Đề xuất này không phải dành cho số đông mà hướng tới lao động tham gia hệ thống an sinh muộn. Cụ thể là người 40-45 tuổi mới bắt đầu đóng BHXH hoặc đóng ngắt quãng, không tích lũy đủ năm để hưởng lương hưu.
Thống kê có khoảng 20.000 người đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ số năm điều kiện đã chọn đóng một lần để hưởng lương hưu; khoảng 300.000 người có thời gian đóng BHXH từ 10 năm trở lên đến tuổi nghỉ hưu mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Song ông Cường cũng thừa nhận với nguyên tắc đóng - hưởng, lao động tham gia 15 năm sẽ có mức lương hưu thấp. Ví dụ nhiều doanh nghiệp đang đóng BHXH cho lao động chỉ nhỉnh hơn lương tối thiểu vùng, dao động 5 triệu đồng thì khoản lương hưu tối thiểu chỉ bằng 45% bình quân tiền đóng suốt quá trình (khoảng 2 triệu đồng).
"Người đóng BHXH 15 năm thì mức lương hưu có thể thấp nhưng vẫn tốt hơn là không có, ngoài ra còn có thẻ bảo hiểm y tế miễn phí", ông Cường nói, thêm rằng tiền hưu trí hầu như đều được Chính phủ điều chỉnh hàng năm dựa trên mức tăng chỉ số giá tiêu dùng và khả năng cân đối của ngân sách.
Dự thảo không khuyến khích lao động chỉ đóng đủ 15 năm BHXH rồi ngừng mà tham gia càng lâu thì tỷ lệ hưởng lương hưu càng cao. Để cải thiện lương hưu, về lâu dài cần nâng mặt bằng tiền lương tính đóng BHXH hàng tháng.
Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mức tiền lương này đang thấp. Năm 2021, bình quân tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc gần 5,7 triệu đồng, tăng 13% so với mức 4,3 triệu đồng năm 2016.
Điều kiện đóng 15 năm BHXH được hưởng lương hưu 45% từng được quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội 2006, sau đó nâng lên 20 năm trong Luật sửa đổi năm 2014 nhằm cân đối Quỹ hưu trí.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thống kê, đến cuối năm 2021, cả nước có 14,2 triệu người sau tuổi nghỉ hưu. Khoảng 3,2 triệu người trong số đó được hưởng lương hưu hàng tháng; 1,8 triệu người (trên 80 tuổi) nhận trợ cấp xã hội. Độ bao phủ an sinh cho người cao tuổi mới đạt 35%. Còn khoảng 9,2 triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng tầng an sinh nào khác.
Theo VnExpress