưng, Liên Hồng. Trong đó, xã Tân Tiến có số lợn bị nhiễm bệnh nhiều nhất (hơn 100 con). Xã này nuôi gần 6.000 con lợn, nhiều nhất trong tổng số khoảng 40.000 con lợn trong toàn huyện. Các xã xuất hiện bệnh DTLCP đã lập từ 2-5 chốt kiểm dịch tại các đường giao thông ra vào địa phương nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
* Huyện Kinh Môn đã trích ngân sách trên 420 triệu đồng mua vật tư phục vụ công tác phòng chống, dập bệnh DTLCP. Cụ thể, huyện đã mua thêm 550 bộ quần áo bảo hộ và 215 thùng thuốc sát trùng (tương đương 2.580 lít). Huyện dự trữ 35 thùng tại Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, còn lại phân cho các xã, thị trấn theo căn cứ diễn biến dịch. Trước đó, Chi cục Thú y tỉnh đã cấp 720 lít thuốc sát trùng cho huyện Kinh Môn.
Đến ngày 20.3, huyện Kinh Môn đã có thị trấn Kinh Môn và 3 xã Minh Hòa, Hiến Thành và Hiệp Sơn có dịch. Tổng số lợn đã chết và tiêu hủy 424 con.
* Ngày 20.3, huyện Tứ Kỳ có thêm 3 thôn xuất hiện bệnh DTLCP, gồm: Mỹ Xá, Phạm Xá (xã Ngọc Sơn); Quảng Giang (xã Đại Hợp). Cơ quan chức năng của huyện đã tiến hành tiêu hủy 83 con lợn của 3 hộ với tổng trọng lượng 4.930 kg.
Đến nay, huyện Tứ Kỳ có 5 thôn xuất hiện bệnh DTLCP ở 3 xã: Đại Đồng, Đại Hợp và Ngọc Sơn.
PV - TRẦN YẾN