Nói đến anh Nguyễn Đình Nhất, người dân ở thôn Lang Viên, xã Hồng Dụ (Ninh Giang) đều biết bởi anh là người làm kinh tế giỏi từ mô hình VAC.
Mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Nhất mỗi năm cho thu lãi 100 triệu đồng
Năm 2003, khi xã có chủ trương về chuyển đổi diện tích đất trũng cấy lúa hiệu quả thấp sang nuôi thủy sản, anh Nhất bàn với vợ nhận đấu thầu hơn 1,2 mẫu để đào ao thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Những ngày đầu thật khó khăn với anh, người ủng hộ thì ít, người bàn ra thì nhiều, hơn nữa vốn đầu tư không có. Song là người có nghị lực, lại được tôi luyện qua môi trường quân ngũ, anh quyết tâm thực hiện cho được mô hình chuyển đổi. Anh huy động từ anh em họ hàng và vay thêm 10 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, thuê nhân công và máy móc đào 2 ao với diện tích 600 m2 thả các loại cá thịt truyền thống như: trắm, chép, mè , trôi… và 1 ao cá giống với diện tích 300m2. Những tưởng lứa cá đầu tiên sẽ bội thu, ai ngờ sắp đến vụ thu hoạch thì cá bị bệnh chết hàng loạt mà không tìm ra nguyên nhân. Thất thu, tiền trả lãi cũng không có, anh lại phải chịu thêm áp lực tâm lý, bởi số ít người cảm thông, còn đa phần thì lời ra tiếng vào. Không nản chí, anh tìm những người có kinh nghiệm để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá do huyện, tỉnh tổ chức. Kết quả thu hoạch vụ cá thứ hai và những vụ kế tiếp đã mang lại niềm tin, tạo động lực để anh tiếp tục phát triển chăn nuôi. Khi có thêm vốn, anh xây dựng khu chuồng trại chăn nuôi lợn, gà, vịt. Trong chuồng của gia đình anh thường xuyên có hàng chục con lợn thương phẩm. Anh còn nuôi 1.000 con gà thịt và 300 con vịt đẻ siêu trứng. Trung bình mỗi năm gia đình anh chị xuất ra từ 6-8 tấn lợn thịt, khoảng 2 tấn gà thịt và hàng nghìn quả trứng vịt... Hằng năm, gia đình anh thu lãi khoảng 100 triệu đồng từ mô hình kinh tế tổng hợp.
HƯƠNG GIANG