Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của các chiến sĩ Điện Biên đã làm nên kỳ tích, gây sốc không chỉ với quân Pháp mà với cả thế giới...
Nhìn những kỷ vật mang về từ chuyến thăm lại chiến trường xưa, ông Nam lại nhớ về một thời chiến đấu anh dũng,
góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu
Đầu tháng 4 này, trong không khí cả nước hướng về Điện Biên kỷ niệm 60 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đoàn 22 cựu chiến sĩ Điện Biên của tỉnh Hải Dương đã có chuyến hành hương thăm lại chiến trường xưa.
Ông Bùi Văn Nam (84 tuổi), ở thôn 3, xã Hoành Sơn (Kinh Môn) từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ từ đầu cho đến khi kết thúc chiến dịch. Trong chuyến đi này, ông Nam đã gặp lại một người đồng đội cũ ở Đại đội 401, Tiểu đoàn 89, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308. Gặp nhau, hai cựu binh mái tóc bạc phơ ôm chầm lấy nhau mừng mừng, tủi tủi. Các ông cùng thăm lại những nơi mà ngày xưa đã từng chiến đấu, ôn lại những kỷ niệm hào hùng một thời. Chiến trường năm xưa nay đã đổi thay rất nhiều, những cánh đồng lúa xanh mướt trù phú, nhà cửa khang trang, dân cư đông đúc, học sinh rộn ràng đến trường. Chứng kiến sự đổi thay đó, ông và các thành viên trong đoàn rất vui mừng, xúc động. Những trận đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây tròn 60 năm trước chợt ùa về trong ông.
Sau khi tham gia chiến dịch Sầm Nưa, tháng 10 - 1953, đơn vị được lệnh hành quân từ Lào về để tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ theo phương án ban đầu là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Mọi sự chuẩn bị đã xong, bất ngờ đơn vị lại nhận được lệnh rút quân sang Lào. Đến đầu tháng 3 - 1954, đơn vị mới hành quân trở lại Điện Biên Phủ. Bộ Chỉ huy chiến dịch giao cho Đại đoàn 308 của ông và các Đại đoàn 312, 304 có nhiệm vụ tiêu diệt phân khu bắc tập đoàn cứ điểm gồm các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo, trong đợt 1 chiến dịch.
Những ngày đầu chiến dịch (ngày 13 và 14 - 3) đánh cứ điểm Him Lam, Độc Lập, với hỏa lực mạnh quân địch chống trả quyết liệt khiến quân ta bị thương và hy sinh đáng kể. Tuy nhiên, trước sức tấn công dồn dập của quân ta, hai cứ điểm Him Lam, Độc Lập đã nhanh chóng bị tiêu diệt. Quân địch ở Bản Kéo, nghe tin quân ta đã tiêu diệt 2 cứ điểm trọng yếu và chuẩn bị đánh đến đây đã hoảng sợ, phần lớn bỏ chạy, số còn lại đầu hàng nên quân ta không hao tổn công sức. “Mặc dù địch mấy lần dồn hỏa lực để phản công chiếm lại nhưng đều bị quân ta bẻ gẫy”- ông Nam cho biết.
Ngoài trận đánh mở màn chiến dịch, ông Nam còn cùng đơn vị tham gia nhiều trận công đồn khác, tuy nhiên ông nhớ nhất là trận đánh cứ điểm 208 vào ngày 6 - 5. Lúc này, ông Nam là tiểu đội trưởng được giao chỉ huy tổ đánh bộc phá 3 người để công đồn. Đêm đó, tổ của ông nhận lệnh đánh bộc phá mở đường. Khi tổ bộc phá tới hàng rào thứ nhất, ông Nam hô khẩu lệnh chỉ đạo tổ viên số 1 tiến áp sát đánh bộc phá hàng rào. Vừa hô xong, địch từ trong lô cốt bắn ra khiến chiến sĩ đó bị thương. Tiếp đó, ông Nam lại hô tổ viên số 2, chiến sĩ này vừa tiến lên cũng bị địch bắn bị thương. Chỉ còn 1 mình, ông Nam kéo 2 người đồng đội bị thương xuống hào công sự.
Để 2 chiến sĩ bị thương mà chưa phá được hàng rào, ông Nam bị Trung đội trưởng khiển trách, định thay tổ bộc phá khác nhưng ông Nam đã xin Trung đội trưởng để mình tiếp tục chiến đấu. Ông chuẩn bị bộc phá, thủ pháo, súng rồi lao lên với quyết tâm cao nhất. Sau khi phá được 3 hàng rào thép gai bằng bộc phá, ông Nam lao về phía lô cốt rồi tung quả thủ pháo và tiếp tục bồi thêm một băng tiểu liên vào trong lô cốt địch. Lúc này, đơn vị của ông ở trong các giao thông hào xung phong tấn công đánh chiếm đồn. Sáng hôm sau, đơn vị ông cùng các đơn vị bạn dồn toàn lực đánh vào trung tâm sở chỉ huy đầu não của tập đoàn cứ điểm và đã bắt sống tướng Đờ Ca-xtơ-ri, hàng nghìn quân địch phải đầu hàng. Ông Nam chia sẻ: “Mình quyết xin đánh đến cùng không phải là sợ kỷ luật, khiển trách gì mà là vì tinh thần, khí thế lúc đó chỉ nghĩ lao lên để tiêu diệt địch và trả thù cho đồng đội thôi”.
Sau khi giải phóng Điện Biên, đơn vị ông tiếp tục hành quân về Bắc Giang đánh đồn Ngô, Cầu Lồ. Đến tháng 10-1954, đơn vị ông về tiếp quản Thủ đô và ông vinh dự được tham gia đội hình trong lễ duyệt binh chào mừng chiến thắng.
Trong chuyến đi thăm lại chiến trường xưa, ông Nam đã đến nghĩa trang liệt sĩ thắp hương, tưởng nhớ về những đồng đội đã nằm lại nơi đây và nhớ về những ngày chiến đấu gian khổ nhưng hào hùng, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
VIỆT CƯỜNG